+Aa-
    Zalo

    1 tuần trường học mở lại, éo le cảnh cô trò chuyển từ học trực tuyến ở nhà sang ở trường

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Việc mở lại trường học là điều cần thiết nhưng trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp thì khó tránh khỏi nguy cơ rủi ro, cũng như những tình huống éo le mà cả cô và trò đều phải thích ứng.

    Học sinh từ lớp 7-12 tại các “vùng xanh”, “vùng vàng” trên toàn thành phố Hà Nội trải qua 1 tuân đầu tiên trở lại trường sau thời gian dài học trực tuyến do dịch bệnh COVID-19.

    Việc mở lại trường học là điều cần thiết nhưng trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp thì khó tránh khỏi nguy cơ rủi ro.

    Trên các nhóm hội, diễn đàn hai ngày qua, các phụ huynh Hà Nội râm ran chuyện không ít trường hợp học sinh là F0 và con em mình trở thành F1.

    “Các con háo hức đến trường, sau màn chào hỏi và nhận lì xì từ thầy chủ nhiệm thì biết tin có F0 và lại trở về nhà học online”, phụ huynh một trường THPT chia sẻ.

    Một phụ huynh khác cũng ngán ngẩm: “Con mình vừa đi học thì lớp báo có F0, nên giờ lại chuyển sang học online vào chiều nay”.

    1 tuan truong hoc mo lai eo le canh co tro chuyen tu hoc truc tuyen o nha sang o truong 01
    Việc mở lại trường học là cần thiết nhưng khó tránh rủi ro. Ảnh minh họa

    Bên cạnh đó, cũng có nhiều tình huống éo le mà cả cô hay trò đều cần phải thích ứng.

    Sáng 8/2, trong khi các bạn cùng lớp háo hức đi học trực tiếp sau chín tháng ở nhà, thì Nguyễn Minh Hằng lại buồn và hụt hẫng.

    Chia sẻ với Vnexpress, Hằng này cho biết ngay trước hôm trở lại thì rơi vào diện F1, phải theo dõi sức khỏe và học online ở nhà.

    Hôm ấy, lớp có mình Hằng phải học từ xa. Nữ sinh cho hay, trường trang bị mỗi lớp một bộ máy tính để bàn, camera rời nhưng không có micro hay loa.

    "Máy tính không có micro thu tiếng nên em chỉ có thể nhìn mà không nghe thấy cô hay các bạn nói gì. Hình ảnh cũng chỉ được 30% độ nét vì camera mờ, cộng với ánh đèn trên lớp càng khiến em không thấy rõ", Hằng kể.

    Lúc đầu Hằng hơi hoảng vì năm nay cuối cấp, chuẩn bị lên lớp 10. Nếu việc học gián đoạn lâu, em sợ không theo kịp chương trình học. Không chép được bài, Hằng nhắn tin cho lớp trưởng, nhờ chụp lại và gửi cho mình. Em cũng trao đổi với cô giáo để báo nhà trường khắc phục.

    Khi đã có micrco thu tiếng thì "có hôm mạng trục trặc. Cô giảng cả đoạn dài nhưng em chỉ nghe được câu đầu", Hằng chia sẻ.

    Không chỉ học sinh, mà cả các giáo viên cũng gặp phải tình huống éo le tương tự.

    Chia sẻ với Vietnamnet, cô N.H.T, giáo viên dạy Hóa tại một trường THCS ở Hà Nội, cho biết mình đang phải dạy tại nhà do thuộc diện F1. Bất đắc dĩ, các học sinh trong lớp cũng phải chuyển từ học trực tuyến ở nhà sang học trực tuyến tại trường.

    Theo quy định, với những giáo viên thuộc diện F0, F1 sẽ không đủ điều kiện để dạy học trực tiếp tại trường. Trong một số trường hợp, nhà trường có thể bố trí giáo viên dạy thay. Tuy nhiên, với bộ môn của cô T, việc bố trí giáo viên là rất khó. Do đó, thay vì tới trường, cô giáo trẻ phải dạy online tại nhà.

