+Aa-
    Zalo

    194 phố Huế: Nguyên Chi cục trưởng được miễn trách nhiệm hình sự?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Sáng nay 8/7, VKSND và TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án “cưỡng chế thi hành án tại ngôi nhà 194 phố Huế”.

    (ĐSPL) - Sáng nay 8/7, VKSND và TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án “cưỡng chế thi hành án tại ngôi nhà 194 phố Huế”. Rất nhiều vấn đề đã được bóc tách, mổ xe, tranh luận gay gắt tại phiên tòa, nhằm làm rõ quá trình kê biên tài sản, quy trình tiến hành bán đấu giá căn nhà đúng hay sai.
    Thông tin được ghi thêm trong biên bản quyết định việc kê biên số nhà 194 phố Huế?
    Trong cáo trạng, VKSND TP HN chỉ rõ, việc kê biên của Chi Cục thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng (THA HBT) là sai khi không thông báo cho các đồng chủ sở hữu và việc sửa chữa các biên bản dẫn đến bất lợi cho người bị thi hành án. Tuy nhiên, bị cáo Trịnh Ngọc Chung khẳng định, quy trình kê biên tài sản ngôi nhà 194 phố Huế hoàn toàn đúng pháp luật.
    Bị cáo Chung cho biết, trước khi ra quyết định kê biên, bị cáo biết nhà 194 đang phải chịu 3 bản THA (bao gồm: hơn 700 triệu năm 1999; bản án số 194 năm 2001 chưa trả hết tiền cho người bán khoảng hơn 40 triệu, 2 bản án này đều đã có hiệu lực pháp luật và cuối cùng là bản án số 143, ngày 20/12/2007, với số tiền phải chi trả khoảng hơn 21 tỉ đồng).
    Liệu Chi cục trưởng THA có được miễn trách nhiệm hình sự?
    Bị cáo Trịnh Ngọc Chung trong giờ xét xử.
    Ông Hoàng Ngọc Minh, đồng sở hữu nhà 194 phố Huế cho biết, ông Minh có nhận được 4 bản tống đạt thông báo THA của Chi cục THA dân sự quận HBT, yêu cầu trả tiền cho khoản vay của Cty Bắc Sơn nhưng ông Minh không có tiền trả. Bên THA HBT có cho ông Minh 1 tháng để tự nguyện THA nhưng sau 30 ngày, ông Minh vẫn không có tiền trả, đã tự nguyện đưa cán bộ THA sang Đông Anh để xác minh và lập biên bản kiểm tra thực tế toàn bộ phần diện tích đất hơn 20ha và dây chuyền lắp ráp sản xuất xe máy để tiến hành THA.
    Tuy nhiên, bị cáo Trịnh Ngọc Chung cho biết, sau khi xem xét, xác minh khối tài sản để trả nợ khoản vay 21 tỉ đồng, bị cáo Chung mới biết tháng Cục THA dân sự TP HCM đã kê biên toàn bộ diện tích đất đai ở Đông Anh theo bản án 87/KDTM, phúc thẩm năm 2006 của Tòa án TP HCM (bán án xử chi nhánh cty Bắc Sơn tại Tp HCM nợ cty Nam Hà). Căn cứ theo biên bản kê biên của THA DS TPHCM, bị cáo Trịnh Ngọc Chung không xem khối tài sản ở Đông Anh của anh Minh là tài sản để tiến hành trả nợ. Chủ tọa phiên tòa, ông Ngô Tiến Phong cũng khẳng định, về mặt pháp lý, toàn bộ tài sản ở Đông Anh đã bị kê biên nên không thể kê biên thêm một lần nữa để cho một khoản vay khác.
