Theo thỏa thuận giữa bà Võ Thị Thanh Xuân (vợ của Nguyễn Xuân Sơn) và ông Nguyễn Trung Hà, ông Hà sẽ hỗ trợ theo cách cho bà Xuân vay 32 tỷ đồng để chuộc tài sản đã bị cơ quan điều tra kê biên...
Nguyễn Xuân Sơn có “quý nhân” phù trợ
Tại phần tranh luận phiên xử phúc thẩm đại án Oceanbank ngày 2/5, luật sư Trần Vũ Hải (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - cựu Tổng Giám đốc Oceanbank) đưa ra thông tin bất ngờ. Theo đó, một doanh nhân là bạn thân của bị cáo Sơn sẵn sàng chi 32 tỷ đồng để “cứu” bị cáo này thoát án tử hình. Ngoài ra, nhiều bạn bè khác của bị cáo Sơn cũng đã góp tiền để giúp đỡ bị cáo.
Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Sơn bị tuyên phạt án tử hình về hành vi tham ô 49 tỷ đồng. Số tiền này theo cáo buộc là 20% trong số 246 tỷ đồng thiệt hại tính theo tỷ lệ vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào Oceanbank.
Tuy nhiên, nếu chiếu theo quy định của luật, Nguyễn Xuân Sơn sẽ được giảm án từ Tử hình xuống Chung thân nếu tự nguyện khắc phục tối thiểu ¾ tài sản tham ô, tương đương số tối thiểu tiền cần khắc phục là 37 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tại phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: Sài Gòn giải phóng |
Luật sư Trần Vũ Hải cho biết, gia đình Nguyễn Xuân Sơn sẽ tự lo 5 tỷ đồng, một doanh nhân là người bạn của Nguyễn Xuân Sơn sẽ cho vay 32 tỷ đồng, vừa đủ để nộp khắc phục hậu quả, nhằm cứu Nguyễn Xuân Sơn khỏi mức án tử hình.
Vị doanh nhân tốt bụng này chính là ông Nguyễn Trung Hà, thành viên sáng lập Công ty FPT, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Thiên Việt, là bạn thân của Nguyễn Xuân Sơn.
Theo thỏa thuận giữa bà Võ Thị Thanh Xuân (vợ của Nguyễn Xuân Sơn) và ông Nguyễn Trung Hà, ông Hà sẽ hỗ trợ theo cách cho bà Xuân vay 32 tỷ đồng để chuộc tài sản đã bị cơ quan điều tra kê biên, số tiền này cùng với 5 tỷ đồng do gia đình bà Xuân lo liệu sẽ vừa đủ 37 tỷ đồng, bằng đúng ¾ của số tiền 49 tỷ đồng mà Nguyễn Xuân Sơn bị quy kết tội tham ô.
Trao đổi trên Infonet, bà Võ Thị Thanh Xuân cho biết, ngoài ông Nguyễn Trung Hà, còn có một số người bạn khác của Nguyễn Xuân Sơn sẵn sàng góp tiền để hỗ trợ gia đình khắc phục hậu quả.
Bị triệu tập, nguyên Phó TGĐ Oceanbank khai gì?
Tại phiên xử sáng 2/5, HĐXX bất ngờ trở lại phần xét hỏi để làm rõ thêm một số vấn đề. Các bị cáo Đỗ Đại Khôi Trang (nguyên Giám đốc khối khách hàng cá nhân), Nguyễn Thị Thu Ba (nguyên Giám đốc khối khách hàng bán lẻ) khai rằng, các bị cáo nhận chỉ đạo trực tiếp từ nguyên Phó Tổng Giám đốc Oceanbank Trần Thanh Quang. Ông Quang sau đó được triệu tập đến phiên xử chiều 2/5 để làm rõ các vấn đề liên quan.
Chiều 2/5, trả lời thẩm vấn của HĐXX, ông Trần Thanh Quang một mực phủ nhận lời khai của hai bị cáo trên. Ông Quang khẳng định mình không chỉ đạo cấp dưới chi lãi ngoài, cũng như chưa bao giờ nhận được chỉ đạo của Chủ tịch Hà Văn Thắm hay Tổng Giám đốc Nguyễn Minh Thu liên quan đến việc chi lãi ngoài.
