"Diên hi công lược", bộ phim thu hút lượng người xem kỷ lục, khiến người ta nhớ đến những người đẹp từng làm khuynh đảo lịch sử Trung Quốc, theo SCMP.
1. Người hòa giải" Vương Chiêu Quân (Triều Hán, năm 51-15 trước Công nguyên)
Vương Chiêu Quân xuất thân từ một gia đình thường dân nhà Hán. Xinh đẹp, giỏi cầm kỳ thi họa, nàng được tuyển vào hậu cung của Hán Nguyên Đế nhưng chỉ làm cung nữ.
Khi đó người Hung Nô là dân du mục, chiếm đóng một khu vực rộng lớn là Mông Cổ ngày nay, một phần phía bắc Trung Quốc và Trung Á. Người Hung Nô và người Hán đụng độ ở khu vực biên giới trong nhiều năm.
Năm thứ 53 trước Công nguyên, thiền vu Hung Nô là Hô Hàn Tà đến kinh đô Trường An để tỏ lòng thần phục nhà Hán và muốn lấy công chúa. Vua không muốn gả con gái, bèn ban lệnh cho các cung nữ "ai muốn lấy Hô Hàn Tà sẽ được coi như công chúa".
Không ai muốn lấy Hô Hàn Tà, chỉ có Vương Chiêu Quân tình nguyện và sau này trở thành sủng phi. Hai người sinh được hai con trai và một con gái. Các nhà sử học và thi sĩ ca ngợi Vương Chiêu Quân đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hòa bình kéo dài nhiều thập niên giữa người Hung Nô và người Hán.
2. “Hoàng đế” Võ Tắc Thiên (đời Đường, 624-705)
Phác họa nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên. - Ảnh: Baidu. |
Võ Tắc Thiên đi vào lịch sử là nữ "Hoàng đế" duy nhất từng thống trị Trung Quốc. Võ Tắc Thiên vào cung năm 14 tuổi, là phi tần của Đường Thái Tông, vị hoàng đế thứ hai trong đời Đường.
Năm 643, Đường Thái Tông phế truất Thái tử Lý Thừa Càn, lập Tấn vương Lý Trị làm Thái tử. Từ đây, Võ Tài nhân thường ở bên cạnh phụng dưỡng, hầu thuốc cho Thái Tông, Thái tử trông thấy mà say mê. Đường Thái Tông băng hà khi Võ Tắc Thiên mới 25 tuổi. Thái tử Lý Trị lên ngôi, tức Đường Cao Tông.
Trong hơn 10 năm làm Tài nhân, Võ Mỵ Nương không hề sinh được một người con nào, vì thế theo di mệnh của Tiên hoàng đế, bà và tất cả các phi tần không con khác phải cạo tóc, xuất gia làm ni cô, vào tu ở Cảm Nghiệp tự.
Tuy nhiên, bà không chấp nhận việc này và vẫn hy vọng có ngày được trở về cung. Trước kia Cao Tông còn làm Hoàng thái tử đã thầm thương yêu bà, nhưng không thổ lộ ra ngoài.
Năm 650, tháng 5, nhân ngày giỗ của Đường Thái Tông, Cao Tông đến Cảm Nghiệp tự và tình cờ gặp lại Võ Mỵ Nương, hai người ôm nhau mà khóc. Võ Mỵ Nương lúc đó đã cạo đầu song nhan sắc vẫn diễm lệ, nói năng êm tai nên tình cũ trỗi dậy, Đường Cao Tông nảy ý rước bà về cung.
Năm 651, Đường Cao Tông mãn tang, lệnh Võ thị hoàn tục, chính thức đưa Võ thị trở lại hậu cung. Vào lúc này, Võ thị đang mang thai đứa con đầu lòng. Từ đó, Võ Tắc Thiên bắt đầu hành trình dài nắm quyền lực và tự ra chiếu chỉ phong mình là nữ Hoàng đế tiên của Trung Quốc ở tuổi 66. Bà cai trị đất nước trong 15 năm, cho đến khi qua đời.
Võ Tắc Thiên được mô tả là người phụ nữ tàn nhẫn. Những âm mưu như mưu hại hoàng hậu, giết công chúa đã nhiều lần được mô tả trong các bộ phim điện ảnh và truyền hình Trung Quốc.
