Do không nhanh nhạy trong mảng kinh doanh trực tuyến, H&M có kết quả kinh doanh ảm đạm, thua xa đối thủ khiến giới đầu tư thất vọng.
Theo hãng tin Bloomberg, cuộc khủng hoảng trong ngành bán lẻ truyền thống đang có nguy cơ làm suy yếu các hãng chậm chân trong việc phát triển mảng bán lẻ trực tuyến, mà H&M là một ví dụ.
Ngày 15/12, hãng thời trang Thụy Điển công bố đợt giảm doanh số quý mạnh nhất trong ít nhất 10 năm trở lại đây khi ngày càng ít khách hàng đến mua sắm tại các cửa hàng flagship. Lượng khách tới các cửa hiệu H&M suy giảm, khiến công ty phải giảm bớt các kế hoạch mở rộng, thậm chí cân nhắc đóng cửa nhiều cửa hiệu.
Sau khi thông tin trên được công bố, giá cổ phiếu H&M có lúc giảm tới 13%, mức giảm mạnh nhất trong phiên kể từ tháng 3/2001. Gần 15% cổ phiếu giao dịch tự do bị bán khống.
Doanh thu chưa tính VAT (thuế giá trị gia tăng) giảm 4% xuống còn 6 tỷ USD trong 3 tháng 9-11 mặc dù các nhà phân tích dự báo tăng 2%. Doanh thu của hãng mới chỉ giảm trong 3 quý trong suốt 10 năm qua, dữ liệu của Bloomberg cho thấy.
Cơn khủng hoảng làm rung chuyển các trung tâm thương mại ở Mỹ cũng đang lan tới các phần khác của thế giới, ảnh hưởng mạnh đến H&M và buộc hãng phải giảm giá để đẩy hàng.
Trong khi đó, Inditex - công ty mẹ của hãng thời trang Zara - đang vượt mặt đối thủ nhờ mảng thương mại trực tuyến mở rộng mạnh mẽ. Doanh thu tháng 11 và đầu tháng 12 của người khổng lồ thời trang nhanh Tây Ban Nha đạt mức tăng 2 chữ số.
Một trong những yếu tố mang lại thành công là hệ thống kho hàng tập trung, cho phép Inditex chọn sản phẩm cho mỗi thị trường đến tận phút cuối. Khâu hậu cần của H&M chậm hơn nhiều vì phụ thuộc vào hàng gửi từ châu Á và có thể mất hàng tuần đến hàng tháng.