(ĐSPL)– Tin tức mới nhất cho biết, giàn khoan của Trung Quốc di chuyển với vận tốc khoảng 4-4,5 hải lý/giờ, đồng thời bố trí 3 lớp tàu bảo vệ.
Trong khi đó, các tàu cá của ngư dân ta hoạt động trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa đã rời ngư trường, di chuyển thành nhiều đợt về các địa điểm tránh bão Rammasun (bão Thần Sấm).
Chiều 16/7, trao đổi với báo chí, ông Hà Lê – Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư nhận định, trong suốt khoảng thời gian cho hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc luôn luôn ở thế bị động.
Ông Hà Lê - Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư. |
“Chúng ta luôn chủ động đưa ra các phương án đấu tranh trên thực địa, còn Trung Quốc luôn phải tìm cách đối phó. Họ hung hăng gây hấn với các tàu thực thi pháp luật của ta, họ liên tục thay đổi các phương án ngăn cản, đấu tranh với các lực lượng của ta, kể cả việc họ treo các băng rôn bằng tiếng Việt với những dòng chữ hòa bình, hữu nghị… Tất cả đều thể hiện rằng họ đang bị động trong mọi tình huống đấu tranh” – ông Hà Lê phân tích.
“Sau 75 ngày hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc đã liên tục gây căng thẳng, va chạm trên thực địa, khiến 27 tàu kiểm ngư trực tiếp bị đâm hỏng, 15 kiểm ngư viên bị thương. Còn những hỏng hóc nhỏ được sửa chữa nhanh thì không thể tính hết được” – Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư thông tin.
Cũng trong chiều nay (16/7), tin tức từ Cục Kiểm ngư cho hay, chiều ngày 15/7, Trung Quốc đã rút toàn bộ số tàu cá hiện có tại khu vực giàn khoan, đến khoảng 20h cùng ngày, Trung Quốc đã có dấu hiệu dịch chuyển giàn khoan và bố trí các tàu theo đội hình để phục vụ công tác di chuyển giàn khoan.
Trung Quốc cho di chuyển giàn khoan về vùng biển Lăng Thủy của đảo Hải Nam để tiếp tục phân tích số liệu họ thu thập được tại khu vực họ đặt giàn khoan trái phép. |
Đến 21h5' thì Trung Quốc đã chính thức di chuyển giàn khoan theo hướng Bắc – Tây Bắc (theo hướng về phía đảo Hải Nam) với vận tốc khoảng 4-4,5 hải lý/giờ, đồng thời bố trí 3 lớp tàu bảo vệ quá trình di chuyển giàn khoan.
Theo thông báo chính thức của Công ty TNHH cổ phần dịch vụ mỏ dầu Trung Hải (COSL), giàn khoan Hải Dương 981 đã hoàn thành tá nghiệp và sẽ di chuyển về vùng biển Lăng Thủy của đảo Hải Nam để tiếp tục phân tích số liệu họ thu thập được tại khu vực họ đặt giàn khoan trái phép.
Trước động thái này, các lực lượng chức năng của Việt Nam vẫn đang tiếp tục theo dõi quá trình di chuyển của giàn khoan Hải Dương 981.
Về phía Việt Nam, các tàu kiểm ngư của ta đã triển khai các phương án phòng tránh đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi cơn bão Rammasun ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực.
Các tàu cá của ngư dân ta hoạt động trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa đã rời ngư trường về các địa điểm tránh trú bão.
“Với tàu kiểm ngư hiện đại được đưa ra giàn khoan cũng chỉ thiết kế chịu được bão cấp 7, cấp 8. Nhưng cơn bão Rammasun sắp tới dự báo có cường độ khá mạnh nên nhiều khả năng chúng tôi sẽ các tàu cùng lực lượng của ta cơ động kịp thời tránh bão, đảm bảo an toàn” – ông Hà Lê cho biết.
Đại diện Cục Kiểm ngư cũng thông tin thêm, các tàu của ta di chuyển về bờ thành nhiều đợt. Khi có tin bão, mục tiêu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho ngư dân tại thực địa là mục tiêu hàng đầu, lực lượng kiểm ngư cũng có hướng dẫn cho ngư dân rút về nơi tránh trú bão tại khu vực đó, hầu hết các ngư dân đã về các điểm tập kết truyền thống như Lý Sơn, Quảng Ngãi, Đà Nẵng…
Đại diện Cục Kiểm ngư cũng khẳng định, khi nào hết bão, lực lượng kiểm ngư sẽ tiếp tục hoạt động để hỗ trợ ngư dân bám biển trên các ngư trường truyền thống của mình.
Sáng cùng ngày, trao đổi với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cũng cho biết, để đưa giàn khoan Hải Dương 981 đến được đảo Hải Nam, Trung Quốc phải mất khoảng 2 ngày di chuyển. "Đến thời điểm hiện tại, giàn khoan cách vị trí cũ khoảng hơn 40 hải lý. Chúng tôi vẫn đang theo dõi sát sao mọi động thái, không loại trừ giàn khoan Trung Quốc di chuyển để tránh bão", Thiếu tướng Đạm cho hay.