Hãng thông tấn Yonhap ngày 21/8 dẫn lời một quan chức Chính phủ Hàn Quốc cho biết CHDCND Triều Tiên đang chuẩn bị cho việc phóng các loại tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tên lửa đạn đạo.
Nguồn tin trên nói rằng các thiết bị do thám quân sự chung của Hàn Quốc và Mỹ đã phát hiện những động thái di chuyển các bệ phóng tên lửa di động của Triều Tiên, có gắn tên lửa Scud và Rodong.
Triều Tiên bắn thử tên lửa chống hạm kiểu mới. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Nguồn tin được dẫn lời nói “Triều Tiên đang có những dấu hiệu về việc phóng một quả tên lửa Scud gần Wonsan và một quả tên lửa Rodong ở tỉnh Bắc Pyeongan”. Bình Nhưỡng dường như đang tính toán thời điểm phóng tên lửa theo ý đồ chiến lược của mình.
Tên lửa Scud có tầm bắn dưới 500km, được phát hiện ở khu vực Wonsan, Đông Bắc Triều Tiên, trong khi tên lửa Rodong có tầm bắn tối đa 1.200km, được phát hiện đang di chuyển ở khu vực miền Tây nước này.
Tổng thống Hàn Quốc bất ngờ thăm căn cứ quân sự
Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời ông Min Kyung-wook, Người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc, cho biết Tổng thống Park Geun-hye ngày 21/8 đã tới thăm một căn cứ quân sự quan trọng gần thủ đô Seoul để kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Hàn Quốc.
Chuyến thăm bất ngờ này được thực hiện trong bối cảnh vừa diễn ra vụ đấu pháo giữa hai miền Triều Tiên và Bình Nhưỡng đe dọa sẽ có những hành động quân sự nếu Seoul không ngừng các buổi phát thanh tuyên truyền chống Bình Nhưỡng dọc theo tuyến biên giới chung.
Trong chuyến thăm này, các quan chức hàng đầu của quân đội Hàn Quốc đã báo cáo với bà Park Geun-hye về những diễn biến mới nhất trên Bán đảo Triều Tiên.
Cùng ngày, hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn tin Bộ Thống nhất nước này cho biết Triều Tiên đã từ chối nhận thông điệp của Hàn Quốc, trong đó kêu gọi miền Bắc đưa ra lời xin lỗi chân thành và nhận trách nhiệm về những hành động quân sự gần đây nhất trên Bán đảo Triều Tiên.
Theo Yonhap, bộ trên trước đó cùng ngày đã tìm cách chuyển thông điệp của Bộ trưởng Hong Yong-pyo thúc giục Bình Nhưỡng thừa nhận trách nhiệm về vụ bắn pháo vừa qua, nhưng phía Triều Tiên không chịu nhận thông điệp.
Bộ trên tuyên bố nếu Triều Tiên có thái độ sẵn sàng giải quyết vấn đề này thì họ cần nhận trách nhiệm và xin lỗi, chứng tỏ lòng chân thành của mình bằng cách trừng trị những người chịu trách nhiệm về vụ này và cam kết không để xảy ra thêm các vụ việc tương tự.
Hai miền Triều Tiên ngày 20/8 đã đấu pháo qua biên giới sau khi Hàn Quốc nối lại chiến dịch phát thanh tuyên truyền chống Triều Tiên sau vụ nổ mìn làm hai binh sỹ Hàn Quốc bị thương mà Seoul cáo buộc là do Bình Nhưỡng thực hiện trong khi Bình Nhưỡng lại bác bỏ cáo buộc này.
Phản ứng của các bên sau vụ đấu pháo giữa hai miền Triều Tiên
Sau khi hai miền Triều Tiên đấu pháo ngày 20/8, bắt nguồn từ việc Seoul nối lại hoạt động tuyên truyền bằng loa phóng thanh từ ngày 10/8, động thái bị Triều Tiên coi là tuyên chiến, Bình Nhưỡng đã cảnh báo Seoul phải dỡ bỏ các loa phóng thanh tại khu vực biên giới trong vòng 48 giờ kể từ 17 giờ địa phương (8h30' GMT) ngày 20/8, nếu không Bình Nhưỡng đáp trả bằng hành động quân sự.
Binh sĩ Hàn Quốc gác gần hiện trường vụ nổ mìn. Ảnh: AFP-TTXVN |
Trong khi đó, Hàn Quốc ngày 21/8 cảnh báo Triều Tiên không được tiến hành các cuộc tấn công “liều lĩnh” trong bối cảnh căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đang gia tăng.
Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc đã gửi một bức thư tới Bộ tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Triều Tiên, trong đó hối thúc “miền Bắc từ bỏ tất cả các hành động liều lĩnh”. Phía Hàn Quốc đồng thời cáo buộc Triều Tiên vi phạm lệnh ngừng bắn và thỏa thuận không gây hấn giữa hai bên.
Cùng ngày, người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết Tổng thống Park Geun-hye đã quyết định hủy tất cả các chương trình đối ngoại đã được lên lịch trình để tập trung đánh giá tình hình. Người phát ngôn này nhấn mạnh Seoul đang theo dõi chặt chẽ tình hình và sẵn sàng đáp trả cứng rắn bất cứ hành động khiêu khích nào nhằm đảm bảo sự an toàn cho người dân.
Trong bối cảnh trên, ngày 21/8, Hàn Quốc và Mỹ đã nâng mức báo động giám sát quân sự chung (WATCHCON) đối với Triều Tiên. Thang báo động 5 cấp WATCHCON thường được đặt ở mức 4 (trong thời bình) và nâng lên khi căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên leo thang.
Mức cao nhất WATCHCON 1 được sử dụng trong thời chiến. Với động thái mới này, Hàn Quốc và Mỹ sẽ huy động thêm các thiết bị giám sát quân sự nhằm theo dõi chặt chẽ các động thái của quân đội Triều Tiên.
Trong một diễn biến khác, phản ứng về vụ đấu pháo giữa hai miền Triều Tiên, Liên hợp quốc (LHQ) bày tỏ hết sức quan ngại và đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ra tuyên bố nhấn mạnh hành động của Triều Tiên đang làm gia tăng căng thẳng, đồng thời yêu cầu Bình Nhưỡng phải kiềm chế các phát ngôn cũng như hành động đe dọa tới an ninh và hòa bình khu vực.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 21/8 cũng lên tiếng bày tỏ lo ngại về căng thẳng hiện nay giữa hai miền Triều Tiên và kêu gọi Bình Nhưỡng kiềm chế. Tokyo tuyên bố sẽ áp dụng tất cả những biện pháp cần thiết, trong đó có việc thu thập và phân tích những thông tin liên quan.
Theo baotintuc.vn