    Tuy nhiên, vấn đề cần làm sáng tỏ ở đây là việc tiến hành kê biên và cưỡng chế ngôi nhà 194 phố Huế của bị cáo Trịnh Ngọc Chung, nguyên Chi cục trưởng Chi cục THA DS HBT đúng hay sai. Trong khi bị cáo Chung dứt khoát khẳng định, tài sản đất và dây chuyền ở Đông Anh đã bị kê biên nên chỉ có ngôi nhà 194 phố Huế là tài sản duy nhất có thể xem xét để trả khoản nợ 21 tỉ đồng. Bị cáo Chung khẳng định: “Tôi đã cho bên đương sự thời gian giải quyết, thỏa thuận với nhau nhưng không thỏa thuận được nên tự nguyện giao cho THA quận HBT tài sản để THA. Còn ông Minh vẫn giữ nguyên điểm: “Biên bản kê biên tài sản ở Đông Anh không có giá trị vì kê biên vắng mặt chủ nhà nên tôi chỉ đồng ý giao tài sản ở Đông Anh để trả nợ, tôi kiên quyết không giao ngôi nhà số 194 phố Huế để tiến hành kê biên trả nợ vì tất cả 20 người trong gia đình tôi đều đang sinh sống ở đấy”.
    Liên quan đến biên bản kê biên tài sản đã được sửa chữa, 2 người thư ký giúp việc cho ông Chung tại THA DS HBT là chị Phạm Thị Hạnh và chị Đoàn Thị Thu Trang đều khẳng định, 2 chị được bị cáo Chung (thời điểm ấy là thủ trưởng cơ quan) chỉ đạo viết thêm vào biên bản, để có thể danh chính ngôn thuận chính thức kê biên ngôi nhà 194 phố Huế. Tuy nhiên, bị cáo Chung lại bác bỏ việc chỉ đạo thư ký ghi thêm, mà cho rằng, do 2 cấp dưới chưa hiểu, “sĩ diện nghề nghiệp” nên cho thêm vào. Biên bản làm việc ngày 30/3/2009 có ghi rõ, ông Minh xin 30 ngày để bán tài sản, nếu hết thời hạn trên mà không bán được, cơ quan THA sẽ tiến hành kê biên tài sản (chị Trang đã ghi thêm thông tin “kê biên số nhà 194”). Đại diện VKS khẳng định, biên bản kê biên có dấu hiệu được ghi thêm và ghi thêm thông tin quan trọng nhất, có liên quan trực tiếp đến ngôi nhà 194.
    Quy trình bán đấu giá có nhiều vấn đề?
    Trong khi ông Minh liên tiếp phủ nhận việc mình không hề biết ngôi nhà của mình được mang bán đấu giá để THA thì bên THA HBT và Công ty CP Bán đấu giá khẳng định, đã làm đúng thủ tục bán đấu giá, bao gồm: đầy đủ hồ sơ, giấy tờ liên quan (Quyết định 143, quyết định THA, quyết định kê biên tài sản, biên bản định giá tài sản). Phía Công ty bán đấu giá cũng đã tiến hành dán thông báo công khai tại UBND phường Ngô Thì Nhậm, đăng 3 kỳ trên báo ND, dán tại công ty và chính tại ngôi nhà 194 phố Huế. Nhưng ông Minh khẳng định, anh không hề biết việc ngôi nhà của mình bị mang bán đấu giá, cũng không nhìn thấy mảnh giấy dán thông báo về việc bán ngôi nhà của mình tại chính địa chỉ ngôi nhà.
    Đại diện VKS cho rằng, hình ảnh bên Cty bán đấu giá mang ra làm bằng chứng đã dán thông tin bán đấu giá tại chính ngôi nhà 194 không thỏa đáng vì dán vào buổi tối (ông Chủ tịch Cty bán đấu giá cũng thừa nhận nhân viên của mình dán vào buổi chiều tối), đấy không thể coi là công khai thông báo, mà chỉ làm cho có để chụp ảnh. Đại diện VKS cho biết tiếp: ngôi nhà 194 phố Huế chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lại đang có 2 bản án phải thi hành (nợ 700 triệu và hơn 40 triệu) theo luật đất đai, không thể mang đi bán, chuyển nhượng được. Cộng thêm thông báo số 02, phong tỏa ngôi nhà, không thể di dời, bán, chuyển đổi hay cho thuê nên không thể mang ra bán đấu giá được. Thêm một bằng chứng đại diện VKS đưa ra, rằng Cty CP bán đấu giá chưa làm hết quy định trước khi bán đấu giá (phải tiến hành đo đạc thực địa, bản vẽ ngôi nhà) nên đã bán số diện tích 139,68m2 (trong khi diện tích thực trong các biểu thuế đất là 122,35m2) cho thấy, quy trình bán đấu giá ngôi nhà 194 phố Huế cũng có dấu hiệu sai phạm, chưa đúng theo quy định của pháp luật.