Ông Quang cho biết, ông quản lý 3 khối IT, Marketing và Khối khách hàng bán lẻ. Hoạt động chung của từng khối do Giám đốc khối điều hành. Ông không biết Oceanbank chi lãi suất vượt trần từ bao giờ, chỉ nhớ từ năm 2009. Cả 3 khối do ông phụ trách đều hoạt động dưới sự chỉ đạo của Tổng Giám đốc.
Về lời khai của 2 bị cáo Trang và Ba cho rằng các bị cáo đã thực hiện việc chi lãi ngoài theo chỉ đạo của mình, ông Quang trình bày, không phải đến phiên tòa này hai bị cáo trên mới nói ra việc đó.
“Tại cơ quan điều tra, hai chị, nhất là chị Trang, nói ra những câu chuyện không đúng sự thật về việc tôi chỉ đạo chị chi lãi ngoài, khiến tôi mất rất nhiều thời gian làm việc với cơ quan điều tra để giải thích rõ. Tôi hiểu chị Trang nói vậy sẽ làm nhẹ tội của chị ấy, nhưng như vậy không đúng sự thật cũng như đạo đức con người.” - ông Quang nói trước tòa.
Được yêu cầu lên đối chất lời khai, bị cáo Đỗ Đại Khôi Trang cho rằng, sự thật chỉ có một và bị cáo không thay đổi lời khai. Trong khi đó, ông Quang khẳng định, ông với CQĐT đã làm việc không ít hơn 5 lần.
“Có một lần đối chất với chị Trang và chị Thu Ba, chị Trang nói tôi tham gia cuộc họp bàn giao giữa chị Ba và chị Trang, tôi không đồng ý, vì tôi chưa tham gia cuộc họp nào như thế.” - ông Quang trình bày.
Nêu quan điểm trước những mâu thuẫn trong lời khai các bị cáo và người liên quan, đại diện Viện Kiểm sát cho biết, VKS sẽ thể hiện quan điểm trong phần tranh tụng sau cùng, đồng thời yêu cầu ông Quang có mặt trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa.
Hà Văn Thắm nêu 6 tình tiết giảm nhẹ xin thoát án tù chung thân
Trước đó, tại phiên xử sáng 2/5, tự bào chữa trước tòa, bị cáo Hà Văn Thắm cho biết, trong đơn kháng cáo trước đó ông ta xin được miễn truy tố 2 tội danh Tham ô tài sản và Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản liên quan số tiền 69 tỷ và 246 tỷ.
Tuy nhiên, sau khi “suy nghĩ lại”, tại phiên phúc thẩm Hà Văn Thắm nhận thức bản thân đã vi phạm quy định của Nhà nước, cụ thể về khoản 69 tỷ đã làm sai Thông tư của Ngân hàng Nhà nước liên quan thu phí ngoài các hợp đồng tín dụng, chi lãi suất vượt trần; khoản 246 tỷ là cố ý làm trái. Theo đó, cựu Chủ tịch Oceanbank xin được chuyển đổi 2 tội danh đã bị truy tố trước đó sang tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Hà Văn Thắm trình bày trước tòa ngày 2/5 - Ảnh: Dân trí |
Tiếp tục trình bày, Hà Văn Thắm nêu 6 tình tiết xin được giảm nhẹ hình phạt. Cụ thể, bị cáo xuất thân trong gia đình có công với cách mạng, có người nhà là thương binh liệt sỹ; được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, các ban ngành cũng như có nhiều thành tích trong công tác xã hội; trong quá trình điều tra luôn hợp tác với cơ quan, khai báo thành khẩn; hành vi chi lãi suất trong hoàn cảnh bắt buộc, không thể làm khác.
