Là người ngồi ghế HĐXX để xét xử vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm, Thẩm phán Trương Việt Toàn cho biết không có "vùng cấm" nào trong OceanBank.
Một tháng nghiên cứu hàng nghìn bút lục
Trong dịp năm hết, Tết đến, mặc dù rất bận rộn chuẩn bị cho việc xét xử vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm diễn ra vào đầu tháng 1/2018, song Thẩm phán Trương Việt Toàn – Phó Chánh tòa hình sự, TAND TP.Hà Nội vẫn dành chút thời gian quý báu của mình để chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin về những trăn trở khi vừa ngồi “ghế nóng”, điều hành phiên tòa xét xử vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm.
Thẩm phán Trương Việt Toàn (trái) kể về vụ án OceanBank.
Trước đó, vụ đại án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) đã được mở vào ngày 28/8/2017. Sau hơn 1 tháng đưa vụ án ra xét xử công khai tại TAND TP.Hà Nội, ngày 29/9/2017, HĐXX đã tuyên một bản án gồm 1 án tử hình đối với Nguyễn Xuân Sơn (SN 1962) - nguyên Chủ tịch HĐTV tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), nguyên TGĐ OceanBank. Một án chung thân đối với Hà Văn Thắm (SN 1972) - nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) và nhiều án treo cho các Giám đốc chi nhánh, Giám đốc phòng giao dịch của ngân hàng Đại Dương.
Nhắc lại vụ án, Thẩm phán Trương Việt Toàn không thể không nhớ tới những con số kỷ lục hiếm gặp so với các đại án kinh tế được cơ quan tố tụng trong cả nước đưa ra xét xử thời gian gần đây. Cụ thể, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, các nguyên đơn dân sự, người làm chứng… được triệu tập tới tòa lên tới 727 đương sự.
Có khoảng 50 luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo, các đương sự tại phiên tòa. Vụ án có 51 bị cáo, trong đó cơ quan tố tụng xác định, Hà Văn Thắm là chủ mưu, cầm đầu, có hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Hành vi này của Thắm được xác định liên quan đến cựu Chủ tịch tập đoàn Thiên Thanh - Phạm Công Danh, gây thiệt hại cho OceanBank gần 500 tỷ đồng.
Chưa hết, Hà Văn Thắm bị cáo buộc đã cấu kết với Nguyễn Xuân Sơn (SN 1962, cựu TGĐ OceanBank) đề ra chủ trương thu thêm lãi suất vay tín dụng và chênh lệch tỷ giá hình thức thu phí của khách hàng thông qua công ty con BSC trái quy định của ngân hàng Nhà nước (NHNN), để trả lãi suất ngoài hợp đồng trên số tiền gửi của PVN tại OceanBank. Hành vi này của các bị can gây thiệt hại cho OceanBank số tiền gần 69 tỷ đồng.
Với vai trò chủ mưu, Hà Văn Thắm đã chủ trương chỉ đạo việc chi lãi suất ngoài nhằm huy động vốn của khách gửi tiền trên toàn hệ thống OceanBank. Hành vi của cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank và đồng phạm đã cố ý làm trái quy định của NHNN về trần lãi suất huy động vốn bằng VNĐ và USD theo từng thời kỳ. Hành vi này của các bị cáo gây thiệt hại cho OceanBank số tiền trên 1.500 tỷ đồng.
Dư âm về sự vất vả khi xét xử vụ Đại án Oceanbank và cả những vụ án sắp tới đã hằn lên mái tóc hoa râm của vị Thẩm phán tài ba. Với khối lượng hồ sơ, tài liệu lớn như vụ án Hà Văn Thắm, để kịp tiến độ xét xử, với hơn hai mấy nghìn bút lục nhưng Thẩm phán chỉ có thời gian nghiên cứu vẻn vẹn trong vòng một tháng.
“Theo yêu cầu nhiệm vụ được phân công, HĐXX tập trung tiến độ nghiên cứu hồ sơ trong 1 tháng, thời gian đọc hồ sơ rất áp lực, đến độ HĐXX gần như không có ngày nghỉ”, Thẩm phán Toàn chia sẻ.
Do áp lực, tính chất công việc như vậy nên tâm trạng, sức khỏe của HĐXX tương đối mệt mỏi, song được sự quan tâm của lãnh đạo cơ quan, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho HĐXX làm việc nên những người Thẩm phán đã cảm thấy yên tâm và hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách tốt nhất.
Không có vùng cấm nào trong vụ án OceanBank
Là người “cầm cân nảy mực”, trực tiếp xét xử nhiều vụ án lớn, theo quan điểm của Thẩm phán Trương Việt Toàn thì vụ án Hà Văn Thắm có phần đặc biệt hơn các vụ án khác là các bị cáo đã “ngấm ngầm” thực hiện hành vi làm trái quy định Nhà nước, cụ thể là chi lãi ngoài trong một thời gian tương đối dài. Việc thực hiện của các nhân viên dưới quyền chủ yếu làm theo chỉ đạo của cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank.
Ngay cả một số cán bộ làm trong ngân hàng như Nguyễn Xuân Sơn - nguyên TGĐ OceanBank hay Nguyễn Minh Thu (người kế nhiệm Sơn ngồi “ghế nóng”) cùng rất nhiều các Giám đốc Chi nhánh và phòng giao dịch đều nhận thức được việc chi lãi ngoài là trái pháp luật, nhưng do nhận mệnh lệnh của cấp trên, các bị cáo vẫn phải nhắm mắt thực hiện, bởi vậy mà ngày ra tòa có những bị cáo phải thốt lên là “hoặc là phải làm, hoặc là bị đuổi việc”, Thẩm phán Trương Việt Toàn nhớ lại.
