Thoái hóa đốt sống cổ là căn bệnh ngày càng có nhiều người mắc phải. Xin mách bạn một vài cách để tự chữa trị, giảm đau nhức...
Các triệu chứng ban đầu khi bệnh còn nhẹ chỉ gây đau ở vai và cổ, chóng mặt, buồn nôn... Nhưng khi đã nặng hơn có thể xuất hiện choáng váng và khó nuốt.
Thông thường thoái hóa đốt sống cổ thường xảy ra với người già do quá trình lão hóa các đĩa liên đốt, các thân đốt bởi tưới máu kém. Bệnh cũng dễ gặp ở những người mà gia đình có tiền sử bị thoái hóa đốt sống cổ.
Tuy nhiên do đặc thù nghề nghiệp của thời hiện đại, càng ngày càng có nhiều người tuổi chưa cao cũng mắc chứng này, nhất là dân văn phòng công sở, những người thường phải ngồi lâu trước màn hình máy tính.
Dưới đây, là lời khuyên của bác sĩ cho những người mắc chứng này. Bạn cũng có thể dùng để phòng tránh bệnh, ngăn chặn tận gốc căn bệnh này
1. Chọn một chiếc gối phù hợp
Đối với cột sống nhất là vùng cổ, gối rất quan trọng. Vai trò của gối là để bảo vệ cột sống cổ, hỗ trợ các cơ cổ, để chúng được thư giãn và nghỉ ngơi.
Thông thường, chiều cao của gối phải duy trì sự thẳng thắn cho đốt sống cổ. Với những người quen ngủ nằm ngửa, chiều cao của gối nên bằng với chiều rộng lòng bàn tay của chính họ. Với người hay nằm nghiêng thì chiều cao này bằng với độ dài một bên vai của họ.
Để cho chắc chắn bạn cần thử trước, nếu sáng dậy không thấy bị mỏi cổ hay đau nhức thì có nghĩa chiếc gối đó hoàn toàn phù hợp.
2. Chọn một tấm nệm phù hợp
Chiếc nệm phù hợp phải có độ mềm, cứng vừa phải. Khi nằm trên giường, cột sống có thể vẫn ở vị trí vốn có của nó thay vì cong đi do chìm vào nệm quá mềm. Ngược lại, nệm quá cứng cũng không tốt vì nó sẽ gây lên áp lực lên vai, hông và lưng, điều này có thể dẫn tới chứng đau lưng càng trầm trọng hơn.
Nếu khi thức dậy, bạn cảm thấy đau cổ, vai hoặc đau lưng, đó là lúc bạn cần nên thay đổi tấm nệm của mình.
3. Tránh cúi đầu và ít vận động
Bạn nên tránh các tư thế cúi đầu xuống phía trước như nhìn xuống điện thoại di động, lái xe, chơi bài hoặc xem TV... Nếu phải làm vậy thì mỗi nửa giờ bạn cần thay đổi tư thế và di chuyển để thư giãn cơ cổ trong vài phút.
Nếu có thể, nên đứng lên vươn vai, duỗi thân, đi bộ xung quanh, hoặc tập các đông tác làm thư giãn cơ bắp ở cổ và thắt lưng.
4. Giữ ấm vùng cổ
Vào mùa hè, hãy tránh luồng không khí lạnh của máy điều hòa hay quạt điện thổi trực tiếp vào đầu và cổ.
Vào mùa đông, đầu và cổ cần được bảo vệ bằng các biện pháp ấm áp như khăn quàng cổ và mũ trùm.
5. Ngồi đúng tư thế rất quan trọng
Khi ngồi, bạn nên giữ cột sống cổ ở một vị trí trung lập, mắt trông thẳng và vai thả tự nhiên.
Nếu dùng máy tính, bạn nên điều chỉnh chiều cao của màn hình máy tính cho phù hợp.
6. Hết sức cần thận với những chấn thương ở cổ
Cần cẩn thận để ngăn ngừa mọi chấn thương đột ngột gây hại đến cột sống, đốt sống cổ.
Chẳng hạn, khi đi xe buýt bạn hãy cẩn thận để phòng ngừa sự phanh đột ngột. Khi tập luyện thể dục thể thao cần làm cách động tác tăng dần để tránh sự hoạt động mạnh quá đột ngột.
7. Tập thể dục các cơ cổ để trì hoãn sự thoái hóa
Cần thực hiện các bài tập thể dục thường xuyên cho tất cả các khía cạnh của đốt sống cổ, tăng cường sức mạnh cơ bắp, giúp ổn định đốt sống cổ và trì hoãn sự thoái hóa.
Khi tập thể dục cho cơ cổ, có ba điều cần lưu ý:
Chuyển động chậm, đồng đều, không đột nhiên dùng sức mạnh.
Đừng cố gắng quá mức thực hiện các động tác (như tập yoga chẳng hạn)
Nếu bạn cảm thấy khó chịu trong khi tập, hãy kịp thời ngừng lại.
8. Chú ý đến tư thế bơi lội
Bơi lội có lợi cho việc phục hồi đốt sống cổ, nhưng cần chú ý đến đặc điểm kỹ thuật của các chuyển động, nếu không nó có thể phản tác dụng.
9. Tránh xa thuốc lá
Tránh hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động vì hút thuốc làm tăng tốc căn bệnh thoái hóa đốt sống cổ.
Nếu bệnh chưa nặng, thực hiện đúng những chỉ dẫn ở trên căn bệnh thoái hóa đốt sống cổ của bạn sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp bệnh nặng, bạn nên đi khám bác sĩ để được điều trị cho hiệu quả.
Minh Minh(T/h)