Tình tiết thứ 5 theo bị cáo Thắm là hành vi chi lãi suất vượt trần không còn được quy định trong Bộ luật mới nên mong được áp dụng xem xét giảm nhẹ; Trong quá trình điều tra đã chủ động đưa tài sản, cổ phiếu để cơ quan điều tra niêm phong, khắc phục hậu quả.
Về con số 1.576 tỷ đồng do tòa cấp sơ thẩm xác định là thiệt hại của Oceanbank đối với hành vi chi lãi ngoài, Hà Văn Thắm nói việc chi lãi ngoài là để làm lợi cho ngân hàng trong bối cảnh hầu hết các ngân hàng đều phải chấp nhận vi phạm quy định tại Thông tư 02 để chi lãi suất vượt trần quy định.
Bị cáo này cho rằng con số thiệt hại như cấp sơ thẩm đánh giá là không đúng đồng thời kiến nghị HĐXX xem xét giảm trừ các khoản gồm: 256 tỷ đồng tiền mặt là hoàn ứng cho các khoản tạm ứng nghiệp vụ; xem xét tách hơn 125 tỷ chi cho 3 công ty: Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn và Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro để chờ kết quả của cơ quan điều tra để quyết định sau; 105 tỷ mà ông Trần Đức Chính - nguyên Kế toán trưởng Vinashin đã thừa nhận chiếm đoạt, nguyên đơn dân sự cũng đề nghị tách phần này ra; tách 146 tỷ do các cá nhân nhận và chưa xác định là chi lãi suất ngoài hợp đồng...
Cho rằng Viện Kiểm sát đã xác định đúng động cơ mục đích phạm tội của mình khi chuyển tiền cho Sơn là để thu hút tiền gửi của PVN vào Oceanbank do Thắm là cổ đông chi phối và là HĐQT, Hà Văn Thắm nói cùng một mục đích động cơ phạm tội nhưng bị quy buộc 3 tội danh là mâu thuẫn và bất lợi cho bị cáo.
Cựu Chủ tịch Oceanbank còn cho rằng, hành vi của mình cũng giống 2 thuộc cấp là cựu Phó TGĐ Lê Thị Thu Thủy và Nguyễn Xuân Thắng. Hai người này cũng đưa tiền cho ông Sơn nhưng chỉ bị truy tố về tội Cố ý làm trái.
Việc bồi thường thiệt hại cho Oceanbank và PVN, Hà Văn Thắm một lần nữa cho rằng PVN cũng chỉ là một cổ đông của ngân hàng giống như các cổ đông khác, do đó nếu phải bồi thường thì bồi thường cho tất cả các cổ đông, chứ không phải cho Oceanbank.
Hà Văn Thắm cho biết, việc coi tài sản của Oceanbank có 20% tài sản của PVN và chỉ cho PVN được bồi hoàn, các cổ đông khác không được sẽ phát sinh những hậu quả không tốt cho xã hội. Việc này cũng khiến phát sinh quá nhiều quyền lợi không chính đáng của các cổ đông Oceanbank nói riêng và các cổ đông ngân hàng nói chung. Tiền lệ này sẽ gây hậu quả không tốt cho nền kinh tế.
Cựu Chủ tịch Oceanbank lập luận, ở hành vi Cố ý làm trái có 44 bị cáo với hơn 50.000 khách hàng. Bản án nói khách hàng là người chủ động đòi hỏi, đàm phán để ngân hàng chi lãi suất vượt trần.
“Họ nhận tiền sai quy định mà không phải bồi hoàn thì không còn tính răn đe cho các khách hàng sau này. Theo bị cáo, những người hưởng lợi từ hành vi cố ý làm trái thì phải bồi hoàn lại cho Oceanbank” – bị cáo Thắm trình bày.
Kết thúc phần trình bày, bị cáo Thắm xin HĐXX chuyển đổi tội tham ô, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản sang tội Cố ý làm trái cho bị cáo. Nếu HĐXX thấy bị cáo vẫn phạm tội thì xin HĐXX xem xét tình tiết giảm nhẹ của bị cáo, không kết tội chung thân.
Cự Giải (T/h)