(ĐSPL) – Mặc dù mục đích của giáo viên là giáo dục cháu bé vì nói bậy nhưng phương pháp của cô giáo cho 43 học sinh tát bạn là không thể chấp nhận được.
Đây là ý kiến của ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Thường Tín về sự việc cô giáo chủ nhiệm lớp 4A, Trường Tiểu học Ninh Sở (huyện Thường Tín, Hà Nội) đã cho 43 học sinh trong lớp tát vào mặt em Đỗ Tuấn L.
PV cũng đã có cuộc trao đổi nhanh qua điện thoại với ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội để làm rõ sự việc.
Vết thương của em Tuấn L. sau khi bị 43 bạn tát. (Ảnh: soha.vn) |
Theo đó, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội xác nhận, sự việc cô giáo cho 43 em học sinh tát em Tuấn L. là có thật. Sở GD-ĐT Hà Nội đã nhận được báo cáo ban đầu về sự việc này.
Hiện tại, Sở GD-ĐT Hà Nội đã yêu cầu Phòng GD-ĐT huyện Thường Tín và Trường Tiểu học Ninh Sở báo cáo tường trình về sự việc này. Theo thông tin ban đầu Phòng GD-ĐT huyện Thường Tín báo cáo, Phòng sẽ có hình thức kỷ luật là đình chỉ không cho đứng lớp dành cho giáo chủ nhiệm gây ra sự việc này. Đồng thời, Trường Tiểu học Ninh Sở sẽ họp hội đồng kỷ luật và mức thấp nhất là cảnh cáo dành cho giáo viên chủ nhiệm lớp 4A.
Cùng có ý kiến về sự việc này, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Thường Tín cho biết, ban giám hiệu Trường tiểu học Ninh Sở báo cáo sự việc trên với lãnh đạo phòng. Đồng thời, đã ra quyết định đình chỉ không cho đứng lớp và chuyển sang làm giáo viên dự trữ đối với cô giáo chủ nhiệm lớp 4A. Ban giám hiệu nhà trường sẽ họp hội đồng đưa ra mức kiểm điểm dựa trên mức độ vi phạm và điều lệ trường học, sau đó để xuất với UBND huyện Thường Tín.
Trưởng phòng GD-ĐT huyện Thường Tín cho biết, cháu Tuấn L. hiện tại đã đi học bình thường. Gia đình cháu bé đã giải quyết với cô giáo chủ nhiệm và nhà trường. Ông Nguyễn Văn Dũng cũng nhấn mạnh, mặc dù mục đích của giáo viên là giáo dục cháu bé vì nói bậy nhưng phương pháp của cho 43 học sinh tát bạn là không thể chấp nhận được. Đây là sơ suất nghề nghiệp của giáo viên này và cũng là bài học rút kinh nghiệm cho các giáo viên khác.
Liên quan đến sự việc này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Nga, Giảng viên khoa Tâm lý học (Học viện Báo chí & Tuyên truyền) cho biết, sự việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý học sinh bị 43 bạn đánh. Bình thường, một đứa trẻ bị một bạn khác đánh đã gây hoảng sợ và hoang mang trong tâm lý. Trong trường hợp này 43 em học sinh tát một em sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới đứa trẻ, gây tâm lý sợ hãi, hoảng sợ không dám đến lớp.
TS. Nguyễn Thị Thanh Nga cũng cho hay, không có quy định nào cho phép giáo viên được phép đánh học trò. Hành động của cô giáo trong trường hợp này là hoàn toàn sai, đồng thời vi phạm quy định, phẩm chất của nghề giáo và không tôn trọng học sinh.
Theo TS. Nguyễn Thị Thanh Nga, cách giáo dục trong nhà trường không bao giờ cho phép giáo viên dạy học trò đánh lại bạn khi bị đánh. Thông thường, các thầy cô giáo đều dạy học sinh khi bị bạn đánh thì phải báo lại cho cô giáo để giải quyết. Đồng thời, giáo viên phải nghe từ hai phía xem sự việc xảy ra như thế nào và xử lý mâu thuẫn bằng biện pháp ôn hòa, giúp học sinh nhận ra lỗi của mình chứ không giải quyết như trường hợp trên.
Điều 7 Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em 2014 quy định các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: "... 6. Hành hạ, ngược đãi, làm nhục, chiếm đoạt, bắt cóc, mua bán, đánh tráo trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; xúi giục trẻ em thù ghét cha mẹ, người giám hộ hoặc xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác; 9. Áp dụng những biện pháp có tính chất xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm hoặc dùng nhục hình đối với trẻ em vi phạm pháp luật. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |