Với phương châm “tiêu trước, trả sau” và những “cơn lốc” quà tặng đến dồn dập khiến nhiều người khó lòng chối từ lời mời chào mở thẻ tín dụng. Tuy nhiên, việc mở thẻ tín dụng quá dễ dàng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Cuộc đua của các ngân hàng
Giữa giờ chiều, khi vẫn đang ngồi làm việc tại cơ quan, anh Lâm, một nhân viên kỹ thuật tại TP.Hồ Chí Minh, bất ngờ nhận được cuộc gọi mời mở thẻ tín dụng từ nhân viên ngân hàng Techcombank.
Lời mời chào ấn tượng, giọng nói nhẹ nhàng không khiến người đầu dây bên kia khó chịu, cô nhân viên ngân hàng đưa ra các gói khuyến mại, miễn phí thẻ thường niên, hạn mức tín dụng cao...
Trước cửa một chi nhánh của ngân hàng Vietcombank, chị Hà (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Sắp tới tôi dự định đi du lịch kết hợp mua sắm tại nước ngoài mà bị hạn chế mang tiền mặt qua hải quan, nhân tiện ngân hàng khuyến mại phí thường niên cho khách hàng cũ nên tôi mở thẻ VISA tại đây”.
Không chỉ Techcombank hay Vietcombank, gần đây, hàng loạt nhà băng cũng đưa ra các chương trình với khuyến mại khủng, hoàn tiền cho chủ thẻ, nâng hạn mức tín dụng, thủ tục nhanh gọn... Đơn cử như hiện nay, ngân hàng BIDV triển khai chương trình khuyến mại thẻ, tặng quà du lịch (châu Âu, Hàn Quốc, nghỉ dưỡng), đồ công nghệ hay voucher mua sắm... Khách hàng mới mở thẻ tín dụng quốc tế còn được tặng tiền lên tới 2 triệu đồng vào tài khoản khi có giao dịch phát sinh. Ngân hàng ABBank hiện cũng triển khai chương trình khuyến mại cho thẻ tín dụng quốc tế Visa Credit Platium mới ra mắt, hoàn tiền 1 triệu đồng, miễn lãi 45 ngày đầu tiên.
Dạo một vòng quanh các cửa hàng, siêu thị trung tâm thương mại, người dân không khó bắt gặp những chương trình khuyến mại “khủng” khi ngân hàng liên kết với cửa hàng.
Anh Sơn, nhân viên phát hành thẻ của một ngân hàng thương mại top đầu Việt Nam cho biết, xu hướng tiêu dùng bằng thẻ ghi nợ (debit card – thẻ ATM là một trong những loại thẻ ghi nợ) đã bão hòa, tốc độ mở thẻ dần bão hòa, các ngân hàng hiện tập trung vào mảng thẻ tín dụng (credit card – như Visa Credit hay Master Credit).
Hàng loạt ngân hàng tung chiêu "dụ" khách mở thẻ tín dụng. |
Đi liền với đó, cạnh tranh trong lĩnh vực này cũng ngày càng gay gắt. Anh Sơn cho biết, mỗi tháng anh phải hoàn thành chỉ tiêu phát hành thẻ nhất định, đặc biệt chỉ tiêu thẻ tín dụng. Nếu không hoàn thành sẽ bị trừ lương, thậm chí khó có thể “trụ” lại được vị trí này. Để “chạy” chỉ tiêu – đặc biệt trong giai đoạn cuối năm, nhân viên phát hành thẻ sẵn sàng làm thẻ ngay tại nhà hoặc cơ quan, nhân viên ngân hàng sẽ chuẩn bị đầy đủ thủ tục, khách hàng chỉ việc ký và chờ ngày có thẻ.
Lãi suất cắt cổ
Với phương châm “tiêu trước, trả sau” và những “cơn lốc” quà tặng đến dồn dập khiến nhiều nhân viên văn phòng khó lòng có thể chối từ lời mời chào mở thẻ tín dụng. Điều này cũng dẫn đến tốc độ tăng trưởng mạnh của thị trường thẻ tín dụng thời gian gần đây, đặc biệt thẻ tín dụng quốc tế ngày càng được ưa chuộng, “ăn theo” xu hướng dịch chuyển của giới trẻ, du lịch nước ngoài.