    Khi giáo viên dạy online, học trò vẫn sẽ đi học trực tiếp. Nhà trường cũng đã trang bị một chiếc máy tính có kết nối với máy chiếu, cùng với một bộ loa để học sinh có thể nghe rõ bài giảng của cô giáo hơn. Thêm vào đó, trường còn lắp đặt một chiếc camera chiếu xuống bên dưới để giáo viên có thể bao quát toàn bộ lớp học.

    “Việc dạy như vậy cũng có nhiều hạn chế, như đường truyền mạng không ổn định, đôi khi có thể ngắt quãng kết nối. Hơn nữa, nếu giáo viên muốn mời học sinh phát biểu hay lên bảng làm bài, điều này cũng rất khó khăn để giáo viên có thể lắng nghe, theo dõi”, cô T chia sẻ.

    Cô T cho biết thêm, dù mic luôn để chế độ mở giúp giáo viên nắm bắt được mọi ồn ào trong lớp, nhưng do quản lý từ xa nên việc giữ ổn định và trật tự trong suốt quá trình giảng bài cũng rất khó. Do đó, trong một số tiết, những giáo viên dạy online ở nhà có thể phải nhờ tới các thầy cô bộ môn khác hỗ trợ quản lý lớp từ bên ngoài.

    “Nhưng dù còn nhiều khó khăn, điều khiến tôi mừng nhất là các em vẫn nhiệt tình tham gia vào bài giảng dù không có cô trên lớp hay vẫn đứng lên trình bày bài và nhận xét bài của bạn rất nghiêm túc. Thay vì chờ đợi, giờ đây, các em cùng thầy cô đều nỗ lực tìm cách để thích ứng linh hoạt với việc học tập trong bối cảnh dịch bệnh”, cô T cho hay.

    1 tuan truong hoc mo lai eo le canh co tro chuyen tu hoc truc tuyen o nha sang o truong 02
    Một tiết dạy trực tiếp, có kết nối máy tính cho học sinh ở nhà. Ảnh: Vnexpress

    Cô Phạm Thị Thanh Huyền, giáo viên THPT Hoàng Cầu cũng là F1, đang phải dạy online cho học sinh ở lớp vì không đổi được tiết và trường thiếu nhân lực do một số giáo viên phải cách ly.

    Cô Huyền cho hay, từ tháng 7 năm ngoái, trường lắp wifi cho các phòng học. Sắp tới, trường lắp hệ thống loa cố định mới ở từng lớp để trong bất cứ tình huống nào cũng thích ứng tốt nhất.

    Tuy nhiên, cô Huyền cho rằng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, trong hoàn cảnh dịch bệnh, số học sinh và giáo viên F0, F1 vẫn tiếp tục tăng. Việc bao quát học sinh qua màn hình khó đảm bảo.

    Ngoài ra, nếu đường mạng của nhà cô hoặc của trường không ổn, việc học cũng bị ngắt quãng. Giải pháp trên có thể hiệu quả với các môn học xã hội khi học sinh không phải làm bài tập nhiều. "Với những môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, việc dạy này không ổn vì khi các em lên bảng trả lời sẽ phụ thuộc vào camera có nét hay không; vị trí đặt gần hay xa. Đặt xa thì bao quát được bảng nhưng cô sẽ không nhìn rõ được bài làm của các em", cô Huyền cho hay.

    "Khó đến đâu, chúng tôi sẽ thích ứng đến đấy. Học sinh và phụ huynh khi đón nhận việc này cũng không nặng nề hay áp lực vì đều hiểu để thầy cô và học sinh đến trường đầy đủ cần thời gian dài. Giờ là thời điểm chúng ta phải chấp nhận những bất cập nhất định", cô Huyền chia sẻ.

    Hoa Vũ (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/1-tuan-truong-hoc-mo-lai-eo-le-canh-co-tro-chuyen-tu-hoc-truc-tuyen-o-nha-sang-o-truong-a528251.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan