Trước những bức xúc của dự luận về việc bản đồ vệ tinh của Google không hiển thị hình ảnh quốc kỳ Việt Nam ở đảo Trường Sa Lớn (Quần đảo Trường Sa, Việt Nam, báo Vietnamnet dẫn lời ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Cục PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT) cho biết, đơn vị đã làm việc với Google về vụ việc này.
Giải trình với Bộ TT&TT, đại diện Google cho biết: "Google không làm mờ hoặc thay đổi hình ảnh vệ tinh được cung cấp bởi các đối tác thứ 3. Vấn đề liên quan đến hình ảnh đang hiển thị là do chất lượng ảnh kém và chúng tôi đang tiến hành các bước cần thiết để thay thế bằng ảnh có chất lượng tốt hơn".
Theo ông Lê Quang Tự Do, trên cơ sở câu trả lời của Google, Cục PTTH&TTĐT đề nghị Google nhanh chóng khắc phục tình trạng này.
Cũng trong chiều 11/7, báo Người lao động thông tin, Ban huyên huấn Vùng 4 Hải quân đã kiểm tra thực tế bức tranh gốm hình Quốc kỳ Việt Nam tại đảo Trường Sa Lớn này và khẳng định vẫn hiện diện ở đó.
Trước đó, ngày 10/7, nhiều cư dân mạng tại Việt Nam khi truy cập vào tọa độ kể trên thông qua 2 ứng dụng xem bản đồ của Google là Maps và Earth đều ngỡ ngàng khi nhận ra lá cờ Việt Nam trên đảo Trường Sa Lớn đã bị làm mờ, thay vào đó chỉ là 1 khoảng trắng.
Động thái của Google khiến nhiều cư dân mạng Việt Nam phẫn nộ. Nhiều người dùng đã kêu gọi đánh giá "1 sao" với ứng dụng bản đồ Google Maps và Google Earth, như một cách để phản đối hành động làm mờ là cờ Việt Nam trên đảo Trường Sa Lớn của Google.
Theo báo Người lao động, quốc kỳ Việt Nam bằng gốm là ý tưởng của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, xuất phát từ mong muốn ai cũng có thể nhìn thấy cờ đỏ sao vàng dù từ máy bay hay vệ tinh.
Sau nhiều tháng ròng khảo sát, lên ý tưởng và được sự hỗ trợ của nhiều bên, lá cờ Tổ quốc đặc biệt rộng 310m2 đã hoàn thành vào năm 2012.
Lá cờ có kích thước 12,4m x 25m, được ghép từ 310.000 viên gốm mosaic nhỏ cỡ 3 x 3cm. Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy từng chia sẻ những mảnh gốm gắn cờ là gốm phủ men màu đỏ tươi, bảo đảm chịu được mưa nắng ngoài trời, độ mặn của muối biển và không bị phai màu.
Chất kết dính mà các họa sĩ sử dụng là xi măng chịu mặn của Bộ Quốc phòng, có độ kết dính và chống muối biển ăn mòn rất cao.
Khảo sát trên một ứng dụng bản đồ khác của Google là Google Earth Pro, người dùng có thể kiểm tra các hình ảnh vệ tinh được cập nhật theo từng thời điểm. Thông tin trả về từ Google Earth Pro cho thấy, ảnh chụp vệ tinh đảo Trường Sa Lớn của Việt Nam có chất lượng khác nhau tùy theo từng thời điểm, theo Vietnamnet.
Theo VTC, đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên Google hiển thị các thông tin sai trái về chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Vào năm 2015, Google Maps đã hiển thị tên gọi của quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thành Tam Sa, tên gọi mà chính quyền Bắc Kinh đặt cho quần đảo Hoàng Sa để giành quyền kiểm soát phi pháp.
Vào năm 2020, Google Maps lại một lần nữa hiển thị sai thông tin nghiêm trọng khi chú thích bãi biển Phú Lâm nằm ở thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) thành bãi biển thuộc Trung Quốc. Google sau đó đã phải lập tức sửa lại thông tin này sau khi bị người dùng tại Việt Nam phản ánh và gây sức ép.
Vân Anh(T/h)