(ĐSPL) - Lãnh đạo TP Hà Nội cơ bản thống nhất việc đặt hai cửa ga tàu điện ngầm cạnh hồ Gươm. Tuy nhiên, một số nhà khoa học lại có quan điểm trái ngược, hồ Gươm là khu di tích quốc gia đặc biệt, không được xâm phạm, phải hạn chế xây dựng.
Theo thông tin trên VnExpress, lãnh đạo TP Hà Nội vừa cơ bản thống nhất về vị trí, phương án tổng mặt bằng của ga ngầm khu vực hồ Gươm (C9) thuộc Dự án đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Theo đó, cửa ga không bố trí mái che tại khu vực lối lên xuống số 3, 4 (phía sau đền Bà Kiệu và khu vực nhà vệ sinh hồ Hoàn Kiếm).
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc cửa ga đặt gần các di tích như Đền Ngọc Sơn, trung tâm hồ Gươm nhằm tăng tiện ích cho người tham quan. Tuy nhiên ông lo ngại là tuyến tàu điện ngầm chạy dọc bờ đông hồ Hoàn Kiếm có thể ảnh hưởng đến chế độ thủy văn của Hồ.
Khu vực hồ Gươm sẽ được đặt một ga ngầm của dự án đường sắt đô thị số 2. Ảnh: Ngọc Thành. |
Ông Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng di sản Quốc gia cũng bày tỏ chưa đồng tình với phương án đặt cửa ga tàu điện phía sau đền Bà Kiệu, bởi theo ông, đặt ở vị trí Tổng công ty Điện lực là hợp lý nhất vì có không gian rộng, không bị che khuất như phía sau Đền.
Trái với các quan điểm trên, PGS. TS Hà Đình Đức (ĐH Khoa học tự nhiên) cho rằng, hồ Gươm là khu di tích quốc gia đặc biệt, không được xâm phạm, phải hạn chế xây dựng. Nếu đặt ga tàu điện tại đây sẽ phá vỡ cảnh quan yên bình của hồ Gươm. "Nên đặt ga tàu điện cách bờ Hồ vài tuyến phố để giữ nguyên vẹn di tích, người dân từ nơi xa đến có thể đi bộ vào tham quan hồ Gươm", ông Đức nói.
Dự kiến khu vực lối lên xuống của ga ngầm C9 sẽ đặt phía sau đền Bà Kiệu. Ảnh: Báo Đại đoàn kết |
Liên quan đến vấn đề trên, báo Đại đoàn kết thông tin, việc bố trí hai lối lên xuống và biện pháp thi công ga tàu điện ngầm C9 dự kiến tại khu vực ven hồ chưa nhận được ý kiến đồng tình của các nhà khoa học.
Theo đó, vị trí các lối lên xuống theo phương án qui hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 hiện tại nằm trong phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn.
Đây là khu vực trọng yếu, gắn với truyền thuyết, lịch sử và văn hiến của Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, đây cũng là không gian có giá trị thẩm mỹ và cảnh quan, phục vụ nhu cầu sinh hoạt công cộng của nhân dân.
Để xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, Bộ VHTT&DL đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội xây dựng thêm các phương án bố trí nhà ga, lối lên, lối xuống của ga C9 và biện pháp giảm thiểu tác động tới các yếu tố chứa đựng giá trị của di tích.
Sau đó, tổ chức buổi làm việc xin ý kiến rộng rãi các nhà khoa học thuộc lĩnh vực lịch sử, mỹ thuật, khảo cổ, kiến trúc, qui hoạch đô thị,... nhằm thống nhất và tạo sự đồng thuận rộng rãi trước khi triển khai các bước tiếp theo.
Cũng chia sẻ trên VnExpress, ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội cho hay, phương án vị trí ga tàu điện hồ Gươm hiện chưa phải quyết định cuối cùng của Hà Nội. Lãnh đạo thành phố sẽ lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, xin ý kiến thẩm định của Bộ Văn hóa, sau đó mới có quyết định chính thức vì đây là di tích quốc gia đặc biệt.
Ngọc Linh (tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin
[mecloud]X3hZrW8wpR[/mecloud]