+Aa-
    Zalo

    40 năm bền bỉ làm khuôn bánh trung thu, thợ mộc đã thoát nghèo

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mặc dù nhiều người trong làng đã bỏ nghề làm khuôn bánh trung thu gỗ nhưng ông Bản vẫn tin tưởng và bền bỉ theo nghề truyền thống.

    Mặc dù nhiều người trong làng đã bỏ nghề làm khuôn bánh trung thu gỗ nhưng ông Bản vẫn tin tưởng và bền bỉ theo nghề truyền thống.

    Đó là gia đình ông Trần Văn Bản (55 tuổi, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín). Trước đây cả làng Thượng Cung chuyên sản xuất khuôn làm bánh Trung thu bằng gỗ nhưng hiện nay nhiều người đã bỏ nghề, chỉ còn vẻn vẹn vài nhà bám trụ với nghề truyền thống trong đó có gia đình ông Bản.

    Những chiếc khuôn bánh được đẽo gọt thủ công tỉ mỉ bằng bàn tay của người thợ tài hoa. Ảnh: CAND

    Trong xưởng chế tác, tiếng dao đục vào gỗ cọc, cọc đều đặn, giọng ông Bản nhẹ nhàng, từ tốn: "Tôi làm cái này cho vui lúc rảnh, không ngờ nhiều người đến hỏi mua".

    Một chiếc khuôn bánh Trung thu làm theo phương pháp truyền thống gồm rất nhiều công đoạn. Gỗ sau khi mua về phải được làm sạch vỏ, bào nhẵn mặt, pha gỗ thành hình khuôn theo kích thước và mẫu mã khách hàng yêu cầu.

    Ông Bản cho biết trước đây loại gỗ được dùng là gỗ cây thị nhưng hiện giờ loại gỗ này rất hiếm nên gia đình ông chuyển sang dùng gỗ xà cừ. Nguyên liệu chủ yếu đến từ các cây đổ hoặc chặt hạ trong những dự án giao thông.

    “Khuôn bánh làm từ gỗ xà cừ dẻo bền và ít cong vênh sau một thời gian sử dụng”, ông Bản cho biết

    Khách hàng của ông Bản hiện nay, ngoài những công ty lớn có đặt hàng, số còn lại là những gia đình mua khuôn làm bánh trung thu số lượng ít. Bán đều mỗi ngày 7-8 cái, mỗi tháng ông bỏ túi vài chục triệu.

    Sản phẩm có giá 500 ngàn đồng được ông Bản chế tác trong vòng nửa ngày. Ảnh: Vnexpress

    Những chiếc khuôn bánh lớn có giá cả từ vài đến cả chục triệu tùy vào độ khó của hình trang trí. - Ảnh: CAND

    Khi những sản phẩm bằng nhựa giá rẻ xuất hiện nhiều, nghề này gần như bị bỏ rơi. Ở làng ông, từ 10 người làm, giờ chỉ còn 2 người tiếp tục. Không nỡ bỏ nghề, ông thế chấp tài sản để duy trì xưởng gỗ.

    Quãng thời gian khó khăn, cả nhà 5 người chỉ ăn cơm trắng với rau do mỗi tháng chỉ bán được 4 - 5 sản phẩm, ông Bản vẫn chưa từng có ý định bỏ nghề.

    Hồi đó, mỗi ngày ông bố 3 con lại đi chiếc xe đạp cà tàng, mặc nắng mặc mưa, chở theo mớ khuôn bánh gỗ nặng 60-70 kg lặn lội đi từng tiệm bánh trên thành phố để giới thiệu khuôn bánh của mình, tìm kiếm khách hàng.

    "Buồn nhất người ta nói đồ của mình là hàng 'nhái' mà giá cao", ông Bản nói.

    Thấy chồng vất vả quá mà chẳng kiếm được bao nhiêu, vợ ông khuyên: "Hay mình bỏ nghề làm khuôn bánh đi, đóng giường, tủ, bàn, ghế... còn có miếng ăn qua ngày".

    Nhưng ông Bản vẫn giữ vững niềm tin vào nghề này.

    Cuối cùng, năm 2011, đã có công ty bánh trung thu đặt khuôn bánh của ông. Hôm ký hợp đồng 6 tháng làm sản phẩm, mắt ông cay cay, tim đập rộn ràng, nhưng gương mặt vẫn cố giữ sự bình thản. Năm tiếp theo, ông liên kết được với 3 công ty bánh trung thu.

    Nếu trước đây các cụ phải đẽo thủ công thành khuôn nhưng hiện nay ông Bản sử dụng máy khoan tạo lỗ trước khi đẽo, giảm bớt nhiều thời gian chế tạo. Tất nhiên, nhiều việc đẽo khuôn vẫn được làm thủ công hoàn toàn, đây là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ tới từng chi tiết, chỉ cần một nhát đục sai chiếc khuôn có thể bị hỏng. Những chiếc khuôn sau khi đẽo xong sẽ được người thợ kiểm tra chất lượng của khuôn bằng cách dùng đất sét đóng vào như bánh thật. Qua được bài kiểm tra này, chiếc khuôn trải qua công đoạn cuối cùng là dùng giấy nhám đánh mịn bề mặt.

    "Người có hồn thì mới làm ra vật có hồn, máy móc không phải là nhất", ông bảo các con khi ngồi kiễn nhẫn đục từng chiếc lá cây, vảy cá.

    Với mỗi chiếc khuôn hoàn chỉnh gia đình ông Bản có thể bán với giá từ 150.000 đến 300.000. Trong khi khuôn cỡ lớn có thể lên tới cả triệu đồng một chiếc. Mỗi tháng, ông thu hơn 50 triệu đồng nhờ sản phẩm truyền thống này. Từ căn chòi dột nát trong làng, giờ nhà ông đã xây lên 3 tầng khang trang.

    Qua năm 2015, làng nghề gỗ vắng người mua, còn ông Bản vẫn nhận đơn hàng không ngớt, gỗ hết lại có xe chở đến lấp đầy. Trong hơn 50 hộ gia đình làm mộc, riêng ông Bản có 2 xưởng chế tác và 2 kho chứa gỗ, tổng gần 1.000 m2, lớn nhất làng.

    Những chiếc khuôn bánh gỗ dùng lâu năm vẫn rất bền, tốt. Ảnh: CAND

    Chị Lê Thanh Trang (40 tuổi, Hà Đông) cho biết, gia đình đã dùng khuôn bánh của ông Bản nhiều năm mà chưa hư hỏng, bền hơn rất nhiều so với đồ nhựa. Những chiếc bánh làm ra từ khuôn gỗ của ông Bản có màu vàng đều, không cháy sém hay loang lổ màu.

    Hết tháng 7 âm lịch người mua ít đi, nhưng ông Bản vẫn làm không ngơi tay. Có hôm, người nước ngoài đứng chờ cả ngày hỏi mua khuôn bánh về để trưng bày. Ông lục tìm toát mồ hôi nhưng vẫn cười nói "đấy, đồ truyền thống nó cũ mà có chết được đâu".

    Hiện nay ở làng Thượng Cung không còn nhiều gia đình làm khuôn như nhà ông Bản nữa. Giới trẻ của làng phần lớn không hào hứng với công việc này. Liệu trong tương lai nghề truyền thống này có bị mai một hay không là điều chưa ai dự đoán được.

    Minh Khôi(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/40-nam-ben-bi-lam-khuon-banh-trung-thu-tho-moc-da-thoat-ngheo-a291216.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan