(ĐSPL) - “Trong số những cuộc gọi đúng nội dung thì có gần 40\% phàn nàn về thái độ không hướng dẫn tỉ mỉ hoặc cáu gắt”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói về những cuộc gọi đến đường dây nóng.
Clip Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời về công tác phòng chống dịch bệnh và hiệu quả của đường dây nóng (theo Media Chính phủ):
Trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” ngày 2/3, Bộ trưởng Y tế đã trả lời người dân về những vấn đề mà dư luận đang quan tâm đặc biệt như hiệu quả của đường dây nóng, công tác phòng chống dịch bệnh và việc quá tải tại bệnh viện.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” ngày 2/3. |
- Trước hết xin cảm ơn Bộ trưởng đã tham gia chương trình này của chúng tôi. Câu hỏi đầu tiên xin chuyển tới Bộ trưởng là vừa qua Bộ Y tế đã triển khai tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng bệnh dịch vẫn đang diễn biến phức tạp. Dịch sởi đã xảy ra rải rác tại một số địa phương, dịch cúm gia cầm cũng đang có nguy cơ bùng phát. Vậy Bộ trưởng đã có những biện pháp chỉ đạo quyết liệt như thế nào để ngăn chặn các nạn dịch này?
Dịch sởi đang xảy ra rải rác ở một số tỉnh miền núi phía Bắc sát với biên giới TQ và hai TP lớn là HN và TPHCM. Nguyên nhân là một số các cháu không được tiêm đầy đủ vắc xin mũi 1 và mũi 2. Giải pháp: Bộ Y tế dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đã xử lý rất quyết liệt. Thứ nhất, Bộ đã có văn bản chỉ đạo cho các Sở Y tế phối hợp với tất cả các ngành để tiêm cho tất cả các cháu mũi một và tiêm mũi hai cho tất cả các cháu còn sót.
Đối với dịch cúm A/H5N1, từ đầu năm nay có hai ca tử vong tập trung ở phía Nam và hiện nay đã có 20 tỉnh công bố dịch cúm gia cầm A/H5N1. Bộ Y tế đã với phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành khác. Bộ NNPTNT đã có những giải pháp rất quyết liệt để không chế dịch cúm gia cầm. Bộ Y tế bằng nhiều giải pháp tuyên truyền với người dân tránh tiếp xúc và sử dụng các thực phẩm có nhiễm cúm và thực phẩm mắc bệnh đã chết. Hai trường hợp tử vong vừa qua đều do sử dụng gia cầm đã bị chết hoặc mắc bệnh.
Đối với tuyến điều trị, chúng tôi tăng cường tập huấn tại các đơn vị điều trị và chuẩn bị cơ số thuốc, cũng như máy móc trang thiết bị tập huấn nhân lực để đối phó với dịch bệnh xảy ra, để giảm thiểu tử vong.
- Một câu hỏi người dân chuyển đến Bộ trưởng và xin được trích nguyên văn: "Người dân chúng tôi rất vui mừng khi biết vừa qua Bộ Y tế đã lập đường dây nóng tại các tuyến bệnh viện, Sở và Bộ. Vậy Bộ trưởng có thể cho biết hiệu quả của đường dây nóng đó như thế nào? Có bao nhiêu phần trăm các ý kiến gửi đến phản ánh về y đức? Với các trường hợp phản ánh tiêu cực đúng thì Bộ trưởng đã có biện pháp xử lý thế nào? Bộ trưởng có thể kể ra vài trường hợp xử lý cụ thể?”
Đường dây nóng là một giải pháp mà chúng tôi đã làm tức thời rất quyết liệt để giải tỏa ngay bức xúc của người dân khi đi khám bệnh tại các cơ sở y tế công lập.
Chúng tôi đã sơ kết hai tháng thực hiện đường dây nóng này với sự hợp tác chặt chẽ của Viettel và rất là hiệu quả. Kết quả cho thấy rất hiệu quả, trong đó khoảng 50\% cuộc gọi đến không đúng nội dung hoặc họ chỉ thử xem có đường dây nóng hay không, còn lại là 50\% đúng nội dung. Trong 3 nội dung chúng tôi cần biết là phản ánh thái độ và quy trình, nếu có cán bộ làm việc tốt thì khen ngợi.
Trong số những cuộc gọi đúng nội dung thì có gần 40\% phàn nàn về thái độ không hướng dẫn tỉ mỉ hoặc cáu gắt. Ở đây tất cả các trường hợp ở dưới bệnh viện thì bệnh viện xử, Sở Y tế thì Sở xử lý ngay, nếu đến Bộ Y tế hoặc chúng tôi gọi điện trực tiếp xử lý hoặc có công văn để Sở Y tế xử lý.
Ví dụ, như trường hợp một cháu ở địa phương đi tiêm chủng, nhưng nói là không có vaccine cho về, qua đường dây nóng trực trên Bộ, Bộ Y tế gọi điện ngay xuống và cháu bé được tiêm ngay; rồi một trường hợp bản thân tổi đi kiểm tra về trực Tết, một cụ già ở bệnh viện tỉnh đến bác sỹ từ chối không khám chữa bệnh, qua đường dây nóng chúng tôi gọi điện cho Giám đốc bệnh viện tìm hiểu nguyên nhân và đưa cụ già đó vào khám bệnh ngay. Bác sĩ đó đã bị cảnh cáo trước toàn thể giao ban bệnh viện và bị chuyển công tác khác.
Một trường hợp nữa là ở Bạc Liêu thì sau hai lần phản ánh qua đường dây nóng, hộ lý có nhận tiền của người bệnh đưa thì đã bị thôi việc.
Đặc biệt hiện nay Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với nhà mạng Viettel phát cho mỗi bệnh viện một máy điện thoại di động cho các đồng chí giám đốc để cầm trực thay phiên nhau 24/24h. Cách đó đã làm giảm bớt các bức xúc và giúp các cán bộ y tế điều chỉnh, chấn chỉnh ngay thái độ và tinh thần phục vụ.
- Trong thời gian tới Bộ Y tế có biện pháp gì quyết liệt hơn, ví dụ như bên cạnh đường dây nóng hoặc làm thế nào để phát huy hiệu quả mạnh hơn của đường dây nóng đó?
Vừa rồi, chúng tôi đã phát cho mỗi Giám đốc Bệnh viện một điện thoại di động để trực đường dây nóng. Giai đoạn 2, chúng tôi sẽ tiếp tục thiết lập tổng đài di động để có thể tiếp nhận hàng trăm cuộc gọi đến để xử lý và tiếp nhận ở mọi miền đất nước.
Thứ ba là, với các văn bản quy phạm pháp luật, bằng khen thưởng cũng như kỷ luật trừ tiền lương, trừ tiền thưởng, thậm chí là buộc thôi việc theo quy định hiện hành về kỷ luật thì sẽ có tính chất răn đe.
- Một câu hỏi nữa từ một người dân tại Hà Nội gửi đến Bộ trưởng: “Người dân chúng tôi rất ngại mỗi khi đi khám tại các bệnh viên, vì phải chen chúc, chờ đợi rất lâu, có khi mất đến cả ngày vẫn chưa được khám. Tôi nghĩ tình trạng quá tải tại các bệnh viên cũng là một phần nguyên nhân khiến các y tá, bác sỹ mệt mỏi vì quá đông bệnh nhân và có thái độ không được ân cần với bệnh nhân. Vậy với cương vị người đứng đầu ngành Y tế, Bộ trưởng có kế hoạch cụ thể như thế nào để khắc phục tình trạng quá tải tại các bệnh viện?”
Để khắc phục tình trạng quá tải ở các bệnh viện, Bộ Y tế đã trình Đề án và được Chính phủ phê duyệt Đề án giảm tải bệnh viện với rất nhiều giải pháp tổng hợp, cùng với đó cần cả hệ thống chính trị tham gia.
Thứ nhất là tăng số giường bệnh vì số giường bệnh của chúng ta quá thấp so với hiện hành. Thứ hai là chúng tôi cũng đã xây dựng và triển khai Đề án BV vệ tinh, tức là các BV trên Trung ương chuyển giao kỹ thuật cao, hiện đại cho 45 bệnh viện ở 32 tỉnh. Sau 2-3 năm nữa, 45 bệnh viện này sẽ tự triển khai được các kỹ thuật và bệnh nhân vào không phải chuyển lên tuyến trên nữa. Đặc biệt Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt xây dựng 5 BV tuyến cuối ở Hà Nội và TPHCM.
Đối với những chỗ, bệnh nhân vào khám phải chờ lâu, gần đây Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 1313 về cải thiện và mở rộng phòng khám, kê thêm khoa phòng khám bệnh và tăng cường bác sỹ, khám sớm hơn và bớt một só thủ tục và giải pháp này đã giảm rõ rệt thời gian chờ đợi của người bệnh.
Kim Linh - Mạnh Nguyễn(Tổng hợp)