Ngày 29/9 (theo giờ địa phương), Nga đã lên tiếng cảnh báo YouTube sau khi nền tảng chia sẻ video của Mỹ chặn 2 kênh tiếng Đức của đài truyền hình RT.
Cụ thể, ngày 28/9, YouTube nói với truyền thông Đức rằng họ đã đưa ra cảnh báo đối với kênh truyền hình của đài RT vì đã vi phạm nguyên tắc thông tin về đại dịch COVID-19 và sau đó đóng cửa hai kênh do vi phạm điều khoản người dùng.
Ngay sau động thái trên, ngày 29/9, Bộ Ngoại giao Nga đã cáo buộc YouTube có "hành động gây hấn trên phương tiện truyền thông". Trong đó, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng hành động này có thể có sự hỗ trợ từ các nhà chức trách Đức, tuy nhiên, phía Berlin đã bác bỏ sự liên quan. Phía Moscow cho rằng việc áp dụng các biện pháp trả đũa với truyền thông Đức là "cần thiết và phải làm".
Phát ngôn viên của Thủ tướng Angela Merkel, ông Steffen Seibert khẳng định Đức không liên quan tới quyết định của YouTube, nói rằng Berlin cũng sẵn sàng thực hiện các biện pháp cứng rắn nếu Moscow có ý định trả đũa.
Đối với YouTube, cơ quan giám sát truyền thông Nga Roskomnadzor cảnh báo họ có thể sẽ hạn chế quyền truy cập của người Nga vào nền tảng này. Roskomnadzor cho biết họ đã gửi thư cho Google, công ty chủ quản của YouTube, "yêu cầu dỡ bỏ tất cả các hạn chế đối với hai kênh RT DE và Der Fehlende Part càng sớm càng tốt".
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cũng đã lên tiếng cáo buộc YouTube về "sự kiểm duyệt" và nói rằng luật pháp của Ngabị "xâm phạm nghiêm trọng". Ông tuyên bố: "Không thể khoan nhượng đối với những vi phạm như vậy".
Guardian cho biết, Moscow gần đây đang gia tăng sức ép đối với các gã khổng lồ công nghệ nước ngoài trong lúc tìm cách kiểm soát các nội dung có sẵn trực tuyến cho khán giả trong nước. Ngoài ra, Nga đã thực hiện một loạt nỗ lực để mở rộng ảnh hưởng ra nước ngoài, đặc biệt là thông qua kênh RT, trước đây mang tên Russia Today, với các kênh truyền hình và website nhiều ngôn ngữ.
Minh Hạnh (Theo Guardian)