Đèn ông sao
Đây là một trong những đồ chơi quen thuộc với tất cả các thế hệ người Việt, chỉ cần nhắc đến Tết Trung thu thì người ta nghĩ ngay đến đèn ông sao. Mặc dù một số đồ chơi Trung thu truyền thống dần mai một nhưng đèn ông sao vẫn hiện hữu và là món quà ý nghĩa dành cho các bé.
Không giống với nhiều món đồ chơi khác đã được cải biên, đèn ông sao vẫn giữ gần như nguyên vẹn hình thức trang trí, tạo hình từ xưa đến nay. Đèn có hình ngôi sao 5 cánh, tâm sao gắn một cây nến để thắp sáng.
Đèn lồng giấy xếp
Những chiếc đèn lồng làm từ giấy, giấy kiếng nhiều màu và hoa văn vẽ tay vẫn luôn được nhiều người ưa chuộng. Đây là món đồ chơi không thể thiếu để trẻ nhỏ đi rước trăng trong Tết Trung thu. Đèn lồng có đủ hình thù, kiểu dáng, to nhỏ, có thể dùng vải bọc đèn thay giấy làm cho ánh sáng thêm huyền ảo lung linh.
Đèn cù, đèn kéo quân
Đèn cù (còn gọi đèn ông sư) là món đồ chơi gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ. Tên gọi xuất phát từ hình dáng quay như cái cù của đèn. Khi kéo trên mặt đất, bánh xe sẽ làm cho 6 chiếc cánh nhiều màu xoay vòng, tạo ra màu sắc bắt mắt. Được biết, để làm được một chiếc đèn cù mất khá nhiều công đoạn, từ chẻ nứa, vót nan đến làm bánh xe, dán giấy màu…
Trong khi đó, đèn kéo quân lại gợi nhớ loại đèn độc đáo làm bằng giấy bao quanh chiếc khung tre, tưởng như vô tri nhưng lại rất sống động khi biết “kể chuyện”. Những câu chuyện lịch sử đã được kể lại cho biết bao thế hệ trẻ em Việt Nam chỉ thông qua cây đèn kéo quân độc đáo như Tây Du Ký, tứ linh nhảy múa, nông dân làm ruộng, mục đồng chăn trâu…
Mặt nạ, đầu sư tử
Mỗi chiếc mặt nạ có thể coi là một tác phẩm nghệ thuật hàm chứa cái đẹp sâu sắc trong mỹ học dân tộc, thường được làm bằng bìa hoặc giấy bồi, khắc họa những nhân vật như ông Địa, thằng Bờm, chú Tễu…
Đầu sư tử cũng là một món đồ chơi Trung thu truyền thống và lâu đời nhất của Việt Nam, đến nay vẫn được trẻ nhỏ yêu thích. Những chiếc đầu sư tử làm bằng song và tre, bên ngoài bồi bằng giấy và vẽ thêm màu sắc.
Mỗi dịp Trung thu, cả đoàn trẻ em lại đi khắp phố phường để đánh trống, múa lân sư với quan niệm sẽ đem lại nhiều may mắn và hạnh phúc. Để bắt kịp với xu hướng thời đại, ngày nay, nhiều đầu sư tử được gắn thêm đèn nhấp nháy để trông bắt mắt hơn.
Trống ếch, trống bỏi
Trống ếch giống như chiếc trống da trâu, trống sư tử nhưng nhỏ hơn, là một trong những món đồ chơi trung thu truyền thống yêu thích của trẻ em Việt Nam xưa. Khi đánh vào trống ếch, mọi người có thể nghe tiếng “cắc, tùng” đặc trưng trong dịp Trung thu, tạo thêm sự rộn ràng, tưng bừng.
Trong khi đó, chiếc trống bỏi nhỏ xíu nằm gọn trong lòng bàn tay lại phát ra tiếng “tạch, tạch” đanh gọn vui tai. Loại trống này có nguồn gốc từ làng Báo Đáp (Nam Định), là món đồ chơi dân dã, rẻ tiền. Chỉ với một chút đất sét, cán gỗ, que sắt, giấy hồng và dây nilon, bạn đã có thể làm ra một chiếc trống bỏi.
Tiến sĩ giấy
Những ông tiến sĩ giấy được làm bằng giấy màu sặc sỡ, đặt ở nơi cao đẹp nhất, xung quanh bày bánh, hoa quả và đèn trang trí là hình ảnh khó quên với nhiều thế hệ người Việt. Đây không chỉ đơn thuần là trò chơi dân gian. Qua hình ảnh ông tiến sĩ giấy, cha mẹ muốn gửi gắm niềm hy vọng rằng con sẽ học hành chăm chỉ và đỗ đạt.
Tò he
Tò he không chỉ là đồ chơi Trung thu mà còn là nét văn hóa vô cùng đặc sắc. Từ những nguyên liệu thân thiện như bột gạo nếp, phẩm màu tự nhiên, que trẻ, với sự sáng tạo và kỹ thuật điêu nghệ, người nghệ nhân nặn ra những con tò he đủ mọi hình dáng, thể hiện được các cung bậc cảm xúc trên khuôn mặt.
Đinh Kim(T/h)