+Aa-
    Zalo

    Ý nghĩa thiêng liêng của hoa sen trong Phật giáo

    (ĐS&PL) - Thanh khiết, thiện lành, thanh cao, mạnh mẽ... hoa sen tượng trưng cho những giá trị văn hóa tốt đẹp của người Việt. Hoa sen cũng được xem là một trong tám biểu tượng của Phật giáo mang ý nghĩa thiêng liêng về sự giác ngộ và những giá trị đạo đức trong cuộc đời

    Hoa sen - Loài hoa gắn liền với văn hóa người Việt và Phật giáo

    Hoa sen là loài hoa phổ biến ở Việt Nam, xuất hiện trong hầu hết các sự kiện văn hóa, tín ngưỡng của người Việt. Không chỉ được sử dụng phổ biến trong các sự kiện như cưới hỏi, khai trương, sinh nhật, hoa sen còn là loài hoa để thờ cúng hay dâng lên Đức Phật với tất cả tấm lòng thành kính.

    dao1
    Hình ảnh hoa sen là một trong tám biểu tượng của Phật giáo. Ảnh Internet

    Trong văn hóa Việt Nam, hoa sen là biểu tượng của vẻ đẹp hồn nhiên và thuần khiết trong tâm hồn. Sắc hoa rực rỡ, hương thơm thoang thoảng vươn lên giữa đầm lầy cũng là biểu tượng của sự thanh cao và cốt cách tinh thần mạnh mẽ.

    Theo đạo Phật, hoa sen đại diện cho sức mạnh sự thiêng liêng, tôn kính dành cho Đức Phật. Theo truyền thuyết, khi đức Thích - ca đản sinh, có 7 bông hoa sen đỡ chân ngài. Chư Phật, Bồ tát cũng thường đứng trên đài sen, tay cầm hoa sen. Bởi vậy, người ta dễ dàng tìm thấy những hình ảnh quen thuộc trên thế giới với các pho tượng Phật tọa trên đài sen, hình hoa sen trong đền chùa hay những quyển kinh Hoa Sen Phép Mầu.

    Hoa sen phát triển từ bùn lầy, vươn lên mạnh mẽ đón ánh nắng mặt trời để tỏa hương thơm ngát được ví như cái âm thanh tịnh, không ô nhiễm bụi trần, sau quá trình tu tập, thanh tịnh hóa đã đạt được giác ngộ viên mãn.

    Ý nghĩa của hoa sen trong đạo Phật

    Trong đạo Phật, hoa sen thường đại diện cho 8 đặc tính của người tu Phật: Không nhiễm - Trừng thanh - Kiên nhẫn - Viên dung - Thanh lương - Hành trực - Ngẫu không - Bồng thực.

    Không nhiễm ứng với câu thơ "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn". Bùn ở đây là đại diện cho sự ô nhiễm còn hoa là sự thanh tịnh. Điều này có ý nghĩa các Chư phật bồ tát vẫn luôn sinh hoạt trong dòng đời nhưng không bị ảnh hưởng bởi những sự nhiễu nhương của cuộc đời.

    Trừng thanh nghĩa là trong suốt. Những bông hoa sen mọc ở đâu, chỗ nước đó sẽ trở nên trong suốt mang ý nghĩa ở đâu có Phật, ở đó sẽ có cuộc sống bình yên.

    dao2
    Hoa sen đại diện cho 8 đức tính của người tu Phật. Ảnh Internet

    Tính kiên nhẫn biểu hiện trong quá trình sinh trưởng của hoa sen từ củ sen nằm trong bùn đất, vượt qua những khó khăn mọc dần lên mặt nước rồi ra lá, nở hoa. Quá trình này rèn luyện tính kiên nhẫn - một trong những đức tính quan trọng của nhà Phật.

    Viên dung nghĩa là vô tư vì đại cuộc. Từ lúc nở đến lúc tàn, hoa sen không hề bị các loại ong bướm đến làm hư hạ. Điều này nói lên tính viên dung vô hại cần có của mỗi người.

    Thanh lương thể hiện cho tấm lòng từ bi của Phật pháp. hầu hết mọi loài hoa đều sinh trưởng vào mùa xuân nhưng hoa sen lại nở vào mùa hạ nóng gắt và khắc nghiệt. Điều này biểu tượng cho các chư vị Bồ tát ra đời trong bối cảnh phiền não, khó chịu nhưng lại là nguồn động viên, tưới mát những tâm hồn.

    Hành trực chỉ sự ngay thẳng như chính những bông sen vươn lên cao thẳng tắp. Dù sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, tâm ta cũng cần ngay thẳng, đó chính là ý nghĩa hoa sen trong Phật pháp.

    Ngẫu không là một đặc tính trên thân hoa sen gắn liền với "hỷ, xả". Hoa sen tuy thân ngay thẳng nhưng ruột rỗng thể hiện rằng dù có chuyện gì vẫn không để trong lòng, luôn tiến về phía trước với tâm thế tích cực.

    Bồng thực là một đặc điểm duy nhất chỉ có ở hoa sen chính là hoa và qua cùng xuất hiện. Điều này thể hiện triêt lý sống: Nhân quả báo ứng, gieo nhân nào gặp quả nấy nổi tiếng trong giáo lý đạo Phật.

    Một số hình ảnh hoa sen trong Phật Giáo được ứng dụng trong cuộc sống

    Ngày nay, hoa sen được thể hiện gắn liền với đạo Phật trong nhiều lĩnh vực và hoạt động như hoa sen dát vàng được làm bảo tọa của các tượng phật linh thiêng. Hoa sen đôi khi được chế tác làm pháp bảo của Bồ tát. Những tượng Phật ngồi trên đài sen ở chùa chiền cũng không phải là hình ảnh hiếm.

    dao3
    Hình ảnh hoa sen xuất hiện nhiều trong chùa, nơi thờ tự. Ảnh Internet

    Ngoài ra, các bức tranh hoa sen và Phật cũng được thể hiện với nhiều hình thức khác nhau, được người Việt bài trí trong phòng khách hay phòng thờ.

    dao4
    Hoa sen được khắc đá đẹp mắt làm bảo tọa cho tượng Phật. Ảnh Internet

    Màu sắc của hoa sen trong phật Pháp thường là màu trắng hoặc màu vàng nên các bức tranh thể hiện màu sắc này rất được ưa chuộng. Màu trắng thể hiện cho sự thiện lương, tinh khôi, màu vàng thể hiện cho phép màu với Phật pháp vô biên.

    dao5
    Tranh hoa sen mạ vàng được bài trí đẹp mắt trong phòng khách. Ảnh: Golden Gift

    Chính bởi vậy, vào các dịp lễ tết, kỷ niệm hay mua tranh để bài trí, những bức tranh hoa sen trắng hoặc hoa sen mạ vàng rất được ưa chuộng. Đây cũng là một nét đẹp văn hóa thể hiện sự thấu hiểu, yêu thích với loài hoa gắn liền với đạo Phật này.

    Chế Ngân

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/y-nghia-thieng-lieng-cua-hoa-sen-trong-phat-giao-a501749.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.