(ĐSPL) - Liên quan đến vụ 6 cầu thủ Đồng Nai bán độ, qua quá trình xác minh, đường dây này có dấu hiệu không chỉ tổ chức cá độ bóng đá qua mạng internet, mà còn tổ chức cho các con bạc tham gia cá độ ở nhiều môn thể thao khác nhau.
Quá trình điều tra ban đầu, cơ quan công an cho biết, có nhiều nghi vấn các cầu thủ này còn có thể tham gia cá độ ở các trận đấu khác. Một số lời khai ban đầu cũng thể hiện, có trận đấu họ thua tiền cá độ khá lớn nên muốn... gỡ gạc.
Chân dung "ông trùm" cá độ
Theo nguồn tin riêng của PV báo Đời sống và Pháp luật, từ đầu mùa giải World Cup 2014, đường dây cá độ chuyên nghiệp do đối tượng Nguyễn Phúc Thuận (SN 1982) cầm đầu đã rơi vào "tầm ngắm" của các trinh sát cục Cảnh sát Hình sự (C45 Bộ Công an). Qua quá trình xác minh, đường dây này có dấu hiệu không chỉ tổ chức cá độ bóng đá qua mạng internet, mà còn tổ chức cho các con bạc tham gia cá độ ở nhiều môn thể thao khác nhau. Thuận là một đối tượng cộm cán ngoài xã hội, có "máu giang hồ", từng có tiền án về tội tổ chức đánh bạc. Biệt danh của hắn là Thuận "trâu bò". "Ông trùm" cá độ này vốn quê gốc Hà Tĩnh nhưng lại thích tha hương, vào tận Đồng Nai "lập nghiệp".
|
Ảnh minh họa. |
Từng đi tù về tội tổ chức đánh bạc nhưng khi ra trại, hắn vẫn chứng nào tật nấy, tiếp tục điều hành một đường dây mới, thậm chí còn "quy mô" hơn lần bị bắt trước. Thuận lần mò, kết nối để lấy các trang mạng cá độ chuyên nghiệp từ nước ngoài vào Việt Nam. Từ đó, hắn làm "tổng đại lý" cấp một, rồi chia nhỏ mạng ra cho đám "đệ tử" quản lý và giao hẳn cho một số đối tượng chuyên làm nhiệm vụ đi môi giới, tìm kiếm, lôi kéo các con bạc tham gia vào đường dây này. Thậm chí các "con mồi" mà đường dây của Thuận nhắm đến còn có cả các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Bước đầu, cơ quan điều tra xác định được ba "đệ tử" chuyên giúp sức cho Thuận gồm có: Trần Văn Ba (tên thường gọi là Hoàng, SN 1985, quê gốc Hà Nam, hiện ở phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa); Trần Đình Hải (tên thường gọi là Hải "tóc") và Đỗ Hoàng Hà, đều trú tại Đồng Nai.
Trong số các cầu thủ chuyên nghiệp tham gia tích cực vào đường dây cá độ do Thuận điều hành, đầu tiên phải kể đến cái tên Đỗ Đình Hiệp. Tiền vệ gốc xứ Nghệ này thuộc đội tuyển U22 Đồng Tâm Long An. Đối với người hâm mộ bóng đá thì Đình Hiệp vốn là một tài năng trẻ, từng đầu quân cho nhiều đội bóng nổi tiếng, tham gia đá chính ở một số giải vô địch quốc gia. Thế nhưng, ít ai có thể ngờ rằng, qua thông tin các trinh sát hình sự nắm được thì Đình Hiệp lại là một "con ma đánh bạc". Trong mùa giải World Cup 2014 vừa qua, ở các trận đấu, Đình Hiệp đã bỏ ra khá nhiều tiền để cá độ bóng đá thông qua đường dây do Nguyễn Phúc Thuận cầm đầu. Hiệp khai, trước mỗi trận cầu, anh ta cũng phải đầu tư khá nhiều thời gian để nghiên cứu, tính toán rồi mới đưa ra quyết định cá độ. Tuy nhiên, thua nhiều hơn thắng.
Lý do nào khiến các "tài năng trẻ" lại "nhúng chàm"?
Trở lại đường dây cá độ của Thuận, theo thông tin từ cơ quan điều tra (Bộ Công an), cũng vài tuần nay, các trinh sát nắm được tài liệu về một nhóm cầu thủ của CLB Đồng Nai có biểu hiện nghi vấn tham gia cá độ bóng đá. Nhóm cầu thủ này do Phạm Hữu Phát (SN 1988) cầm đầu. Hữu Phát chính là đội trưởng của tuyển Đồng Nai. Tích cực xác minh và triển khai các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an nắm được, trước khi trận đấu giữa đội tuyển Đồng Nai gặp Than Quảng Ninh tại vòng 21 giải Eximbank V-League 2014 diễn ra, đường dây của Thuận đã nhận kèo cá độ với nhóm cầu thủ Đồng Nai, do đội trưởng Hữu Phát đại diện đứng ra thỏa thuận tiền.
