Theo luật sư, nếu có quyết định đình chỉ vụ án hoa hậu Phương Nga bị tố lừa đảo, chiếm đoạt 16,5 tỷ đồng thì ông Cao Toàn Mỹ có thể bị xem xét về hành vi vu khống.
Lời khai “đá” nhau, Phương Nga được lợi
Nguồn tin từ cơ quan CSĐT Công an TP.HCM tiết lộ, cơ quan CSĐT cho biết không thu thập thêm được tài liệu, chứng cứ nào để chứng minh hành vi gian dối của Phương Nga có trước và là nguyên nhân ông Cao Toàn Mỹ ngộ nhận và giao tiền mua nhà nhiều lần nên không đủ cơ sở cáo buộc 2 bị can lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hai bị can Phương Nga và Thùy Dung (SN 1987, ngụ tại TP.HCM) cùng bị truy cứu tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản do được xác định có hành vi chiếm đoạt của ông Cao Toàn Mỹ 16,5 tỷ đồng thông qua việc lừa mua nhà giá rẻ.
Trước đó, Hoa hậu Phương Nga có quen biết với đại gia Cao Toàn Mỹ từ năm 2009. Tháng 7/2012, Nga nói với ông Mỹ là mình có thể mua được nhà giá rẻ. Tin tưởng, ông Mỹ nhờ Nga mua nhà giúp. Nga kể cho bạn là Nguyễn Đức Thùy Dung nghe và rủ Dung tham gia chiếm đoạt tài sản của ông Mỹ.
Ngày 4/11/2013, Nga viết giấy biên nhận đã nhận của ông Mỹ tổng cộng 16,5 tỷ đồng. Sau đó, Nga cắt đứt liên lạc với ông Mỹ. Bức xúc, ngày 1/4/2014, ông Mỹ làm đơn tố cáo Nga, Dung với công an. Trưa 19/3/2015, Nga bị công an bắt khẩn cấp. Với hành vi trên, Phương Nga và Thùy Dung nhiều lần bị đưa ra xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong tất cả các phiên tòa (sơ thẩm lần 1 vào ngày 21/9/2016 và sơ thẩm lần 2 vào tháng 6/2017), Nga và Dung đều không thừa nhận hành vi phạm tội.
Ông Cao Toàn Mỹ |
Theo Nga, giữa Nga và ông Mỹ có quan hệ tình cảm vào đầu năm 2012. Đến tháng 5/2015 thì Nga và ông Mỹ chia tay. Nga thừa nhận ông Mỹ có chuyển cho Nga hơn 16,5 tỷ đồng. Nhưng đây không phải là tiền mua nhà, mà thực chất là để thực hiện “hợp đồng tình ái” có thời hạn 7 năm.
Sau khi chia tay, ông Mỹ yêu cầu Nga trả lại tiền nhưng không được nên đã tố cáo hành vi lừa đảo của Nga lên cơ quan công an. Khi biết ông Mỹ tố cáo Nga, Mai Phương (bạn Nga) nói Nga bị oan và hướng dẫn Nga làm các giấy tờ, thủ tục nên Nga làm theo, nhưng sau đó Nga vẫn bị bắt và bị khởi tố. Cũng theo Nga, những giấy tờ, hợp đồng giả sau này đều do Mai Phương hướng dẫn làm, vì tin tưởng nên làm theo. Đến khi bị bắt, Nga mới nghi ngờ Mai Phương nên không khai gì tại CQĐT nữa.
Trong khi đó, đại gia Cao Toàn Mỹ một mực khẳng định số tiền 16,5 tỷ đồng mà ông chuyển cho Phương Nga là tiền mua nhà. Khi nhận tiền, Nga đều ghi giấy biên nhận và những giấy tờ này ông Mỹ đang giữ. Từ đó, ông Mỹ khẳng định có đầy đủ chứng cứ chứng minh Phương Nga lừa đảo.
Tại phiên tòa sơ thẩm lần hai hồi tháng 6/2017, bà Nguyễn Mai Phương cho biết bà có biết mâu thuẫn giữa ông Mỹ và Nga.
Bà Phương khẳng định giữa Nga và ông Mỹ chỉ có mối quan hệ làm ăn. Vì có một số điểm không thống nhất nên hai bên tố cáo nhau. Bà Phương cũng cho rằng, sau khi bị ông Mỹ tố cáo, Nga có nhờ bà giúp đỡ nhưng bà không giúp được. Về khoản tiền 16,5 tỷ đồng là tiền làm ăn giữa Nga và ông Mỹ chứ không phải tất cả là của ông Mỹ.
