+Aa-
    Zalo

    7 tuổi làm chủ tịch: Có nên cho các em “chức danh ảo”?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL - “Các con mới học tiểu học mà lại có danh xưng là chủ tịch, phó chủ tịch thì nghe to tát quá, các con liệu có hiểu hết ý nghĩa của danh xưng này”.

    (ĐSPL) - “Có lẽ nhiều điều trong dự thảo theo tôi là tiến bộ ví dụ như không nêu tên học sinh sai phạm trước lớp, cho học sinh quyền tự chủ nhiều hơn. Nhưng tổ chức lớp còn cồng kềnh quá và nhất là tên gọi các "chức danh" của lớp có vẻ "to chuyện" - Phó Giáo sư Đào Duy Hiệp, Trưởng bộ môn Văn học phương Tây – Đại học Khoa học Xã hội Nhân Văn cho biết.

    Tin tức báo Đời sống & Pháp luật đã đăng tải, Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo điều lệ trường tiểu học mới với nhiều thay đổi quan trọng trong đánh giá học sinh và cách tổ chức mô hình lớp học.

    Theo dự thảo, mỗi lớp sẽ có không quá 35 học sinh. Lớp học có lớp trưởng, lớp phó hoặc chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh do tập thể học sinh bầu hoặc do giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ định luân phiên trong năm học.

    Bé 7 tuổi có thể làm chủ tịch hội đồng tự quản trong lớp học. (ảnh minh họa)

    Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo điều lệ trường tiểu học, trong đó có quy định lớp học có thể có lớp trưởng hoặc chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

    Anh Ngô Quang Hạnh, một phụ huynh có con đang học tiểu học trên địa bàn Thành phố Hà Nội cho biết: “Các con mới học tiểu học mà lại có danh xưng là chủ tịch, phó chủ tịch thì nghe to tát quá, các con liệu có hiểu hết ý nghĩa của danh xưng này”.

    Cùng quan điểm trên, Chị Hà Linh (phụ huynh học sinh) cho hay: “Sẽ là sai lầm nếu các em nghĩ mình lãnh đạo được các bạn khác, nghĩ mình luôn ở phía trên các bạn để suy nghĩ và hành động. Như vậy chẳng khác nào chúng ta dạy cho trẻ biết háo danh ngay từ nhỏ…”. 

    Liên quan tới vấn đề này, PV báo Đời sống & Pháp luật đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Đào Duy Hiệp, Trưởng bộ môn Văn học phương Tây – ĐHKHXH & NV – HN.

    Chia sẻ quan điểm về dự thảo điều lệ trường tiểu học mới được Bộ GD-ĐT công bố, Phó Giáo sư Đào Duy Hiệp cho hay:

    “Có lẽ nhiều điều trong dự thảo theo tôi là tiến bộ ví dụ như không nêu tên học sinh sai phạm trước lớp, cho học sinh quyền tự chủ nhiều hơn. Nhưng tổ chức lớp còn cồng kềnh quá và nhất là tên gọi các "chức danh" của lớp có vẻ "to chuyện".

    PGS.TS. Đào Duy Hiệp phân tích: “Trong quán tính ngôn ngữ của chúng ta, từ "chủ tịch" (từ phường, xã trở lên) có một cái gì đó gắn với quyền lực, tức là quyền bắt người khác phải làm theo ý muốn của mình. Tôi nghĩ, trẻ em trong sáng không nên tập nhiễm cho các cháu ý thức quá sớm về khái niệm này, dù đây chỉ là quyền lực "ảo" vì nó sẽ được luân chuyển giữa các bạn trong lớp trong một Học kì. Hơn nữa, cái hại lớn, sâu xa hơn là nó sẽ hình thành trong các cháu một thói quen xấu là hách dịch. Một xã hội mà có quá nhiều người hách dịch, là một xã hội bất an”.

    PGS.TS. Đào Duy Hiệp.

    Liên hệ với cách tổ chức và giáo dục từ nước ngoài, Phó Giáo sư Đào Duy Hiệp cho biết: “Tôi nhớ có lần đã đọc được một bài viết về giáo dục tiểu học ở nước ngoài. Trong đó có mấy ý tôi rất tâm đắc: 1. Tập cho các cháu tự ý thức về đối thoại, chuẩn bị bài và trình bày tại lớp (không được đọc viết sẵn); các bạn trong lớp sẽ "phản biện", người thuyết trình phải trả lời, tốt hay chưa tốt, tính sau; 2. Tập cho các cháu ý thức tự ứng cử và bầu cử công khai tại lớp cho chức "phát ngôn viên" (tương đương với lớp trưởng của ta), làm trong một thời gian nhất định! "Phát ngôn viên" là một từ rất "quái"! Trong ý thức chung, người mang trách nhiệm này chỉ là cái "loa" truyền lại ý kiến (giữ gìn trật tự lớp, giúp đỡ, đôn đốc bạn khó khăn, nếu có, trong học tập,...) của cô chủ nhiệm thôi, chứ anh (chị) ta không có "quyền lực" gì hết! 3. Ấy thế mà người ra ứng cử vẫn phải chuẩn bị nói năng sao cho dễ nghe, lưu loát, phải đề ra "cương lĩnh" sẽ giúp được các bạn ra sao, đỡ cô giáo được những việc gì, v.v.; sau đó đến phần "chất vấn" của "cử tri". Cô giáo chỉ được cầm trịch, chứ không được phép "định hướng dư luận"! Và cuối cùng là bỏ phiếu, tính cả phiếu của cô. Kết quả được công bố công khai. Sòng phẳng và bình đẳng là cách giáo dục khôn ngoan”.

    Đề cập tới vấn đề dự thảo đề ra mỗi lớp không quá 35 học sinh, Phó Giáo sư Đào Duy Hiệp cho hay: “Theo tôi nếu được như vậy thì quá tốt, nhưng chắc khó. Tôi đã hỏi một vài cô giáo (trước là sinh viên của tôi) bây giờ dạy ở Hà Nội, thì được biết: Trung bình là 45 học sinh/lớp, nhưng cũng tuỳ, với lớp chọn hoặc bồi dưỡng học sinh giỏi có thể trên dưới 30 học sinh/lớp. Các Trường điểm thì có thể đông đến 45-50 học sinh/lớp. Việc nhiều hơn hoặc ít hơn khoảng 10 em trở lại, không phải là vấn đề lớn lắm về chất lượng giáo dục, mà theo tôi, còn nhiều vấn đề khác nữa…

    XUÂN TÙNG – NINH LAN

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/7-tuoi-lam-chu-tich-co-nen-cho-cac-em-chuc-danh-ao-a102447.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.