Theo đó, Thuận nhận kèo trong trận này với giá 400 triệu đồng, nhưng chỉ đưa trước hơn 300 triệu đồng cho Phát (thông qua Trần Văn Ba, tức Hoàng làm trung gian). Các đối tượng giao kết nhận kèo tài xỉu, tức là Than Quảng Ninh phải thắng cách biệt hai bàn. Nếu tỉ số diễn ra đúng như đã thống nhất thì nhóm cầu thủ Đồng Nai được hưởng số tiền này, còn nếu không làm được như vậy thì bị phạt một gấp ba mức cá độ, tức là 1,2 tỉ đồng.
|
Các cầu thủ đội Đồng Nai "nhúng chàm", tỏ ra ngại ngùng trước ống kính của PV. |
Quá trình theo dõi, đến chiều 20/7, diễn biến trận đấu giữa đội tuyển Than Quảng Ninh gặp Đồng Nai diễn ra đúng như những nghi vấn ban đầu, tỉ số chung cuộc Than Quảng Ninh thắng Đồng Nai 5-3. Kết hợp với các chứng cứ, tài liệu liên quan, ngay chiều hôm đó, khi các cầu thủ của Đồng Nai vừa rời sân cỏ về đến khách sạn thì C45 tiến hành triệu tập 6 cầu thủ liên quan gồm: Phạm Hữu Phát, Nguyễn Thành Long Giang, Đinh Kiên Trung, Nguyễn Đức Thiện, Phan Lưu Thế Sơn, Hà Niệm Tiến. Củng cố chứng cứ, ngay sau đó, cơ quan điều tra đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với 11 đối tượng, trong đó có 4 đối tượng điều hành đường dây cá độ do Thuận cầm cầu và 7 cầu thủ thuộc hai đội tuyển Đồng Nai và Đồng Tâm Long An.
Thông tin mới nhất PV cập nhật được, C45 đang tiến hành mở rộng điều tra, làm rõ những nghi vấn ở các trận đấu khác trong mùa giải Eximbank V-League 2014. Hiện, C45 đang phối hợp với ban tổ chức giải để "lật lại" hồ sơ của một số trận đấu có tổng số bàn thắng cao. Tại cơ quan điều tra, một số cầu thủ ban đầu khai nhận, từng tham gia cá độ ở các trận đấu bóng đá khác. Trong trận Đồng Nai gặp Than Quảng Ninh, họ cũng chỉ nghĩ rằng là cá độ bóng đá giống như... đánh bạc bình thường, chứ không có ý định bán độ hay làm gì để ảnh hưởng đến kết quả thi đấu của đội nhà vì đội Đồng Nai đã đạt điểm trụ hạng. "Vì đây là trận đấu dù kết quả như thế nào cũng không ảnh hưởng đến điểm trụ hạng của đội Đồng Nai nên em mới đồng ý", cầu thủ Hữu Phát biện minh cho hành động sai trái của mình.
Theo đó, khi cá độ ở một số trận đấu khác (kể cả giải World Cup 2014), các cầu thủ này cũng thua khá nhiều tiền nên "hậu World" vẫn muốn "đánh bạc" để mong... gỡ gạc lại. Một nguồn tin cho thấy, phía cơ quan điều tra đã đề nghị ban tổ chức giải V-League cung cấp toàn bộ báo cáo của giám sát trọng tài, giám sát trận đấu, biên bản đánh giá của ban tổ chức tại các trận đấu có nghi vấn trong mùa giải 2014. Phía liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và ban tổ chức giải V-League cũng rất ủng hộ việc này. Họ đề nghị C45 tích cực vào cuộc điều tra, làm trong sạch các đội bóng nếu có tiêu cực.
Được biết, trong khi các cầu thủ thành khẩn khai nhận, ăn năn hối cải thì các đối tượng điều hành đường dây cá độ "khủng" này, đặc biệt là Thuận "trâu bò" lúc đầu tỏ ra rất "cứng cổ", hắn vòng vo, khai báo loanh quanh hòng chối tội. Tuy nhiên, khi cơ quan điều tra đưa ra những bằng chứng xác đáng, lời khai của các đối tượng khác cùng với nhiều tài liệu liên quan, Thuận mới cúi đầu nhận tội. Hơn thế, trong chiếc máy tính và những tang vật thu giữ tại nơi ở của Thuận, có nhiều tài liệu đã "tố cáo" những hành vi phạm pháp của hắn.
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, lãnh đạo C45 khẳng định, quyết tâm làm rõ những trận đấu có nghi vấn, xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức đánh bạc và đánh bạc, trả lại sự trong sạch cho bóng đá Việt Nam. Ngoài ra, thời gian tới C45 tiếp tục phối hợp với VFF để đưa ra những biện pháp phòng ngừa, tránh những trường hợp tiêu cực tương tự xảy ra. Theo vị lãnh đạo này, VFF cần tăng cường quản lý chặt chẽ các câu lạc bộ và ban huấn luyện đội bóng phải giám sát, quản lý chặt chẽ các cầu thủ thông qua lúc tập luyện và thi đấu. Nếu ban huấn luyện để ý kỹ vấn đề này thì có thể phát hiện được các tiêu cực. Cụ thể trong trận đấu Đồng Nai gặp Than Quảng Ninh, chính huấn luyện viên của đội Đồng Nai cũng cảm thấy có "mùi" tiêu cực khi chứng kiến các cầu thủ đội nhà "diễn" trên sân cỏ. Cần giám sát các mối quan hệ không rõ ràng của các cầu thủ với các đối tượng bên ngoài xã hội, đặc biệt là các đối tượng từng có tiền án về tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc... Điều đáng buồn trong vụ này là cả 4 vị trí quan trọng của đội Đồng Nai gồm thủ môn, tiền đạo, hậu vệ, trung vệ đều có cầu thủ "nhúng chàm". Vì vậy, điều quan trọng nữa là, cần thường xuyên giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho các cầu thủ, đừng để những người hâm mộ, dành trọn niềm tin vào bóng đá phải thất vọng. |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/6-cau-thu-dong-nai-ban-do-giang-ho-va-hoang-tu-san-co-bat-tay-a44049.html