Sớm, tối 2 lượt, cả ngàn hộ dân sống dọc QL19 đoạn từ ngã ba cầu Bà Di lên Tân Hòa, Trung Ái, phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn (Bình Định) lại rồng rắn kéo vô gần bờ phải sông Kôn, cách nhà hơn 1km “quảy” về từng thùng nước. Thường, họ dùng “quan hệ” để xin, song gặp khi khó, phải bỏ tiền mua mới có. Cảnh tượng trên diễn ra ròng rã đã hơn 20 năm…
Một cơ hội tuột qua
“Khắp Bình Định này, hiếm ở đâu chuyện nước nôi lại vô vọng, trần ai như vùng này”, Chủ tịch UBND phường Nhơn Hòa Lâm Xuân Vũ điểm qua “tình hình kinh tế - xã hội địa phương”. Ông Vũ xuýt xoa: “Quá xui! Những năm 2011 - 2012, Nhơn Hòa từng được chọn để thiết lập một hệ thống nước sạch quy mô tới 54 tỉ đồng. Dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ, đã được phê duyệt. Sở NNPTNT, chuyên gia kỹ thuật, đại diện nhà tài trợ về khảo sát. Hơn 4 tỉ đồng được chi ra phục vụ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.
Nước sắp… đến miệng dân thì đùng một cái, An Nhơn lên thị xã, Nhơn Hòa từ xã hóa phường, từ nông thôn ra thành thị. Bao nhiêu tiền của, công sức, kỳ vọng bỗng chốc xôi hỏng bỏng không”. Thì ra, cái dự án được hơn 20.000 người dân Nhơn Hòa ngày đêm trông ngóng vốn được quyết định trong khuôn khổ chương trình nước sạch nông thôn.
Mỗi ngày ông Anh phải dậy sớm thức khuya, lặn lội xin về từng thùng nước. |
Lớp áo “nhà quê” không còn, Nhơn Hòa mặc nhiên bị xem như kẻ đứng ngoài cuộc. Ông Vũ nói tiếp: “Từ đó, ở diễn đàn nào, chúng tôi cũng tranh thủ kêu khó. Kêu từ thị xã lên HĐND tỉnh, lên tới Quốc hội, trước sau vẫn chưa kết quả. Địa bàn phường quá rộng, thêm KCN Nhơn Hòa tập trung hàng trăm nhà máy, xí nghiệp nên không dễ để quy hoạch đầu tư, thu xếp nguồn vốn cho một hệ thống cấp nước đủ khả năng cung ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt nội vùng”.
Nhiễm dầu, nhiễm phèn, nhiễm đá vôi
Chị Nguyễn Thị Long, tổ 3, khu vực Tân Hòa khệ nệ ôm bình nước 20 lít vào nhà. “10.000 đồng một bình. Loại rẻ nhất đấy”, Chị Long nói. Ngày 1 bình là tiêu chuẩn dành cho việc ăn uống, nấu nướng. “Rửa ráy, tắm giặt thì tùy. Chiếc giếng trong nhà đen ngòm vì ngấm nước thải luộc gỗ từ một nhà máy chế biến lâm sản, coi như giếng chết. Đêm xuống phải ra chầu chực ngoài bờ giếng gần chợ. Hơn 30 gia đình bấu víu vào đó, được bao nhiêu dùng bấy nhiêu”, bà Nguyễn Thị Tĩnh (82 tuổi), mẹ chồng chị Long trần tình.
Nếu nước giếng nhà bà Tĩnh sóng sánh đen thì bên nhà anh Trần Văn Hải nước lại mang… màu trắng. 2 thùng nước múc lên từ sáng, sau 4 giờ đợi lắng, vẫn nguyên màu nước vo gạo. Khu vực phó Tân Hòa Trần Văn Dũng giải thích: “Đấy là màu của lớp đá vôi phân hóa ngầm bên dưới”.
Từ tổ 2 ra tổ 3, tình trạng ô nhiễm nguồn nước lại chuyển sang dạng khác: Nồng nặc mùi xăng dầu. Trước năm 1975, QL19 là hành lang tiếp liệu với tuyến ống xăng dầu đồ sộ dẫn lên Tây Nguyên, được người Mỹ chôn ngầm dưới đất. Công cụ phục vụ chiến tranh hiện đang di họa cho môi trường. Nhà anh Trần Văn Thành, tổ 2, Nhơn Hòa có 2 giếng. Giếng cũ sử dụng chưa bao lâu đã lợn cợn váng dầu. Hơn tháng trước, đào giếng khác thay thế, vẫn không thoát khỏi mạch nước nhiễm dầu.
Khu vực trưởng khu vực Huỳnh Kim Đào Xuân Ngọc phân biệt mức độ giàu nghèo của gần 1.000 hộ dân qua việc họ có khả năng tạo cho mình một chiếc giếng hay không. Ông Ngọc rành rọt: “300 hộ từ cầu Bà Di lên Huỳnh Sơn Nam, chỉ có 3 nhà đủ tiềm lực tự cung cấp nước quanh năm suốt tháng là các hộ Nguyễn Thị Hạnh, Ngô Xuân Tùng, Lê Văn Tánh. Giếng nhà ông Tánh tiêu tốn hơn 100 triệu đồng”.
Đào giếng ở Huỳnh Kim là câu chuyện trầy vi tróc vảy do bên dưới toàn đá bàn, đá hộc. Mỗi lần mở giếng phải khoan, đào hàng chục vị trí may ra mới được một. Giếng nào cũng hun hút trên dưới 30m, song “chỉ đủ dùng 2 tháng mùa mưa.”, lão nông 64 tuổi Phạm Văn Anh ở Huỳnh Sơn Nam, Huỳnh Kim, bổ sung. Nhà ông Anh có giếng sâu 25m nhưng không một giọt nước. Nhơn Hòa đang có hơn 1.000 hộ dân quay quắt trong tình trạng thiếu nước tương tự gia đình ông Anh.