Tờ Nhịp sống thị trường đưa tin, CTCP Victory Capital (mã PTL) thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ, số tiền huy động dự kiến dùng chủ yếu để mở rộng quỹ đất. Theo phương án, doanh nghiệp dự kiến sẽ chào bán riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 1.000 tỷ đồng.
Điểm đáng lưu ý, giá đóng cửa ngày 21/6 của cổ phiếu PTL là 4.220 đồng/cổ phiếu. Như vậy, giá chào bán cổ phiếu riêng lẻ đang gấp hơn 2 lần so với thị giá hiện tại. Nếu phát hành thành công, Victory Capital sẽ nâng vốn điều lệ gấp đôi lên 2.000 tỷ đồng.
Với mục đích đầu tư rộng quỹ đất, Victory Capital sẽ dành 700 tỷ đồng trong số 1.000 tỷ đồng huy được để góp góp thêm vào công ty con là CTCP Đầu tư Bất động sản Tiến Phát Đạt, nâng vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng lên 750 tỷ đồng. Đồng thời góp 250 tỷ đồng vào công ty con là CTCP Đầu tư Bất động sản Phúc Khang Gia, tăng vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng.
Với số tiền 50 tỷ đồng còn lại, Công ty sẽ bổ sung vốn lưu động.
Danh sách nhà đầu tư mua trong đợt phát hành riêng lẻ của PTL dự kiến 5 người. Trong đó, chỉ có duy nhất bà Trần Thị Hường đang nắm giữ cổ phiếu PTL trước đợt chào bán riêng lẻ (hơn 1,26 triệu cổ phiếu). Bà Hường đăng ký mua thêm 23,5 triệu cổ phiếu, qua đó sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên 12,38%. Còn lại, CTCP Grand House, CTCP KoKo Capital, ông Lê Thế Tình và ông Trần Ngọc Minh Trí đều chưa sở hữu cổ phiếu PTL nào.
Grand House và KoKo Capital dự kiến sẽ là cổ đông chiến lược của Victory Capital khi đăng ký mua 30 triệu cổ phiếu và 20 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ nắm giữ lần lượt là 15% và 10% cổ phần.
Trong khi đó, 2 cá nhân là ông Lê Thế Tình và ông Trần Ngọc Minh Trí sẽ tham gia với tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, với số lượng đăng ký mua là 22,5 triệu cổ phiếu và 4 triệu cổ phiếu; dự kiến sở hữu lần lượt 11,25% và 2% vốn tại doanh nghiệp này.
Theo tạp chí Mekong Asean, Victory Capital tiền thân là Petroland, thành lập năm 2007 trên cơ sở chuyển đổi từ Ban Quản lý các dự án công trình xây dựng phía Nam thành công ty cổ phần thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Năm 2010, công ty niêm yết trên HoSE, hoạt động trong các lĩnh vực: Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật, khu dân cư, khu đô thị; Kinh doanh bất động sản; Thực hiện đầu tư tài chính, mua bán cổ phần; Mua bán vật tư, nguyên vật liệu ngành xây dựng.
Đến năm 2021, với sự thay đổi cơ cấu cổ đông, công ty đã tái cấu trúc mô hình hoạt động và đến tháng 2/2022 chính thức đổi tên thành Victory Capital, tập trung hoạt động vào 3 nhóm: Đầu tư, tài chính và bất động sản.
Năm 2022, PTL lỗ sau thuế công ty mẹ hơn 114 tỷ đồng, lỗ luỹ kế đến thời điểm cuối năm 2022 là 540 tỷ đồng. Quý 1/2023, công ty tiếp tục lỗ sau thuế hơn 200 triệu đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu PTL hiện đang dừng ở mức 4.220 đồng/cổ phiếu, tăng 20% trong một tháng trở lại đây nhưng chưa bằng một nửa so với giá chào bán riêng lẻ. Do lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là số âm nên PTL đang bị trong diện cảnh báo của HoSE.
Vân Anh (T/h)