Trong đại dịch Covid-19, những tỷ phú kinh doanh trong ngành y tế như phát triển vaccine, thuốc điều trị và bộ xét nghiệm "thu được bộn tiền". Theo Forbes, 10 tỷ phú trong danh sách này đến từ 7 quốc gia khác nhau, trong đó Đông Nam Á có một đại diện là tỷ phú Li Xiting.
Stephane Bancel (Tài sản: 1,5 tỷ USD - tăng 109% từ 11/3)
Bancel hiện đang là CEO của công ty công nghệ sinh học Moderna có trụ sở tại Cambridge, bang Massachusetts (Mỹ).
Bancel sở hữu 9% cổ phần Moderna, công ty vừa nhận được khoản đầu tư lên tới 483 triệu USD từ Bộ Y tế và nhân sinh Mỹ nhằm đẩy nhanh công tác phát triển vắc xin chống lại virus Covid-19. Theo Bancel, loại vắc xin này có thể sẽ đến tay các y, bác sĩ để sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp vào mùa thu năm nay.
Gustavo Denegri (Tài sản: 4,5 tỷ USD - tăng 45%)
Denegri được đào tạo để trở thành một nhà hóa học, nhưng giờ đây, ông lại trở thành một doanh nhân và nắm trong tay đến 45% cổ phần của công ty công nghệ sinh học DiaSorin.
Trong tháng 4 vừa qua, công ty cho ra mắt các bộ sản phẩm kit xét nghiệm virus Covid-19, hiện đang được phân phối cho chính quyền một số các địa phương tại Italia. DiaSorin sở hữu nhiều nhà máy sản xuất tại các quốc gia như Mỹ, Anh, Đức và quê nhà Italia.
Seo Jung-Jin (Tài sản: 8,4 tỷ USD - tăng 22%)
Seo Jung-Jin có quốc tịch Hàn Quốc. Ông đồng sáng lập công ty dược phẩm sinh học Celltrion, có trụ sở tại Seoul, vào năm 2002, và chính thức niêm yết cổ phiếu của công ty trên sàn chứng khoán vào năm 2008.
Công ty này rất tích cực nghiên cứu các sản phẩm kit xét nghiệm và thuốc đặc trị virus Covid-19, dự kiến sẽ được thử nghiệm trên người vào quý III năm nay. Các bộ xét nghiệm nhanh chuẩn đoán virus Covid-19, được công ty công bố là sẽ cho kết quả chỉ sau 15 đến 20 phút, cũng được lên kế hoạch cho ra mắt vào mùa hè năm nay.
Alain Meirieux (Tài sản: 7,5 tỷ USD - tăng 25%)
Tỷ phú người Pháp thành lập Công ty BioMérieux vào năm 1963. Đây là một công ty con chuyên về xét nghiệm chẩn đoán thuộc Tập đoàn y tế Institut Mérieux do ông nội Meirieux thành lập vào năm 1897. Bộ xét nghiệm Covid-19 của BioMérieux được ra mắt vào cuối tháng 3, giúp giảm thời gian xét nghiệm xuống còn 45 phút.
Maja Oeri (Tài sản: 3,2 tỷ USD - tăng 10%)
Maja Oeri là hậu duệ của Fritz Hoffmann-La Roche, người thành lập nên công ty Dược phẩm Roche vào năm 1896. Bà sở hữu khoảng 5% cổ phần của công ty sau khi tách riêng số lượng cổ phiếu của mình ra khỏi tổng số cổ phiếu mà các thành viên khác trong gia đình nắm giữ.
Roche tuyên bố trong ngày 19/3 rằng công ty đang tiến hành giai đoạn thử nghiệm thứ 3 đối với tocilizumab, một loại thuốc chuyên trị chứng viêm khớp, trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Mỹ.
Công ty cũng đã phát triển một bộ xét nghiệm huyết thanh, qua đó giúp xác định những kháng thể tồn tại trong cơ thể những bệnh nhân đã nhiễm bệnh trước đó.
Leonard Schleifer (Tài sản: 2,2 tỷ USD - tăng 11%)
Leonard Schleifer đồng sáng lập hãng dược phẩm sinh học Regeneron tại New York, Mỹ vào năm 1998. Ngày 16/3, công ty này bắt đầu thử nghiệm lâm sàng với thuốc trị viêm khớp sarilumab trên bệnh nhân Covid-19 tại New York.
George Yancopoulos (Tài sản: 2,2 tỷ USD - tăng 11%)
Yancopoulos là giám đốc khoa học của hãng dược phẩm sinh học Regeneron. Ngày 16/3 vừa qua, Regeneron bắt đầu một giai đoạn thử nghiệm mới với loại thuốc chuyên trị chứng viêm khớp của mình trên các bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại New York, dưới sự hợp tác với công ty Sanofi đến từ Pháp, sau khi phiên thử nghiệm trước đó cho kết quả khả quan rằng loại thuốc này làm giảm đáng kể các triệu chứng viêm nhiễm.
Thomas Struengmann và Andreas Struengmann (Tài sản: 6,9 tỷ USD - tăng 11%)
Cặp tỷ phú sinh đôi nhà Struengmann trở nên giàu có khi họ đồng ý bán công ty Hecal cho Novartis với giá khoảng 7 tỷ USD vào năm 2005. Họ hiện đang đầu tư vào một loạt các công ty công nghệ sinh học và dược phẩm thông qua Santo Holding, một công ty đầu tư có trụ sở tại Thụy Sĩ.
Trong đó, khoản đầu tư giá trị nhất là vào BioNTech, công ty có trụ sở tại Mainz, Đức. BioNTech đang hợp tác với Pfizer và Fosun Pharmaceuticals để nghiên cứu một loại vắc xin phòng virus Covid-19. Lần thử nghiệm trên người đầu tiên đã được thực hiện tại Đức vào ngày 23/4 và công ty đang lên kế hoạch mở rộng thử nghiệm trên các bệnh nhân tại Mỹ sau khi nhận được sự chấp thuận từ các cơ quan chức năng.
Li Xiting (Tài sản: 12,6 tỷ USD - tăng 1%)
Xiting là người sáng lập hãng thiết bị y tế Mindray, có trụ sở tại Thâm Quyến, Trung Quốc vào năm 1991.
Mindray đã chủ động tham gia vào cuộc chiến chống lại virus Covid-19 ngay từ khi dịch bệnh này bùng phát tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Công ty đã cho tăng công suất sản xuất máy thở của mình lên gấp 3 lần, tương đương 3000 máy thở/tháng, tại nhà máy ở Thâm Quyến, theo giới truyền thông Trung Quốc.
Công ty cũng đã ủng hộ nhiều thiết bị, vật tư y tế có giá trị lên đến 4,6 triệu USD, cho nhiều bệnh viên trên phạm vi toàn thế giới, đặc biệt là các khu vực mà dịch bệnh diễn biến phức tạp như Vũ Hán và Italia.
Việt Hương(T/h)