Sẽ đình chỉ điều tra vụ án?
Theo kết luận điều tra mới nhất, cơ quan điều tra cũng cho biết giữa Phương Nga và ông Cao Toàn Mỹ có mối quan hệ thân thiết nhưng không thể làm rõ được giữa hai người có quan hệ tình ái như Phương Nga đã khai. Tuy nhiên, theo cơ quan CSĐT, có việc Nga và Dung nhiều lần nhận tổng cộng 16,5 tỷ từ ông Mỹ và đến nay chưa trả. Thời điểm tạo lập văn bản thỏa thuận mua bán căn nhà số 7 Nguyễn Trãi có sau thời điểm ông Cao Toàn Mỹ chuyển tiền lần cuối vào ngày 4/11/2013.
Ngoài ra, cơ quan điều tra xác định, Phương Nga và Thùy Dung có hành vi sử dụng tài liệu di chúc có đóng dấu giả của DNTN khách sạn Phi Phi Vũ Trâm Anh (do bà Lương Thị Kim Phi làm giám đốc) nộp cho CQĐT. Tài liệu này do 2 bị can nộp nhằm chứng minh có việc thỏa thuận với ông Nguyễn Văn Yên (cháu bà Phi) để mua căn nhà số 7 Nguyễn Trãi (do bà Phi làm chủ); tạo lập ra những thỏa thuận nhận tiền cọc, trả cọc với ông Yên.
Trương Hồ Phương Nga tại phiên tòa xét xử hồi tháng 6/2017 |
Quá trình điều tra, bà Phi khai không lập di chúc và giấy xác nhận di chúc vào ngày 30/7/2012 như tài liệu Phương Nga cung cấp cho cơ quan điều tra. Kết luận giám định 2 tài liệu này thể hiện, chữ viết không phải là của bà Phi, con dấu DNTN khách sạn Phi Phi Vũ Trâm Anh được đóng trên tờ di chúc và giấy xác nhận di chúc là con dấu được làm giả.
Do đó, hành vi của 2 bị can Phương Nga và Thùy Dung có dấu hiệu của tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, tội danh này theo BLHS 1999 quy định là tội phạm nhưng BLHS 2015 không quy định là tội phạm do có bổ sung, thay đổi các yếu tố cấu thành tội phạm. Cụ thể, theo khoản 1, Điều 341, BLHS 2015 có sự thay đổi yếu tố cấu thành tội phạm tội Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức, từ làm giả “nhằm lừa dối”... thành “làm giả để thực hiện hành vi trái pháp luật”.
Do đó, CQĐT đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho 2 bị can này do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa theo Điều 29, BLHS 2015. Đề nghị này đã được chuyển cho VKSND cùng cấp xem xét.
Giải quyết hệ lụy ra sao?
Trao đổi với PV, luật sư Lương Quang Tuấn, văn phòng Luật sư An Thái (nguyên Kiểm sát viên cao cấp VKSND Tối cao) nhận định: Trường hợp cơ quan điều tra đình chỉ vụ án vì chưa chứng minh được hành vi phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung thì các cơ quan tố tụng phải đình chỉ vụ án, tổ chức xin lỗi, cải chính công khai đối với 2 cô gái này. Các cơ quan này cũng phải bồi thường tiền cho thời gian 2 người này ngồi tù oan, gây ra tổn hại về sức khỏe, tinh thần... Bên cạnh đó, những cán bộ tham gia tố tụng cũng phải bị kiểm điểm, xử lý vì để xảy ra lỗ hổng tố tụng nghiêm trọng, dẫn đến vụ án kéo dài, ảnh hưởng đến uy tín của ngành, đến sự nghiêm minh của pháp luật.
Nếu có quyết định đình chỉ điều tra thì chứng tỏ Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung vô tội. Điều đó đồng nghĩa với việc ông Cao Toàn Mỹ có thể bị xem xét về hành vi vu khống. Cơ quan điều tra cần làm rõ thỏa thuận mua bán nhà dựa trên tình cảm yêu đương hay quan hệ mua bán thông thường để có hướng xử lý cụ thể.
Công Thư