+Aa-
    Zalo

    Ý kiến khác nhau về chuyện cúng dường: Đâu là lời giải?

    (ĐS&PL) - Cuộc sống luôn vận động không ngừng, đi kèm với đó luôn có những vấn đề mâu thuẫn đặt ra với con người. Việc có những ý kiến khác nhau với cùng một vấn đề cũng là lẽ đương nhiên, điều quan trọng, chúng ta dùng hệ quy chiếu nào để nhìn nhận sao cho hợp tình hợp lý nhất.

    Sự việc chư tăng chùa Ba Vàng (TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) đi khất thực, một tay cầm bình bát, một tay “thu” tiền, hoa, đồ ăn của nhân dân, Phật tử thập phương đã gây xôn xao dư luận thời gian qua. Trước sự việc này, một số vị Hòa thượng, Thượng tọa ở vị trí chức sắc thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã bày tỏ quan điểm trước công luận. 

    cungduong

    Mới đây nhất, Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Thông tin truyền thông TƯ GHPGVN, Viện trưởng Phân viện nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội cho rằng, việc cúng dường ở mỗi nước sẽ khác nhau. Tuy nhiên, hình ảnh khất thực, cúng dường ở chùa Ba Vàng những ngày qua là chưa chuẩn. Hoà thượng Thích Gia Quang giải thích, trước kia, Đức Phật cũng đi khất thực nhưng khi khất thực sẽ không tiếp nhận tiền tài, hoa, chủ yếu gieo duyên cúng thức ăn, đồ dùng. Người đi khất thực cầm chiếc bát, khi nhận đủ thức ăn trong bát sẽ không lấy thêm nữa. 

    cungduong1
    Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Thông tin truyền thông TƯ GHPGVN

    Trước đó, Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Trưởng ban Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Phật giáo Quốc tế, GHPG Việt Nam TP.HCM, Phó Viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, Ủy viên Hội đồng trị sự GHPGVN trả lời báo chí rằng: “Đức Phật đã quy định rất rõ không tiếp nhận tiền tài, hoa khi khất thực, chủ yếu là gieo duyên cúng thức ăn. Những điều làm khác với hai quy định nêu trên là chưa phù hợp văn hóa được Đức Phật quy định cho người xuất gia”.

    Đáng chú ý, cũng bày tỏ quan điểm về sự việc trên, Hòa thượng Thích Tánh Nhiếp - Ủy viên thường trực HĐTS GHPGVN, Phó ban thường trực Ban Phật giáo Quốc tế, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Bình, Trụ trì chùa Đại Giác lại cho rằng: “Chư Tăng đi khất thực là truyền thống Phật giáo có từ ngàn xưa. Thời Đức Phật còn tại thế, Ngài và các đệ tử cũng đi khất thực, được sự dâng cúng của toàn thể nhân dân. Các Phật tử hàng ngày chuẩn bị thức ăn, thuốc men, y áo, phẩm vật cũng như tài sản, ruộng vườn, đất đai, tịnh xá,… cúng dường lên Đức Phật. Khi Đức Phật và chư Tăng thọ nhận phẩm vật cúng dường đó, nhân dân được thọ hưởng phước báo lớn”.

    cungduong2
    Hòa thượng Thích Tánh Nhiếp: Chư Tăng đi khất thực và nhận cúng dường là hoàn toàn hợp pháp

    Bàn về vấn đề cúng dường, Hòa thượng tiếp tục chia sẻ: “Phật tử cúng dường cho chư Tăng là hoàn toàn tự nguyện, không bị ai ép buộc. Chư Tăng thọ nhận sự cúng dường đó là hoàn toàn hợp pháp. Theo Bộ luật Dân sự, việc cho biếu, tặng phẩm vật, tài sản không vi phạm luật pháp. Vì vậy, chư Tăng thọ nhận phẩm vật cúng dường của Phật tử để nuôi dưỡng Tăng đoàn, xây dựng chùa chiền làm nơi tu học, làm công tác từ thiện xã hội là hoàn toàn hợp pháp, không có gì sai trái”.

