(ĐSPL) - Vụ án giết 6 người ở Bình Phước được Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập như một cảnh báo về tình trạng tội phạm có tính chất nghiêm trọng gia tăng. Trưởng Ban Chỉ đạo 138 yêu cầu sớm đưa vụ án ra xét xử lưu động.
Tin tức báo Tri thức trực tuyến đăng tải, chiều 14/7, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2015 của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống tội phạm (138/CP).
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2015 của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống tội phạm (138/CP). |
Báo cáo của Bộ Công an cho hay, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã điều tra, khám phá trên 21.400 vụ phạm pháp hình sự, bắt và xử lý gần 42.000 người. Trong đó, hầu hết các loại án nghiêm trọng đều giảm so với cùng kỳ năm trước (giết người cướp tài sản giảm 15,63\%, giết người giảm 22,89\%, cướp giật tài sản giảm 12,21\% ...).
Tuy nhiên, trung tướng Phan Văn Vĩnh - Tổng cục trưởng Tổng Cục cảnh sát cũng cho biết, dù tội phạm hình sự giảm trên 3\% nhưng tính chất tội phạm lại nghiêm trọng, hành vi phạm tội manh động, bạo lực, côn đồ, liều lĩnh hơn.
6 tháng đầu năm, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ giết nhiều người, giết người cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng, thủ phạm liên tục gây án. Vụ án giết chủ quán cơm chay, cướp 1 xe môtô ở Bà Rịa-Vũng Tàu, hung thủ khai nhận trong tháng 8-9/2014 đã gây ra 3 vụ giết người, cướp tài sản tại 3 địa phương Hải Phòng, TP HCM, Quảng Ngãi.
Trung tướng Phan Văn Vĩnh cũng nêu vụ giết 6 người ở Bình Phước, 4 người ở Nghệ An như minh chứng cho việc tội phạm ngày càng manh động và liều lĩnh hơn.
Rút kinh nghiệm từ vụ án đặc biệt nghiêm trọng vừa xảy ra tại tỉnh Bình Phước, Chủ tịch UBND TPH CM Lê Hoàng Quân cho rằng, nếu không tăng cường giáo dục truyền thống gia đình, xây dựng gia đình một cách căn bản, thì vấn đề đạo đức xã hội rất đáng báo động.
Vụ án giết 6 người ở Bình Phước cũng được Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập như một cảnh báo về tình trạng tội phạm có tính chất nghiêm trọng gia tăng. Trưởng Ban Chỉ đạo 138 yêu cầu sớm đưa vụ án ra xét xử lưu động.
Phó thủ tướng yêu cầu, nơi nào để tội phạm lộng hành, nơi đó người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. "Trấn áp tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân phải là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, nhất là trong bối cảnh đang diễn ra đại hội Đảng các cấp" - Phó thủ tướng nêu.
Trước đó, báo Công an Nhân dân thông tin, Theo đánh giá của các điều tra viên, nghi can Nguyễn Hải Dương khá lì. Ngày đầu tiên khi bị cơ quan điều tra triệu tập về từ đám tang của các nạn nhân, gương mặt anh ta tỉnh queo, nhất quyết không khai.
Anh ta đưa ra các chứng cứ ngoại phạm đã chuẩn bị sẵn như việc mời bạn tụ tập nhậu tại xưởng gỗ, sau đó đánh răng, rửa mặt đi ngủ, được camera của xưởng ghi lại.
Khi điều tra viên phủ đầu: “Trông thư sinh thế kia mà sao lại dám sát hại tận 6 người trong gia đình?”. Dương trả lời ngay: “Chú cứ nói đùa, cháu cắt tiết một con gà còn không được sao dám giết người”. Tuy nhiên, lúc ấy, nhìn vào ánh mắt chỉ một phút luống cuống của Dương, với kinh nghiệm nhiều năm làm án, các điều tra viên biết rằng, họ đang đi đúng hướng.
Do chưa có đủ chứng cứ bắt giữ Dương, cơ quan điều tra tạm cho đối tượng ra về, nhưng giám sát chặt chẽ. Đến ngày hôm sau (9/7), các chứng cứ buộc tội Dương rõ dần. Trong nhật ký điện thoại của Linh, Như và Vỹ đều có những cuộc gọi từ một số sim rác. Buổi chiều, số điện thoại này có 2 cuộc gọi cho Linh, trong đó có một cuộc gọi rất dài, chứng tỏ 2 bên có mối quan hệ thân thuộc.
Cũng số điện thoại này có gọi cho Như và Vỹ và buổi tối cùng ngày, đặc biệt nhắn cho Vỹ gần sát với thời điểm gây án. Ai là người có mối quan hệ với cả Linh, Như và Vỹ? Rõ ràng, nhân vật nghi vấn số 1 vẫn là Dương. Đối tượng Dương tiếp tục được triệu tập về cơ quan điều tra để lấy lời khai, nhưng hắn vẫn rất ngoan cố.
Nghi can Nguyễn Hải Dương. |
Trưa 10/7, bằng mọi nỗ lực và các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra đã làm rõ chủ nhân sử dụng số sim trên. “Khi tin báo về chính Dương đã sử dụng số điện thoại nói trên, tất cả chúng tôi đều rất vui. Chúng tôi biết rằng, hồi kết của vụ án đã đến”- các điều tra viên cho biết.
Mở đầu buổi hỏi cung, Dương vẫn làm trò, đòi “giữ quyền im lặng và đòi luật sư vào mới trả lời”. Nhưng ngay sau đó, thêm một chứng cứ quan trọng nữa chứng tỏ Dương đã xuất hiện tại hiện trường vào ngày xảy ra vụ án được chuyển vào cho các điều tra viên. Lúc này, mặt Dương bắt đầu tái dần. Rồi anh ta rũ xuống như con gà bị cắt tiết và khai tuốt tuột.
Giải thích lý do gây án, Dương bảo: “Đời cháu coi như đã chết từ cách đây 4 tháng rồi” (đó là thời gian Dương bị Ánh Linh cự tuyệt tình yêu- PV). Dương kể rằng, anh ta yêu Linh một cách say đắm. Đến khi bị Linh cự tuyệt, Dương hận thù. Đặc biệt, mối hận thù ấy Dương dồn vào bà Nga, vì Dương biết chính bà Nga đã ngăn cấm tình yêu của Dương với Linh, vì chê Dương nghèo và muốn gả Linh cho con một đại gia khác.
Tuy nhiên, theo cơ quan điều tra, có thể đó là sự ngụy biện của Dương. Bởi ngay từ đầu, anh ta đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng các dụng cụ để gây ra việc giết người, cướp tài sản. Khi đột nhập vào nhà, chúng đều đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang bịt mặt để bị hại không nhận ra. Đối với bất cứ nạn nhân nào (ngoài Vỹ), chúng đều mang ra tra khảo về tiền, khi không lấy được, mới ra tay sát hại.
Trong đó, Tiến làm nhiệm vụ siết cổ nạn nhân, còn Dương trực tiếp đâm. Nạn nhân Ánh Linh bị sát hại cuối cùng, trước khi ra tay với người yêu cũ, Dương có nói một câu: “Anh buộc phải làm việc này, vì bị đối xử tệ”.
Theo Dương khai, có lẽ lúc này, Ánh Linh mới đoán được là anh ta, nhưng ngay sau đó cô đã bị gã tình cũ lạnh lùng ra tay.
PV(Tổng hợp)