Dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, sự đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái từ đầu nhiệm kỳ đến nay đạt nhiều kết quả quan trọng, thể hiện trên một số lĩnh vực, cụ thể: Giai đoạn 2021-2023, kinh tế tỉnh Yên Bái tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,11%; năm 2022 đạt 8,62%; năm 2023 đạt 6%; bình quân từ đầu nhiệm kỳ, tốc độ tăng GRDP đạt 7,28%/năm. Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững; tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp năm 2023 đạt 5,29%. Đến nay, toàn Tỉnh có 106/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 37 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 04/09 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến thăm và làm việc tại tỉnh Yên BáiXác định mục tiêu hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực, giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế. Với quan điểm, chủ trương đúng đắn, kinh tế tỉnh Yên Bái đã đạt mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong những năm qua đạt trên 6%/năm. GRDP bình quân đầu người từ 37,1 triệu đồng năm 2019 tăng lên 47,5 triệu đồng năm 2022 và 50,8 triệu đồng năm 2023. Hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và ngày càng rõ nét hơn. Đến nay, ngành công nghiệp và dịch vụ của tỉnh đã chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 70% cơ cấu kinh tế. Tỉnh đã hình thành các vùng nguyên liệu tập trung như: vùng quế 82.000 ha, vùng chè 8.000 ha, sơn tra 9.300 ha, măng tre Bát Độ 5.800 ha, gỗ rừng trồng nguyên liệu 90.000 ha... Triển khai các chương trình kích cầu nhằm giới thiệu, quảng bá các điểm du lịch hấp dẫn, sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng trong năm 2023 đã đón trên 2 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế.
Với môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện theo hướng công khai, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi. Chỉ số Năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Yên Bái năm 2023 đạt 65,99 điểm, xếp thứ 39/63 tỉnh, thành phố. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh có sự cải thiện theo thời gian; chi phí không chính thức đã giảm mạnh so với thời gian trước; gia nhập thị trường thuận lợi hơn; công tác hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động đã có những chuyển biến tích cực… Công tác cải cách hành chính (CCHC) của Tỉnh tiếp tục có sự tiến bộ, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền hợp lý, gắn với kiểm tra, giám sát, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Năm 2023, Chỉ số Cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX), xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố.
Lĩnh vực công nghiệp tiếp tục phát triển, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; hạ tầng khu, cụm công nghiệp được quan tâm đầu tư. Tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng năm 2023 đạt 6,46%. Lĩnh vực dịch vụ, thương mại có bước phát triển khá, năm 2023, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt 6%. Phát triển du lịch theo hướng “xanh, bản sắc, hấp dẫn”; xây dựng hình ảnh và thương hiệu “Yên Bái - Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc”, “điểm đến an toàn, thân thiện, đặc sắc, hấp dẫn, ấn tượng”.
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được đẩy mạnh, đến nay, toàn tỉnh có trên 3.230 doanh nghiệp, 730 hợp tác xã; thu hút đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế tiếp tục được quan tâm, toàn tỉnh hiện có trên 624 dự án được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 106 nghìn tỷ đồng và 181 triệu USD; đã có trên 292 dự án đi vào hoạt động, chiếm 47% tổng số dự án. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư, năm 2023 tổng vốn đầu tư phát triển đạt trên 20.000 tỷ đồng. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn hằng năm vượt so với dự toán Trung ương giao, năm 2023 đạt 4.102,5 tỷ đồng.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được chăm lo phát triển; công tác an sinh xã hội được bảo đảm; giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe Nhân dân tiếp tục được nâng lên; công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, môi trường, quốc phòng - an ninh được tăng cường. Phát triển văn hóa - xã hội được gắn với phát triển kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao.
Đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là lĩnh vực giao thông, khu, cụm công nghiệp, được quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Duy trì phong trào “Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp”, Chương trình “Cà phê doanh nhân”, thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác. Giai đoạn 2021-2023, thực hiện cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 152 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt gần 24.320 tỷ đồng. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2024, tỉnh Yên Bái cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án nhà máy điện sinh khối Yên Bái 1 tại Cụm Công nghiệp Bắc Văn Yên, với tổng vốn đầu tư 118 triệu USD, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh và thực hiện cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng Việt Nam về mức 0 vào năm 2050.