Hậu Brexit, Thủ tướng Anh Theresa May đã hướng tới Trung Quốc để tìm giải pháp thương mại và đây là những điều bà nên học từ Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Khi Mỹ và các quốc gia EU không còn là các đồng minh hữu ích và tin cậy, đã đến lúc Thủ tướng Anh Theresa May hướng tới đối trọng châu Á. Trong 2 tháng đầu năm 2018, các cuộc tọa đàm và hội thảo Anh – Trung quy mô lớn liên tiếp diễn ra tại Thượng Hải và Bắc Kinh cho thấy tầm nhìn mới của vị nữ thủ tướng thuộc Đảng Bảo thủ.
Thủ tướng Anh Theresa May và Chủ tịch Tập Cận Bình - Ảnh: SCMP |
Trước cuộc trưng cầu dân ý về Brexit vào tháng 6/2016, đảng của bà Theresa đã thực hiện một chính sách cứng rắn theo số đông và thành công. Tuy nhiên, những cuộc khủng hoảng sau đó khiến bà gặp nhiều khó khăn khi cố gắng kiểm soát các bộ trưởng – nhóm người không chỉ luôn tranh cãi với nhau mà còn công khai mâu thuẫn với bà.
Cuộc khủng hoảng về quan hệ ngoại giao với EU, các chính sách thương mại xuất nhập khẩu và quyền lợi của người dân bị xáo trộn, truyền thông cánh tả đang ngày càng lấn át dư luận… đặt nước Anh và vị nữ thủ tướng vào một tình thế khó khăn khi lên chuyến bay tới Trung Quốc. Và đây là 3 điều Thủ tướng Theresa có thể học được từ Đảng Cộng sản Trung Quốc để thoát khỏi vũng lầy hậu Brexit.
Một cuộc biểu tình ủng hộ Brexit tại Anh năm 2016 - Ảnh: Atlantic |
Xây dựng liên minh xã hội vững chắc
Trong lịch sử hoạt động, bí quyết thành công của Đảng Cộng sản chính là xây dựng được sự đồng nhất giữa các tầng lớp và giai cấp xã hội. Vào những năm 1980, Trung Quốc bắt đầu tiến hành cải cách kinh tế theo đường lối tư tưởng của chủ tịch Mao Trạch Đông một cách quyết liệt và trọn vẹn. Trên thực tế, Đảng Bảo thủ của nước Anh dường như chỉ tập trung vào quyền lợi của giới tinh hoa và đã là biểu tượng của tầng lớp thượng lưu trong hàng trăm năm. Đã đến lúc phá vỡ những tư tưởng cũ và xây dựng được khối đoàn kết sức mạnh từ toàn bộ người dân như những gì chính phủ Anh từng có với lá phiếu Brexit.
Mềm dẻo và thận trọng
Sau thời kỳ tập trung phát triển kinh tế nội địa của cố chủ tịch Mao, Trung Quốc tiến hành cải cách hệ tư tưởng và giáo dục thế hệ trẻ về toàn cầu hóa – điều hoàn toàn khác biệt với di huấn và đường lối trước đó của Đảng. Việc thay đổi mềm dẻo và linh hoạt trong ý thức hệ cũng như cảnh giác trước mọi động thái của Mỹ đã đưa cường quốc châu Á vào một kỷ nguyên phát triển vượt bậc chưa từng có trong lịch sử.
Bản đồ kết nối đa quốc gia chiến dịch Một vành đai - Một con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình - Ảnh: McKinsey |
Nước Anh, ngược lại, vẫn mắc kẹt trong các lý thuyết hành động của cựu thủ tướng Thatcher và việc tách khỏi EU dường như khiến chủ trương cứng rắn của Đảng Bảo thủ trở thành bức tường cô lập quốc gia này với phần còn lại của thế giới.
Tư duy nhanh nhạy và quyết định kịp thời
Lợi thế về tư duy nhanh nhạy và điều chỉnh kịp thời đã đòi hỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc phải từ bỏ truyền thống lãnh đạo và quyết định theo tập thể. Việc mở cửa ngành tài chính và chiến dịch Một vành đai – Một con đường của chủ tịch Tập Cận Bình là một trong những quyết định sẽ khó có thể thực hiện nếu theo ý kiến của các đảng viên lão thành nhưng đến nay, thành công và ảnh hưởng của dự án này đã vượt khỏi châu Á và khiến Mỹ phải dè chừng.
Thủ tướng Anh Theresa May nên làm điều gì đó với nội các chính phủ của mình trước khi tiếp tục con đường tìm kiếm giải pháp thoát khỏi khủng hoảng bởi thời gian tranh cãi sẽ đưa nước Anh lún sâu hơn nữa vào khủng hoảng.
Những bài học từ thành công phi thường của Chủ tịch Tập Cận Bình đã rõ ràng với thế hệ kế nhiệm bà Thatcher: Hãy theo kịp thời gian, linh hoạt và ứng biến.
Thu Phương(Theo Guardian)