    Ở góc nhìn khác, một chuyên gia nghiên cứu tôn giáo đang giảng dạy tại TP.HCM cũng bày tỏ quan điểm trên báo chí rằng, ngày trước, người ta thường cúng dường y phục, thuốc men, giường nằm… nhưng ngày nay, tiền là phương tiện, nhiều việc sinh hoạt cần đến tiền nên Phật tử cúng dường tiền để phát tâm xây dựng chùa chiền, nuôi tăng chúng, làm việc từ thiện. Phật giáo gọi đây là tịnh tài. Tịnh tài nghĩa là người cúng dường và người nhận đều mang tâm thanh tịnh. Người nhận hoan hỷ, hồi hướng phước báu cho người cúng, sử dụng tịnh tài lo việc tam bảo, lợi ích của xã hội.

    Ngược trở lại với dòng chảy lịch sử, một câu chuyện phổ biến trong Phật giáo được ghi nhận đó là chàng trai Thiện Huệ - tiền thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trong kiếp xưa đã kết duyên cùng nàng thôn nữ - tiền thân của công chúa Da Du Đà La, dâng hoa sen và trải thân qua vũng bùn lầy cúng dường cho Đức Phật Nhiên Đăng và được Ngài thọ ký sau này sẽ thành tựu quả vị Phật. 

    cungduong3

    Thiện Huệ lấy thân mình lót đường bùn lầy để cúng dường Đức Phật

    Một câu chuyện khác được trích dẫn trong kinh Tạp Bảo Tạng: Trong thời sau này của Đức Phật Tỳ-bà-thi, có một vị chư Tăng ôm bình bát để ở tòa cao lớn tại một ngã tư đường và nói rằng: “Có người thế gian nào có thể đối với trong kho tàng bền chắc, đem tiền tài bỏ vào kho tàng này thì nước không thể trôi, lửa không thể cháy, vua không thể lấy, giặc không thể cướp”. Khi đó, có một vị tiều phu nghèo bán củi được 3 đồng đã hoan hỷ mang tiền đó bỏ vào trong bình bát của vị chư Tăng và thành tâm phát nguyện. Đến thời Đức Phật Thích Ca, vị tiều phu đó chính là vua Ác Sinh, nhờ đời xưa cúng dường 3 đồng tiền mà đời đời được làm vua giàu sang, hưởng hạnh phúc.

    Cuộc sống luôn vận động không ngừng, kèm theo đó sẽ khó tránh khỏi vấn đề mâu thuẫn đặt ra với con người. Việc có ý kiến khác nhau với cùng một vấn đề cũng là lẽ đương nhiên. Nhưng theo quy luật, ý kiến đó cần tôn trọng thực tế khách quan, trình bày quan điểm có cơ sở lý luận hoặc cơ sở thực tế cũng như dẫn chứng minh họa. Để cho rõ ràng, đôi khi việc qui ước những tiêu chuẩn để đánh giá thế nào là đúng, sai cũng là cần thiết. Nói cách khác, cần có chung hệ quy chiếu.

    Câu chuyện “cúng dường” tại chùa Ba Vàng có lẽ cũng như vậy. Đến thời điểm hiện tại có thể thấy, ngay trong giới Phật học cũng đang có những quan điểm chưa đồng nhất. Nên chăng, Trung ương GHPGVN cần đưa ra một hệ quy chiếu thống nhất. Và hệ quy chiếu đó cần được nhìn nhận một cách chính xác, khách quan trên cơ sở pháp luật và pháp Phật để vừa tuân thủ quy định của pháp luật vừa đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng - tôn giáo được Nhà nước công nhận và bảo hộ.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/y-kien-khac-nhau-ve-chuyen-cung-duong-dau-la-loi-giai-a549067.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.