    Tuy nhiên, bị cáo Trịnh Ngọc Chung vẫn viện dẫn các điều luật để khẳng định việc tiến hành kê biên và bán đấu giá ngôi nhà 194 của mình là hoàn toàn đúng luật và có cơ sở. Bị cáo Chung khẳng định “quyết định số 02 phong tỏa ngôi nhà là hướng đến chủ thể của ngôi nhà, bao gồm ông Mậu - bố đẻ ông Minh và toàn bộ gia đình ông Minh, không được di dời, chuyển đổi, mua bán, cho thuê ngôi nhà; chi cục THA HBT làm theo đúng thủ tục, có thế chấp, có kê biên thì được quyền bán đấu giá (để thực hiện liền một lúc 3 bản án thi hành án mà ngôi nhà 194 đang phải thực thi). Bị cáo Chung cho rằng: “Không có điều luật quy định trước khi kê biên phải rút lệnh phong tỏa vì quyết định phong tỏa là yêu cầu chủ thể gia đình” nhưng đại diện VKS bác bỏ lý luận trên của bị cáo Chung và cho rằng, theo quy trình pháp lý, bất kỳ một thông báo phong tỏa nào phải có thông báo giải tỏa mới đúng quy định của pháp luật.
    Bị cáo Chung tiếp tục khẳng định mình đúng bằng việc bác bỏ luận điểm của đại diện VKS khi cho rằng, VKS áp dụng điều 106 luật đất đai là nhầm hoàn toàn vì điều luật đấy quy dịnh cho đất nông nghiệp. Tuy nhiên, đại diện VKS trích đọc văn bản được gửi từ Tổng cục THA do phó Tổng cục trưởng ký, có nêu rõ: có sai sót trong quá trình kê biên tài sản ngôi nhà số 194. Việc kê biên ko đầy đủ thành phần theo quy định 64, ngày 4/9/2004 của Chính phủ là sai sót, việc kê biên ghi thêm một số thành phần cho đủ thành phần là sai phạm của chấp hành viên Trịnh Ngọc Chung Trịnh Ngọc Chung, cần được kiểm điểm, xử lý theo quy định của pháp luật nhưng đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Trịnh Ngọc Chung.
    Đến đây tòa tạm nghỉ, dự kiến buổi chiều sẽ nghị án
    Liên quan đến quy trình thủ tục đấu giá nhà 194, bà Hồng (vợ ông Mậu, người có nghĩa vụ liên quan chính đến ngôi nhà 194 phố Huế - vì theo quy định của pháp luật do chủ tọa phiên tòa đưa ra, 3 mẹ con bà Hồng sẽ được sở hữu ¾ diện tích ngôi nhà) thừa nhận đã đồng ý để bên THA DS HBT tiến hành kê biên và đấu giá tài sản, bà Hồng chỉ không biết cụ thể ngôi nhà được thẩm định ở mức giá bao nhiêu. Bà Hồng cho rằng, quy trình bán đấu giá ngôi nhà là đúng quy trình vì có công khai thông tin và ngôi nhà hiện đang không có bất kỳ tranh chấp nào, cũng chưa mở thừa kế chính thức. Trong hồ sơ theo dõi của phòng tài nguyên môi trường cho thấy cũng không có bất kỳ tranh chấp nào tại ngôi nhà này. Việc tranh chấp chỉ xảy ra sau khi hoàn tất quá trình bán đấu giá và tiến hành chuyển nhượng quyền sử dụng cho người trúng đấu giá. 
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/194-pho-hue-nguyen-chi-cuc-truong-duoc-mien-trach-nhiem-hinh-su-a40046.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Tranh chấp đất đai, anh em

    Tranh chấp đất đai, anh em "đòi mạng" lẫn nhau

    (ĐSPL) - Đứng trước vành móng ngựa trong phiên xử vừa qua tại Tòa án nhân dân (TAND) TP. Hà Nội, bị cáo Nguyễn Công Bính (SN 1972, trú tại xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội) luôn giữ ánh mắt dữ dằn nhìn mọi người.