+Aa-
    Zalo

    7 “mẹo” về dinh dưỡng giúp bệnh nhân gia tăng hiệu quả điều trị bằng hóa trị

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Dinh dưỡng đúng cách sẽ giúp cơ thể bệnh nhân được khỏe mạnh và hạn chế được nhiều tác dụng phụ do hóa chất.

    Hóa chất giúp tiêu diệt tế bào ung thư, nhưng cũng làm ảnh hưởng đến các tế bào sức khỏe và hệ miễn dịch của bệnh nhân. Dinh dưỡng đúng cách sẽ giúp cơ thể bệnh nhân được khỏe mạnh và hạn chế được nhiều tác dụng phụ do hóa chất.

    Vượt quá quá trình điều trị ung thư bằng hóa xạ trị chưa bao giờ là dễ dàng. Bởi ngoài phải chịu những triệu chứng của bệnh hành hạ, bệnh nhân còn phải chống chọi trước những tác dụng phụ do hóa chất gây ra. Điều này khiến bệnh nhân suy kiệt sức khỏe, đuối sức, mệt mỏi, không muốn ăn uống làm ảnh hưởng đến điều trị bệnh.

    Tác dụng phụ của hóa trị là một trong những nguyên nhân khiến sức khỏe của bệnh nhân suy kiệt nghiêm trọng

    Muốn có đủ sức khỏe để hoàn thành tốt quá trình điều trị, bệnh nhân cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý khoa học là điều rất quan trọng. Sau đây là một vài bí quyết ăn uống giúp bệnh nhân có sức khỏe để thực hiện điều trị hóa trị:

    1. Cải thiện vị giác

    Một trong những tác dụng phụ của hóa trị sẽ khiến bệnh nhân giảm vị giác. Nó khiến bệnh nhân không muốn ăn uống, lâu dần cơ thể sẽ bị thiếu chất nếu không bổ sung đầy đủ. Vì vậy trong các bữa ăn cần nấu từ những thực phẩm tươi, xanh, đa dạng món ăn, hạn chế những món ăn có mùi nặng, trang trí món ăn,... để kích thích được vị giác của bệnh nhân.

    Nếu bệnh nhân gặp khó khăn khi uống nước lọc, hãy để người bệnh thử uống nước có hương vị và thêm vài lát chanh. Thay thế những thịt có mùi nặng bằng các nguồn protein khác như trứng, sữa ít chất béo, đậu,...

    2. Giảm táo bón, tiêu chảy

    Cơ chế tiêu diệt tế bào ung thư của các loại hóa chất nhằm vào những tế bào phát triển nhanh. Niêm mạc dạ dày ruột có cùng cơ chế đó nên cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Nó khiến bệnh nhân sẽ gặp phải tình trạng rối loạn tiêu hóa: đầy hơi, táo bón, đôi khi bị tiêu chảy.

    Việc bổ sung đầy đủ nước, ăn nhiều chất xơ sẽ ngừa được tình trạng táo bón, đào thải chất độc ra bên ngoài cơ thể. Nếu không quen với việc ăn chất xơ và uống nước nhiều hãy tăng lên từ từ. Đồng thời hãy kết hợp với việc tập thể dục (mỗi ngày khoảng 20 phút đi bộ) sẽ giúp kích thích đường ruột tiêu hóa.

    Trường hợp bệnh nhân bị tiêu chảy, những thực phẩm có chứa nhiều dầu mỡ, caffein, đồ uống có đường, thực phẩm sống, rượu,... cần tránh. Thực phẩm bệnh nhân nên sử dụng giúp hấp thụ tốt bao gồm: bột yến mạch, khoai lang, bí,...

    3. Làm giảm loét miệng

    Hóa chất có thể gây ra tình trạng lở loét miệng khiến quá trình ăn uống của bệnh nhân gặp nhiều khó khăn. Do đó, hãy tránh ăn những loại thực phẩm cay, chua, rượu, đồ ăn quá nóng. Bên cạnh đó, cần giữ miệng luôn ẩm bằng cách sử dụng nhiều nước. Nên vệ sinh miệng bằng nước súc miệng sau mỗi bữa ăn để hạn chế viêm nhiễm bị nặng hơn.

    4. Bổ sung nước

    Nôn, tiêu chảy, uống nước ít sẽ khiến bệnh nhân bị mất nước. Khi đó sẽ khiến cho mắt bị khô, miệng khô, nước tiểu thấp (màu vàng đậm),... làm cho quá trình đào thải chất độc ra ngoài cơ thể giảm,... Vì vậy hãy tăng cường uống nước để tránh bị mất nước cho cơ thể.

    Bổ sung nước để hạn chế tình trạng táo bón và thúc đẩy quá trình đào thải chất độc ra ngoài cơ thể

    5. Kiểm soát buồn nôn

    Buồn nôn khiến bệnh nhân không muốn ăn uống, làm cơ thể bị thiếu chất. Do đó phương pháp giúp cải thiện tình trạng buồn nôn như: ăn thực phẩm ấm, ngậm gừng, bạc hà, uống trà gừng,... là những cách rất hiệu quả. Chú ý cần hạn chế sử dụng thực phẩm có mùi nặng và chứa nhiều dầu mỡ.

    6. Ăn mỗi khi đói

    Đa số bệnh nhân hóa trị đều gặp phải tình trạng chán ăn. Do đó bất kỳ lúc nào đói hãy ăn luôn. Ăn với số lượng vừa phải, không quá no và quá đói. Bệnh nhân nên ăn những thực phẩm dễ hấp thụ, dễ ăn như vậy sẽ giảm được tình trạng buồn nôn và cải thiện được tình trạng thiếu chất.

    7. Tránh đồ uống có cồn

    Gan đóng vai trò rất quan trọng trong việc chuyển hóa các chất độc trong máu. Vì vậy không nên sử dụng những loại thức ăn đồ uống tạo áp lực cho gan như: rượu, bia,... Bên cạnh đó rượu bia cũng là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh ung thư tạo điều kiện để ung thư phát triển.  

    Có một chế độ dinh dưỡng hợp lý trong quá trình điều trị sẽ giúp bệnh nhân có đủ sức khỏe để hoàn thành phác đồ điều trị. Những bí quyết trên đây được các chuyên gia khuyến khích nên áp dụng để xây dựng thực đơn cho bệnh nhân ung thư đang điều trị ung thư bằng hóa trị.

    Phạm Hưng

    Link bài gốc Lấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/7-meo-ve-dinh-duong-giup-benh-nhan-gia-tang-hieu-qua-dieu-tri-bang-hoa-tri-a270280.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan