Những nhà lập pháp và các tập đoàn viễn thông Mỹ đều hiểu Huawei không đơn thuần là một công ty công nghệ.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Trung – Mỹ ngày càng căng thẳng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lựa chọn Huawei là mục tiêu đầu tiên chấp nhận lệnh cấm vận. Với nhiều chuyên gia, đây là biểu hiện của một sự sợ hãi thay vì trừng phạt. Vậy tại sao cường quốc công nghệ Mỹ lại e ngại đến vậy trước Huawei?
Huawei không đơn thuần là một tập đoàn công nghệ. - Ảnh: AndroidCentral |
Thực lực đáng gờm
Huawei là tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc, thâu tóm hơn 60% thị phần nội địa các sản phẩm về viễn thông bao gồm điện thoại thông minh, mạng Internet, sóng di động. Hiện nay, Huawei chỉ đứng sau Apple và Samsung trong mảng điện thoại thông minh nhưng đã bỏ xa hai “ông lớn” về tốc độ phủ sóng và nhận diện thương hiệu.
Trong lĩnh vực viễn thông, Huawei đã nhanh chóng vươn lên là một trong các nhà sản xuất linh kiện và thiết bị mạng hàng đầu thế giới ngay cả khi 4 nhà mạng hàng đầu của Mỹ: AT&T, Verizon, T-Mobile và Sprint đã bị cấm sử dụng linh kiện của hãng này.
Chỉ với 2 yếu tố trên, không chỉ các nhà quản lý kinh tế, ngay cả các tập đoàn công nghệ nội địa Mỹ cũng sẽ hoang mang nếu một ngày logo của Huawei chính thức đặt chân tới đây.
Các chiến lược cạnh tranh nguy hiểm
Năm 2003, công ty phần mềm Cisco Mỹ kiện Huawei về hành vi vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ khi sao chép toàn bộ mã nguồn và tính năng cho một ứng dụng riêng. Công ty Trung Quốc sau đó đã thừa nhận cáo buộc này nhưng cho biết đó chỉ là “vô ý”. Hai công ty đã dàn xếp ổn thỏa nhưng theo một số nguồn tin, vụ việc đã có sự can thiệp của chính phủ Trung Quốc.
Năm 2009, tập đoàn viễn thông hàng đầu Canada Nortel tuyên bố phá sản. Nguyên nhân được công bố là do hệ thống mail cá nhân, thậm chí lịch làm việc của CEO đã bị theo dõi trong gần 10 năm bởi một phần mềm gián điệp tinh vi có máy chủ tại Trung Quốc. Tuy phía bị cáo buộc đã bác bỏ, một kỹ sư phần mềm của Nortel đã khẳng định đó là Huawei.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Tập đoàn Huawei Ren Zhengfei - Ảnh: Bloomberg |
Với một doanh nghiệp luôn có nhiều chiến lược cạnh tranh quá nguy hiểm và được sự hậu thuẫn chắc chắn từ chính phủ nước sở tại, các doanh nghiệp Mỹ đã bày tỏ lo ngại sâu sắc. Tuy nhiều tập đoàn vẫn sử dụng linh kiện của Huawei, điều kiện bảo mật dành cho hãng này vẫn khắt khe gấp nhiều lần.
Đe dọa an ninh quốc gia
Vụ đổ bể hợp đồng sau nhiều tháng đàm phán giữa nhà mạng AT&T và Huawei đầu tháng 1/2018 khiến giới công nghệ cả hai nước xôn xao. Tuy phía AT&T khẳng định do còn nhiều vấn đề chưa thực sự “hòa hợp”, các nhà phân tích đã nhanh chóng kết hợp sự kiện Tổng thống Donald Trump nhắc đến thương hiệu hàng đầu Trung Quốc như một “đối tượng nguy hiểm cho an ninh Mỹ” cùng với một cái tên đình đám khác: ZTE.
Hàng loạt các vụ đàm phán của Huawei với nhà mạng Mỹ đều thất bại. - Ảnh: AndroidHeadlines |
Sản phẩm quan trọng Huawei muốn khai thác tại thị trường Mỹ là mạng viễn thông 5G. Thượng nghị sĩ Mike Conaway đã phát biểu: “Khi loại mạng này được phổ cập, mọi thông tin đều có thể qua các cổng và máy chủ của họ về Trung Quốc”. Dù hãng này đã cố gắng giải thích họ không liên quan đến chính trị hay bất cứ cá nhân nào trong chính phủ, thất bại tiếp theo trong vụ đàm phán với nhà mạng Verizon cho thấy mọi cánh cửa đều đã khép.
Tuy nhiên, nỗi sợ hãi giữa các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới sẽ kìm hãm sự phát triển của lĩnh vực then chốt này và đối tượng thực sự thiệt hại nhiều nhất là người dùng trên toàn thế giới.
Thu Phương(Theo Bloomberg)