Kể đến đây, có phần nào cảm thông, chia sẻ với các bị cáo, Thẩm phán Toàn cho rằng thời điểm đó, một phần do yếu tố khách quan tác động, việc huy động vốn của các tổ chức tín dụng đều khó khăn. Để cứu ngân hàng mà đối với nhiều bị cáo, OceanBank chính là mái nhà thứ hai của mình, dù biết sai, nhưng từ Hà Văn Thắm rồi tới nhân viên dưới quyền, không còn cách nào khác là “phóng lao thì phải theo lao” nên mới gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như ngày hôm nay.
Chính vì nhận thức được việc làm sai trái của mình nên tại phiên tòa, các bị cáo tỏ thái độ vô cùng ăn năn, hối hận và thành khẩn, khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Điều này thể hiện rõ nét nhất là trường hợp của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn. Nếu như ở phiên tòa sơ thẩm mở trước đó, Nguyễn Xuân Sơn quanh co, một mực chối tội thì tại phiên tòa sơ thẩm mở lại ngày 28/8/2017, bằng sự tài tình, “có nhu trong cương”, HĐXX khiến Nguyễn Xuân Sơn phải cúi đầu nhận tội.
Cụ thể, tại diễn biến phiên tòa, nhắc nhở thái độ khai báo không thành khẩn của Nguyễn Xuân Sơn, Thẩm phán Trương Việt Toàn nói: “Thái độ khai báo của bị cáo có tính chất quyết định đến hình phạt của bị cáo. Chỉ bị cáo mới giúp được chính mình”.
Sau khi Thẩm phán dùng đòn tâm lý, Nguyễn Xuân Sơn đã thay đổi thái độ và khai ra chi 60% số tiền chi lãi ngoài cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia PVN, còn lại là chi cho các công ty con. Sơn khai: “Tại PVN, bị cáo “cảm ơn” anh Ninh Văn Quỳnh, Kế toán trưởng PVN, hiện là Phó TGĐ PVN số tiền khoảng 30-40 tỷ đồng. Thông qua Ninh Văn Quỳnh, bị cáo gửi tiền để cảm ơn các lãnh đạo PVN".
Nói đến đây, ánh mắt Thẩm phán Toàn ánh lên niềm tự hào khi nhận định phiên tòa xét xử vụ án Hà Văn Thắm đã thực sự đã thành công khi tòa án quán triệt một cách triệt để tinh thần cải cách tư pháp và tranh tụng công khai tại phiên tòa theo đúng quy định của pháp luật, tác động về mặt tâm lý, phân tích, giải thích cho bị cáo để từ đó các bị cáo đều nhận thức ra được hành vi sai trái của bản thân. Từ hành vi nhận tội của Sơn, nhiều đối tượng khác lần lượt bị đưa ra trước màn ánh sáng.
Thẩm phán Trương Việt Toàn cũng cho biết thêm, giống như các vụ án khác, HĐXX luôn xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, không bị áp đặt bởi cá nhân hay cơ quan, tổ chức nào, nên không có bất kỳ vùng cấm nào hay vấn đề nào nhạy cảm để mà HĐXX không xem xét đến.
Ngồi ghế HĐXX, điều khiến Thẩm phán Toàn trăn trở, đau đáu hơn cả có lẽ là nước mắt của những nữ bị cáo trong vụ án. Đây cũng là vụ án “ướt át” hơn rất nhiều so với những vụ án khác, bởi có những bị cáo ngay từ ngày mở phiên tòa cho tới khi tòa tuyên án, các bị cáo đều khóc nức nở, trả lời thẩm vấn trong hai hàng nước mắt.
Chia sẻ về vấn đề này, Thẩm phán Toàn nói do đặc thù của ngành ngân hàng đa phần là nhân viên nữ. Trong vụ án này số bị cáo nữ cũng chiếm nhiều hơn cả. Về bản chất, người phụ nữ ngoài công tác xã hội thì còn giữ thiên chức của người vợ, người mẹ trong gia đình. Khi vướng vòng lao lý, họ thường hoang mang, lo lắng và khó biết cách kiềm chế bản thân hơn nam giới vì vậy mà các bị cáo khi phải đứng trước vành móng ngựa cũng dễ xúc động hơn.
Và cũng chính những trăn trở này đã được HĐXX thể hiện trong bản án, sau khi phân hóa tội phạm một cách khách quan, rõ ràng, một bản án thể hiện sự khoan hồng của pháp luật được được tuyên với hơn 30 án treo cho các giám đốc chi nhánh, Giám đốc Phòng giao dịch của ngân hàng Đại Dương.
Trong suốt thời gian nghiên cứu án và hơn một tháng đưa vụ án ra xét xử, những tình tiết của vụ án vẫn cứ len lỏi cả vào trong giấc ngủ của Thẩm phán Trương Việt Toàn. Chỉ đến khi tuyên án xong, thẩm phán Toàn mới yên tâm vì nhiệm vụ của mình đã hoàn thành. Qua vụ án này, Thẩm phán Trương Việt Toàn nhắn nhủ cần thiết phải tăng cường tính dân chủ tại các cơ quan, tổ chức tín dụng cũng như nâng cao tính kiểm tra giám sát giữa các cơ quan với cơ quan với nhau, không để xảy ra những vụ án tương tự.
Tư Viễn