+Aa-
    Zalo

    1001 chiêu lừa khiến người dân khóc ròng tự cho cổ vào tròng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và thiếu hiểu biết của người dân, một số đối tượng đã sử dụng nhiều chiêu thức để chiếm đoạt tiền của họ.

    Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và thiếu hiểu biết của người dân, một số đối tượng đã sử dụng nhiều chiêu thức để chiếm đoạt tiền của họ. Khi biết mình bị lừa đảo, nạn nhân chỉ còn biết tới cơ quan công an trình báo...

    Bị lừa vì quá... ngây thơ

    Khi nhóm đối tượng gọi điện thông báo trúng thưởng số tiền lớn, vì nhẹ dạ cả tin, chị Th. đã chuyển khoản cho chúng 126 triệu đồng. Nhưng tiền gửi đi rồi mà phần thưởng thì chẳng thấy đâu...

    Công an huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên cho biết, đơn vị vừa tiến hành bắt giữ, khởi tố nhóm đối tượng gồm Nguyễn Văn Đức (SN 1994); Trương Công Pháp (SN 1997) và Nguyễn Văn Nhật (SN 1999, cùng trú tại xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và không tố giác tội phạm.

    Trước đó, ngày 13/12, Công an huyện Tiên Lữ nhận được đơn trình báo của chị Nguyễn Thị Th. (SN 1985, trú tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) về việc bị một nhóm đối tượng gọi điện lừa đảo chị đã trúng giải nhì được một sổ tiết kiệm trị giá 250 triệu đồng và một xe máy Honda trị giá 42 triệu đồng trong chương trình bốc thăm may mắn trúng thưởng, nhân kỷ niệm 35 năm ngày thành lập ngân hàng Vietcombank.

    Quá tin tưởng, chị Th. đã nhiều lần gửi tiền cho các đối tượng dưới hình thức chuyển tiền qua thẻ cào điện thoại và qua tài khoản ngân hàng với số tiền lên đến 126 triệu đồng...

    Các đối tượng Đức, Pháp và Nhật tại cơ quan công an.

    Ngay sau khi nhận được đơn trình báo của người dân, Công an huyện Tiên Lữ đã xác lập chuyên án đấu tranh. Sau thời gian ngắn tích cực điều tra, Công an huyện Tiên Lữ đã làm rõ các đối tượng Nguyễn Văn Đức, Trương Công Pháp và Nguyễn Văn Nhật là thủ phạm gây ra vụ án lừa đảo trên.

    Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận chúng thường gọi ngẫu nhiên vào các số điện thoại để tìm các "con mồi". Bọn chúng đã lên mạng tìm hiểu kỹ về 35 năm ngày lễ kỷ niệm của Vietcombank sau đó giả là nhân viên Vietcombank để thông báo chương trình trúng thưởng cho chị Th..

    Để tạo niềm tin, các đối tượng đã giới thiệu là nhân viên và Tổng Giám đốc Vietcombank và đưa ra rất nhiều lý do như chuyển tiền để kích hoạt hồ sơ trúng thưởng hay chọn biển số và đăng ký xe để chị Th. gửi tiền cho chúng.

    Sau nhiều lần chuyển tiền bằng hình thức nạp thẻ cào điện thoại cho các đối tượng lên đến 96 triệu đồng, chị Th. đã tiếp tục chuyển 30 triệu đồng vào tài khoản của Đào Văn Đạt (ở Hà Nội) là người cùng chơi game với Đức. Sau khi nhận thấy số tiền không bình thường, Đạt đã chuyển lại số tiền trên cho chị Th., khi đó chị Th. mới phát hiện mình bị các đối tượng lừa đảo và trình báo lên Công an huyện Tiên Lữ.

    Được biết, toàn bộ số tiền lừa được của chị Th. các đối tượng đã dùng vào chơi game và tiêu xài cá nhân.

    Chui vào rừng để... thực hiện hành vi phạm tội

    Thiếu tá Nguyễn Việt Anh - Phó trưởng Công an huyện Tiên Lữ cho biết: "Để tránh sự phát hiện của lực lượng công an, các đối tượng vào sâu trong rừng của huyện Kỳ Anh để gọi điện tìm "con mồi", bọn chúng đã tính toán khi bị truy bắt sẽ nhanh chóng vứt toàn bộ điện thoại xuống suối để phi tang. Nhưng bằng các biện pháp nghiệp vụ chúng tôi đã tính toán kỹ các phương án để bắt giữ các đối tượng cùng các vật chứng liên quan".

    Hiện Công an huyện Tiên Lữ đã ra quyết định khởi tố Nguyễn Văn Đức, Trương Công Pháp với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Nguyễn Văn Nhật về hành vi không tố giác tội phạm để tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.

