Người có vấn đề về hệ tiêu hóa
Đối với người khỏe mạnh, việc ăn mướp đắng có thể giúp kích thích tiêu hóa, làm tăng tiết men tiêu hóa. Tuy nhiên, ở người có bệnh tiêu hóa, ăn quá nhiều mướp đắng có thể gây tiêu chảy, lỵ hoặc một số bệnh về dạ dày.
Nghiên cứu trên động vật cho thấy, enzym ở gan tăng cao sau khi dùng mướp đắng bởi các chất trong mướp đắng có thể thay đổi tế bào gan.
Người bị bệnh gan, thận
Mướp đắng rất khó tiêu, có khả năng gây đầy hơi nên người bị bệnh về gan, thận không nên ăn. Những người bị thiếu men G6PD (loại men có vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa của tế bào hồng cầu) cũng nên tránh xa thực phẩm có vị đắng này.
Người bị bệnh thiếu men G6PD sau khi ăn mướp đắng sẽ xuất hiện các triệu chứng thiếu máu, đau đầu, sốt, đau dạ dày, thậm chí bị hôn mê. Đặc biệt, chất Vincine trong mướp đắng có khả năng gây ngộ độc tầm đậu (favism), một hội chứng cấp tính gây ra triệu chứng nhức đầu, đau thắt bụng và hôn mê.
Phụ nữ mang thai và cho con bú
Mướp đắng có quá ít chất xơ và chất béo, không phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của phụ nữ đang mang thai và cho con bú. Ngoài ra, ăn mướp đắng có thể làm giảm đường huyết, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của bà mẹ và thai nhi.
Nghiên cứu đã chỉ ra, mướp đắng có thể gây co thắt tử cung, xuất huyết và làm hư thai, dẫn đế sinh non. Không chỉ vậy, thực phẩm này còn có khả năng gây đột biến gen. Do đó, phụ nữ có thai không nên sử dụng mướp đắng, đặc biệt là khi mang thai ở giai đoạn đầu.
Phụ nữ đang cho con bú cũng không nên ăn mướp đắng vì trong loại quả này có một số thành phần mang độc tính nhẹ có thể được truyền qua sữa mẹ. Độc tính này không gây ảnh hưởng ở người lớn nhưng lại có vấn đề với trẻ em nên cần cẩn trọng khi ăn.
Người trước và sau phẫu thuật
Mướp đắng có thể cản trở quá trình kiểm soát đường huyết ở người, đặc biệt là những người trước, trong hoặc sau phẫu thuật. Vì thế, nếu có lịch phẫu thuật thì bạn nên ngừng ăn mướp đắng ít nhất 2 tuần trước và sau thời gian mổ dự kiến.
Người bị tiểu đường
Mướp đắng có thể giúp giảm lượng đường trong máu, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiến, nếu đang dùng thuốc để hạ thấp lượng đường thì việc ăn thêm mướp đắng có thể khiến mức đường trong máu xuống thấp hơn cho phép, không tốt cho sức khỏe.
Nếu mắc bệnh tiểu đường nhưng muốn ăn mướp đắng, bệnh nhân nên sắp xếp thời gian xen kẽ hợp lý giữa thuốc và loại quả này để bảo vệ sức khỏe.
Người thiếu canxi
Mướp đắng chứa nhiều axit oxalic, có thể ngăn cản cơ thể hấp thụ canxi. Vì lý do này, những nhóm người bị thiếu canxi như trẻ nhỏ, người già, người bị bệnh loãng xương không nên ăn.
Người huyết áp thấp hoặc có tiền sử huyết áp thấp, hạ đường huyết
Mướp đắng có tác dụng làm giảm huyết áp nên người có tiền sử huyết áp thấp không nên ăn. Các chất Charantin, Polypeptid-P và Vicine trong mướp đắng có cơ chế tác dụng làm giảm đường huyết và cải thiện dung nạp glucose.
Nghiên cứu hạ đường trên động vật (chuột và thỏ) cho thấy cải thiện dung nạp glucose, giữ được tình trạng hạ đường huyết sau khi ngưng dùng mướp đắng 15 ngày, cùng với đó là giảm cholesterol trong máu.
Đinh Kim(T/h)