+Aa-
    Zalo

    Y án chung thân cho kẻ truy sát hàng loạt người thân

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tức giận vì người tình theo nghề bán dâm, Hiệp đã dùng dao đâm chết "vợ hờ" sau đó tiếp tục tấn công 3 người khác bị thương.

    Tức giận vì người tình theo nghề bán dâm, Hiệp đã dùng dao đâm chết "vợ hờ" sau đó tiếp tục tấn công 3 người khác bị thương.

    Báo Tiền Phong đưa tin, ngày 6/6, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên y án sơ thẩm đối với Nguyễn Văn Hiệp (33 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước) về các tội “Giết người”, “Cố ý gây thương tích”, “Phá hoại tài sản” và “Trộm cắp tài sản”.

    4 nạn nhân gồm: chị Võ Thị Hồng Thủy (quê Tây Ninh), ông Nguyễn Văn Hà (cha dượng Hiệp, 61 tuổi) và Nguyễn Văn Được (em cùng mẹ khác cha, 26 tuổi), Hoàng Đình Nam (hàng xóm của Hiệp) cùng ngụ xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước.

    Nguyễn Văn Hiệp tại tòa phúc thẩm ngày 6/6. Ảnh: báo Tiền Phong.

    Báo Tri thức trực tuyến dẫn nguồn tin từ bản án sơ thẩm, đầu năm 2013, trong một lần mua dâm, Hiệp quen biết và có tình cảm với Thủy. Đến tháng 5/2013, cả hai dọn về ở chung và thuê mặt bằng tại huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, để bán cà phê.

    Khi việc kinh doanh không thuận lợi, Thủy trở về con đường bán dâm. Dù Hiệp đã nhiều lần can ngăn, nhưng cô gái không nghe.

    Tối 15/8/2013, Hiệp đi nhậu cùng nhóm bạn. Sau đó, anh ta mua 2 con dao. Đến 1h sáng hôm sau, Hiệp trèo qua lỗ thông gió để đi vào nhà của Thủy. Thấy chị Thủy đang ngủ say, y liền cầm 2 con dao đâm liên tiếp khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

    Sau khi giết Thủy, Hiệp cướp xe của người tình rồi chạy đến nhà cha dượng. Vừa đến nơi, Hiệp liền đâm nhiều nhát vào em cùng mẹ khác cha của mình là Nguyễn Văn Được, khiến nạn nhân trọng thương.

    Thấy con bị đâm, ông Hà vùng dậy định can ngăn nhưng không kịp. Kẻ sát nhân chạy xuống nhà bếp lấy búa tấn công ông Hà.

    Gây án xong, nhớ lại mâu thuẫn với hàng xóm trước đó, hung thủ tiếp tục chạy bộ đến nhà anh Hoàng Đình Nam dùng búa khiến anh Nam gục tại chỗ.

    Sau đó, y chạy xe máy đến trụ sở Công an xã Minh Hưng, huyện Hớn Quản để “tính sổ” với những người đã bắt giữ xe của anh ta trước đó. Hiệp đã dùng búa đập phá cửa trụ sở và xe máy của công an xã.

    Báo Công an nhân dân thông tin thêm, theo giám định thương tích, ông Hà, anh Được và Nam đều bị thương từ 4 đến 28%.

    Với hành vi trên, Hiệp từng bị TAND tỉnh Bình Dương tuyên án tử hình. Sau đó, bản án đã bị TAND tối cao (nay là tòa cấp cao) hủy án để điều tra lại vì bị cáo có dấu hiệu bị bệnh tâm thần khi gây án.

    Quá trình điều tra lại, theo kết quả giám định tâm thần, Hiệp bị bệnh rối loạn nhân cách chống xã hội. Trong thời gian tạm giam để điều tra, Hiệp tấn công một bạn tù giam cùng phòng, gây thương tích 30%.

    Điều 93. Tội giết người (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009):

    1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

    a) Giết nhiều người;

    b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

    c) Giết trẻ em;

    d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

    đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

    e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;

    g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

    h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

    i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

    k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

    l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

    m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

    n) Có tính chất côn đồ;

    o) Có tổ chức;

    p) Tái phạm nguy hiểm;

    q) Vì động cơ đê hèn.

    2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

    3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

    Điều 104. Tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009):

    1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

    A) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

    B) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

    C) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

    D) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

    Đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

    E) Có tổ chức;

    G) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

    H) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

    I) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

    K) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

    2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

    3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

    4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân

    Điều 138. Tội trộm cắp tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009):

    1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

    a) Có tổ chức;

    b) Có tính chất chuyên nghiệp;

    c) Tái phạm nguy hiểm;

    d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

    đ) Hành hung để tẩu thoát;

    e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

    g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

    3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

    a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

    b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

    4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

    a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

    b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

    5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.

    Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

    (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/y-an-chung-than-cho-ke-truy-sat-hang-loat-nguoi-than-a192488.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan