8 dự án được đầu tư theo hình đối tác công-tư (PPP), loại hợp đồng BOT sẽ có chiều dài lên tới 530km với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 104.079 tỷ đồng.
Theo Bộ Giao thông vận tải, mục tiêu đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải một số đoạn cấp bách, từng bước hình thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có năng lực lớn, an toàn, tốc độ cao; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị đặc biệt là 3 vùng kinh tế trọng điểm; từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, với các công trình hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh; góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Sắp xây dựng 8 tuyến cao tốc Bắc - Nam. Ảnh minh họa |
Cụ thể, các dự án được xây dựng theo hình thức BOT (xây dựng, kinh doanh và chuyển giao) gồm: 4 dự án nối từ Ninh Bình đến Hà Tĩnh gồm đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - Quốc lộ 45; Quốc lộ 45 (Thanh Hóa) - Nghi Sơn (Thanh Hóa); Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Diễn Châu (Nghệ An); Diễn Châu (Nghệ An) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh).
4 dự án nối từ Khánh Hòa đến Đồng Nai gồm: Nha Trang (Khánh Hòa) - Cam Lâm (Khánh Hòa); Cam Lâm (Khánh Hòa) - Vĩnh Hảo (Bình Thuận); Vĩnh Hảo (Bình Thuận) - Phan Thiết (Bình Thuận) và Phan Thiết (Bình Thuận) - Đồng Nai.
Hiện 8 dự án BOT, Bộ GTVT xây dựng mức giá bình quân là 2.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể lo ngại mức giá này áp dụng ngay khi hoàn thành dự án thì sẽ rất cao so với mức chi trả của người dân.
Để đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận, phù hợp với cơ chế thị trường và sức chi trả của người dân, Chính phủ xác định mức giá tại thời điểm đưa vào khai thác là 1.500 đồng/km/xe con. Sau đó, theo lộ trình, cứ 2-3 năm tăng 200 - 300 đồng. Mức thu cao nhất là 3.400 đồng/km/xe con. Bình quân toàn bộ vòng đời dự án là 2.500 đồng/km/xe con.
Vũ Đậu (T/h)