    Tang vật nhóm đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo.

    Các số điện thoại đối tượng sử dụng để lừa đảo trong vụ án là: 086.604.95.23 và 035.547.01.10. Công an huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên thông báo ai là nạn nhân của nhóm đối tượng trên liên hệ với Công an huyện Tiên Lữ trình báo để tiếp tục xác minh làm rõ.

    Những chiêu trò lừa đảo bằng hình thức thông báo trúng thưởng qua điện thoại không có gì mới, tuy nhiên vẫn có người dân bị “sập bẫy”, dẫn đến lâm vào hoàn cảnh khốn cùng từ những vụ lừa đảo cực kỳ lọc lõi và tinh vi của các đối tượng.

    Cơ quan công an khuyến cáo, mỗi người dân cần tỉnh táo, nâng cao cảnh giác, tránh nhẹ dạ cả tin nghe những cuộc điện thoại giả danh lừa đảo trúng thưởng của các đối tượng để rồi mất tiền, gánh thêm nợ nần mà phần thưởng chẳng thấy đâu như nạn nhân trong vụ án kể trên.

    Sập bẫy vì tưởng “sếp ngân hàng”

    Trao đổi với báo chí, Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan an ninh điều tra Công an TP.Hà Nội cho biết đơn vị vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Hà Thành để điều tra hành vi lừa đảo hàng trăm tỷ đồng tại ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VietAbank).

    Thiếu tướng Tuấn khẳng định, Thành không phải cán bộ ngân hàng. Một người khác liên quan vụ án làm ngân hàng Việt Á cũng đã bị khởi tố nhưng được tại ngoại do đang nuôi con nhỏ.

    Ngày 27/12, Công an TP.Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

    Trước đó, Công an TP.Hà Nội nhận được đơn tố giác của ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Á và anh Đặng Nghĩa Toàn (SN 1976), trú tại số 50 Hàng Tre, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) về việc Nguyễn Thị Hà Thành và các đối tượng liên quan đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc giả mạo hồ sơ vay vốn thế chấp bằng sổ tiết kiệm tại các ngân hàng.

    Ngân hàng TMCP Việt Á chi nhánh Đông Đô.

    Đại diện VietAbank cho biết, có một nhóm người đã đến gây rối trật tự, căng băng rôn không đúng sự thật tại một số ngân hàng trên địa bàn Hà Nội, trong đó có ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Á...

    Theo điều tra ban đầu được biết, giữa năm 2018, khách hàng đến VietAbank chi nhánh Đông Đô (ở đường Lê Văn Lương, Hà Nội) và được Nguyễn Thị Hà Thành đón tiếp. Thấy người phụ nữ này thoải mái ra vào quầy giao dịch, phòng Giám đốc và được nhân viên ngân hàng tôn trọng, khách hàng nghĩ Thành là sếp ở VietAbank.

    Lấy lý do cần tăng doanh số tiền gửi, Thành thuyết phục khách hàng lập sổ tiết kiệm đồng sở hữu với cô ta để hưởng lãi suất ưu đãi. Đầu tháng 12, anh Đặng Nghĩa Toàn và nhiều khách hàng khác phát hiện sổ tiết kiệm đồng sở hữu bị Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm thế chấp vay vốn.

    Xem hồ sơ vay vốn ngân hàng cung cấp, anh Toàn và người gửi tiết kiệm thấy rằng chữ ký trên giấy tờ là giả. Những khách hàng này và VietAbank sau đó đã gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Thành đến cơ quan An ninh điều tra.

    Kết quả giám định của phòng Kỹ thuật Hình sự Công an Hà Nội hôm 24/12 xác định, chữ ký của khách hàng trên hồ sơ vay vốn là giả. Theo đơn tố cáo, anh Toàn bị ngân hàng phong tỏa sổ tiết kiệm 20 tỷ đồng, ông Triệu Hùng Cường (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) và em gái bị chiếm đoạt 6 sổ tiết kiệm có tổng trị giá 170 tỷ đồng.

    Ngoài ra, một số cá nhân khác có sổ tiền từ 15 tỷ đồng cũng bị nhóm của Thành đem cầm cố vay vốn khoản tiền tương đương bằng hồ sơ giả mạo.

    Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn cho biết, cơ quan Công an đang tiếp tục xác minh các trường hợp khác để xác định tổng số tiền bị chiếm đoạt.

    Hiện, VietAbank đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng và VietAbank.

    Minh Sơn - Bảo Khánh

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in đời sống & pháp luật chủ nhật số 1

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/1001-chieu-lua-khien-nguoi-dan-khoc-rong-tu-cho-co-vao-trong-a258272.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan