“Em vẫn chưa hết kinh hoàng khi thoát khỏi tay ông chủ luôn bắt làm những việc nặng đến trầy cả vai, xin về nhưng bị chủ hăm he, rồi không trả lương. Phải mất hơn nửa ngày chạy thục mạng mới thoát.."
Ngày 6/9, đại diện Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Nam - cho biết vừa tiếp nhận, chăm sóc và ổn định tinh thần cho 3 em này để các em bình tĩnh lại, sau đó trình báo công an tỉnh làm việc.
PV báo Người Đưa Tin đã có buổi tiếp chuyện với 3 thanh, thiếu niên vừa trốn thoát khỏi nơi bị chèn ép sức lao động trong thời gian gần 2 tháng nay. Danh tính được xác nhận là, Hồ Văn Băng (21 tuổi), Hồ Văn Đồi (tuổi 14) và em Hồ Văn Điếu (15 tuổi), đều nghỉ học từ lớp 5, cùng trú thôn 4, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam.
Em Đồi đang diễn tả lại quá trình vát cây với đường kính lớn. |
Kể lại vụ việc, các em vẫn chưa hết ám ảnh. Theo đó, do muốn có tiền tiêu xài, lại không được học hành đầy đủ nên các em không ý thức được những chiêu trò dụ dỗ của những đối tượng xấu. Đầu tháng 7/2015, nghe theo lời của một số đối tượng môi giới việc làm, các em bị dẫn dụ đến địa bàn các huyện miền núi Phước Sơn, Hiệp Đức (Quảng Nam) với lời hứa “làm việc nhẹ, lương cao”.
Nào ngờ khi đến nơi mới tóa hỏa biết rằng, thời gian làm việc kéo dài đến hơn 10 tiếng/ngày. Đến đây, các đối tượng lại nói ngọt rằng làm ở đây sẽ đảm bảo lương cao, chỉ làm những công việc như cắt cỏ, tưới cây. Nghe lời các đối tượng này, các em lên vùng Phước Sơn và làm việc dưới sự quản lí của ông Ph. (người ở xã Bình Trị, huyện Thăng, tỉnh Quảng Nam). Trong suốt thời gian gần 2 tháng làm việc, các em luôn bị chèn ép đến quá sức khi được giao công việc như vát gỗ, làm rừng.
Kể lại quá trình làm việc của mình, em Hồ Văn Băng vẫn chưa hết kinh hoàng cho biết, ông chủ bắt ép đến nỗi em không kịp ăn uống, thậm chí làm việc gần 2 tháng không được trả lương. Mỗi lần không chịu nỗi đòi về nhà thì bị ông chủ bắt ở lại và nói làm đến Tết mới được về. Nhiều lần em trốn nhưng đều không được, mỗi lần như thế đều bị hăm he”.
Các em vạch áo cho PV xem những vết trầy xướt khi làm việc. |
“Những lúc có cây to quá làm không xuể phải nghỉ, nhưng chủ không cho nghỉ. Đến bữa ăn thì phải tự nấu ăn chứ không ai nấu giùm. Quần áo cũng không được chủ mua cho, trong khi đó tiền thì không được trả đủ. Có lần hỏi thì người chủ chỉ cho ứng tiền mua điện thoại, lần đó chủ cho 360 ngàn đồng và chở đi mua điện thoại. Nhưng rồi sau đó có lần ông chủ đòi thu điện thoại và biểu vô làm tiếp” – em Đồi buồn rầu nói.
Vì không chịu được áp lực làm việc, những công việc được giao quá nặng nên nhiều lần các em bỏ trốn để tìm công việc khác nhưng không thành. “Hôm đó, ông chủ bảo dậy ăn cơm rồi đi làm việc, nhưng sau khi ăn xong, lợi dụng lúc ổng không chú ý, bọn em bàn với nhau chạy trốn khỏi nơi làm việc. Phải mất hơn 3 giờ đồng hồ chúng em mới chạy khỏi khu rừng đang làm việc. May mắn, chúng em gặp được một cán bộ cứu giúp và đưa về cơ quan chức năng” – em Băng nhớ lại.
Đến chiều ngày 5/9, các em được chuyển xuống Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Nam để tiếp tục làm việc với cơ quan chức năng. Hiện tinh thần các em đã dần được ổn định. Cũng theo đó, các em cho biết đã liên lạc bằng điện thoại được với gia đình và sẽ về nhà trong thời gian sớm nhất.
“Sau này em sẽ không đi làm xa như vậy nữa, vừa mệt vừa sợ. Em sẽ tìm một công việc gì đó vừa sức để làm” – em Điếu tâm sự với PV.
Theo Người đưa tin