Tại hội nghị thường niên Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam năm 2017, ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam (VBCA) cho biết, năm 2016 thị trường thẻ Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt góp phần thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
Tính đến hết năm 2016, số lượng thẻ nội địa đạt gần 92,1 triệu thẻ, tương đương trung bình 1 người sử dụng 1 thẻ ngân hàng. Số lượng thẻ tăng qua các năm nhưng tốc độ tăng trưởng những năm gần đây lại có xu hướng chậm lại. Điều này cho thấy thị trường thẻ nội địa có vẻ đã dần bão hòa.
Có một hiện thực đó là người tiêu dùng hiện vẫn còn tư duy cũ, có tới 87% tổng doanh số sử dụng thẻ ATM chỉ để rút tiền mặt, tuy vậy doanh số chi tiêu tại POS có tăng nhưng vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, số lượng thẻ quốc tế phát hành cũng tăng trưởng không ngừng qua các năm.
Cuối năm 2016, số lượng thẻ trên thị trường đạt trên 12 triệu thẻ, tăng 30% so với năm 2015. Cùng với sự tăng trưởng của số lượng thẻ, doanh số sử dụng thẻ quốc tế của người dân tăng nhanh, đạt hơn 224 nghìn tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2015.
Tuy nhiên, việc mở thẻ và tiêu tiền của ngân hàng không hề đơn giản như lời mời chào ban đầu và nhiều quy định khắt khe hơn mở thẻ ATM. Theo tìm hiểu của PV, khách hàng phải khai báo nhân thân đầy đủ (chứng minh thư, nơi thường trú, cơ quan làm việc...), nguồn thu nhập ổn định (trả lương qua ngân hàng từ 5-7 triệu đồng, đối với thẻ tín dụng các ngân hàng ngoại sẽ yêu cầu cao hơn, in sao kê thu nhập từ 3- 6 tháng), uy tín tín dụng cá nhân (không có nợ xấu trên CIC - trung tâm thông tin tín dụng)...
Chưa dừng lại ở đó, việc đủ tiêu chuẩn mở thẻ là một chuyện, việc kiểm soát chi tiêu thẻ tín dụng cũng khiến những “con nghiện mua sắm” – đặc biệt là shopping online đau đầu. Theo quy định, hầu như các ngân hàng sẽ cho khách hàng miễn lãi từ 45 – 55 ngày sau khi phát sinh giao dịch, tuy nhiên sau đó mới là “cơn ác mộng”.
Lãi suất trả chậm sẽ tính từ 1,5 - 2,5%/tháng, tức từ 18- 30%/năm cho những khoản tín dụng phát sinh. Mức lãi suất này cao hơn so với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay từ 2-3 lần. Việc chỉ cần nhập thông tin thẻ khi thanh toán online hoặc quẹt thẻ qua POS cũng khiến người tiêu dùng khó có thể kiểm soát được mức độ mua sắm của mình hay rủi ro dẫn đến những câu chuyện dở khóc dở cười như “nằm ngủ ở nhà bỗng dưng mất 30 triệu” hay “đang ở Việt Nam, tài khoản mua sắm mất 12 triệu ở nước ngoài”. Đến ngày phải thanh toán mới “tá hoả” và nhận về những “trái đắng” khi bỗng dưng gánh nợ ngân hàng. Phí rút tiền mặt qua thẻ tín dụng cũng không rẻ như ATM, mức phí giao dịch mỗi lần khoảng 3-4% số tiền rút.
Nhiều người không chú ý đến phần phí thường niên của thẻ, khoảng 200.000 – 500.000 đồng tùy từng loại thẻ và từng ngân hàng khác nhau. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng không ít lần cảnh báo về việc bảo mật thẻ tín dụng hay những trường hợp mắc nợ xấu trên CIC chỉ vài trăm nghìn đồng do quên không thanh toán hoặc mở thẻ tùy tiện, không để ý phí thường niên phát sinh...
Tuy vậy, thẻ tín dụng vẫn có tính ưu việt của nó, góp phần thuận tiện trong các giao dịch trực tuyến. Thế giới ngày càng “phẳng”, sự phát triển của khoa học và công nghệ, đặc biệt những ứng dụng trong đời sống là để phục vụ con người. Điều quan trọng là con người có khả năng kiểm soát và sử dụng thẻ tín dụng như một công cụ hữu ích cho bản thân.