Luôn buồn bã, chán nản
Đây là dấu hiệu đặc trưng của những người mắc bệnh trầm cảm. Họ thường xuyên tỏ ra mệt mỏi, buồn bã, than phiền về cuộc sống và có cảm giác trống rỗng, vô vọng, không thiết tha điều gì. Bệnh nhân sẽ thường xuyên rơi vào trạng thái mất phương hướng, cảm thấy thất vọng và tự thu mình lại với mọi người xung quanh.
Suy nhược cơ thể
Trầm cảm khiến trạng thái tinh thần của người bệnh rơi vào tiêu cực với một loạt cảm xúc xấu như: đau khổ, chán nản, vô vọng, khóc lóc nhiều nhưng không rõ lý do. Bản thân người bệnh cũng nhạy cảm hơn, dễ buồn chán khi cảm thấy mình không được quan tâm, bị bỏ rơi.
Tất cả những vấn đề tinh thần này dẫn đến tình trạng mệt mỏi cơ thể, suy nhược kéo dài.
Căng thẳng
Dấu hiệu căng thẳng thường xuyên có thể là do trầm cảm, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến chứng bệnh này. Loại căng thẳng này không thể điều trị bằng thuốc an thần, tuy nhiên có thể hiệu quả với các thuốc khác ít tính phụ thuộc hơn.
Giảm tập trung
Mất tập trung cũng là triệu chứng thường gặp ở người bị bệnh trầm cảm mà không ít người bỏ qua. Người bệnh rất khó để tập trung làm một việc gì đó, cảm thấy trí nhớ kém đi nhiều, không thể sắp xếp suy nghĩ một cách logic.
Mất năng lượng
Bệnh nhân thường cảm thấy không có sức lực để làm việc hay tham gia các hoạt động. Nhiều bệnh nhân nói rằng mình cảm thấy cạn kiệt sức lực, không muốn làm bất cứ điều gì.
Rối loạn giấc ngủ
Chứng trầm cảm khiến giấc ngủ bị rối loạn, người bệnh rất khó đi vào giấc ngủ, thường hay bị thức giấc vào giữa đêm và khó ngủ lại được. Một số người thì thường xuyên gặp phải ác mộng khiến họ tỉnh giấc và thiếu ngủ.
Vấn đề về tình dục
Trầm cảm ảnh hưởng khá nhiều đến đời sống tình dục của người bệnh, họ cảm thấy không còn hứng thú, cảm giác trong chuyện này và đây có thể là nguyên nhân ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.
Hoảng hốt
Người mắc bệnh trầm cảm khó kiểm soát cảm xúc của bản thân và thường cảm thấy hoảng hốt bất thường với cả những điều xảy ra hàng ngày. Khi rơi vào trạng thái này, người bệnh rất khó lấy lại bình tĩnh, cách tốt nhất là cần tránh những tình huống gây kích thích tinh thần lớn.
Rối loạn ăn uống
Người bệnh có thể ăn rất nhiều, ăn không thấy no hoặc ăn không ngon miệng, chán ăn, bỏ ăn.
Rối loạn vận động
Cơ thể trở nên chậm chạp, mệt mỏi, trì trệ trong cả hoạt động, cử chỉ, lời nói và suy nghĩ. Người bệnh giao tiếp bằng giọng nói đều đều, mắt lơ đãng nhìn xa xăm. Nhiều người bệnh luôn lo âu, đi tới đi lui, không thể ngồi yên một chỗ.
Mặc cảm
Người bệnh có xu hướng đánh giá thấp bản thân mình, mất tự tin, thường tự trách mình ngay cả khi chỉ mắc những lỗi nhỏ. Thậm chí người bệnh có thể hoang tưởng, tự nghĩ ra lỗi, tự buộc tội chính bản thân mình.
XEM THÊM: Số ca mắc gia tăng, nguy cơ bùng dịch đau mắt đỏ ở TP.HCM
Cảm giác bị ám ảnh
Người mắc chứng trầm cảm thường hay bị ám ảnh về một số việc hoặc hành động cụ thể, có thể là nguyên nhân gây ra nỗi sợ, cú sốc tâm lý nào đó. Đôi khi nỗi ám ảnh này gây ra cảm giác tội lỗi cho người bệnh, cần đến sự hỗ trợ của bác sĩ tâm lý.
Thục Hiền (T/h)