3. "Người giơ đầu chịu báng" Dương Ngọc Hoàn (Triều Đường, năm 719-756)
Phác họa Dương Quý Phi. - Ảnh: Baidu. |
Dương Ngọc Hoàn còn được gọi là Dương Quý Phi. Dương Ngọc Hoàn vốn là chính phi (vợ cả) của Thọ vương Lý Mạo, con trai của Đường Minh Hoàng và Võ Huệ Phi. Sau khi Võ Huệ Phi qua đời, Đường Minh Hoàng, 61 tuổi lập Dương thị, 27 tuổi, làm quý phi (vợ lẽ, cấp bậc cao thứ hai trong hậu cung, sau hoàng hậu).
Đường Minh Hoàng say mê Dương Quý Phi, lơ là triều chính. Ông phong nhiều vị trí quan trọng trong triều đình cho thân thích của Dương Quý Phi, dẫn tới cuộc nổi loạn An Lộc Sơn. Tướng An Lộc Sơn lấy lý do gia tộc Dương Quý Phi làm nhũng nhiễu triều chính để nổi dậy.
Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi chạy trốn khỏi kinh thành. Trên đường đi trốn, cấm vệ quân đổ lỗi cho Dương Quý Phi gây nên tình trạng bất ổn và xử tử bà. Dương Quý Phi chết năm 38 tuổi. Cuộc nổi dậy bị dẹp sau 8 năm. Tuy nhiên, đó là khởi đầu cho sự kết thúc của vương triều nhà Đường.
4. "Con tốt" Trần Viên Viên (Triều Minh, năm 1624 - 1681)
Phác họa Trần Viên Viên. - Ảnh: Baidu. |
Sinh ra trong thời kỳ bất ổn, Trần Viên Viên mồ côi từ nhỏ, Trần Viên Viên là một kỹ nữ nổi danh trong lịch sử Trung Quốc có tự Uyển Phân, vợ lẽ của danh tướng Sơn Hải quan Ngô Tam Quế. Đồng thời cũng bị quy cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Ngô Tam Quế dẫn quân Thanh chiếm Trung Nguyên.
Ngô Tam Quế đã gây nên sự sụp đổ của triều đại nhà Minh. Ông đã mở Sơn Hải Quan, cổng chiến lược của Vạn Lý Trường Thành, ngăn quân Mãn Châu hay Thanh ở phía Bắc. Ngô Tam Quế đã "tiếp tay" cho quân Thanh xâm chiếm kinh thành.
Sau cuộc chiến này, kết cục của Trần Viên Viên không rõ ràng. Theo một số tài liệu được ghi lại thì sau khi chiến thắng và thành lập nhà Thanh, Trần Viên Viên đã được đoàn tụ với Ngô Tam Quế. Cũng có tài liệu ghi rằng nàng đã bị giết trong loạn binh khi Bắc Kinh thất thủ...
Cuối đời, nàng kỹ nữ nổi tiếng nhất đời Minh – Thanh trở thành một vị đạo cô, nàng sống ẩn dật và chết một cách âm thầm trong cô quạnh. Mỗi lời truyền miệng mang sắc thái khác nhau nhưng lại được phổ biến trong văn hóa dân gian.
5. "Người chuyên quyền" Từ Hy (Triều Thanh, năm 1835-1908)
Từ Hy thái hậu trong cung điện nhà Thanh. - Ảnh: Baidu. |
Từ Hy Thái hậu nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc cận đại với 50 năm nhiếp chính trong thế kỷ 19. Từ Hy vào cung năm 1852, sau khi hạ sinh Hoàng trưởng tử Tái Thuần, bà được Hàm Phong Đế sắc phong làm Ý phi, sau tấn phong làm Ý Quý phi.
Khi Hàm Phong Đế qua đời, con trai duy nhất là hoàng tử Tái Thuần lên ngôi lúc mới 5 tuổi, có hai hoàng thái hậu và quan lại giúp đỡ chấp chính. Tuy nhiên, năm 1861, Từ Hy âm mưu đảo chính, lật đổ Từ An Thái hậu, tự mình nhiếp chính.
Trong suốt thời gian Từ Hy nhiếp chính, Trung Quốc trải qua nhiều biến động xã hội và chiến tranh ngoại bang, như cuộc chiến thuốc phiện lần thứ hai. Từ Hy Thái hậu vượt qua những thách thức này và tiếp tục lối sống xa hoa.
Từ Hy Thái hậu qua đời ở Bắc Kinh năm 1908 khi đất nước đang trong tình cảnh hỗn loạn, mở đường cho các nhà cách mạng như Tôn Trung Sơn lật đổ nhà Thanh, khai sinh Trung Hoa Dân Quốc.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)