+Aa-
    Zalo

    Xưởng tái chế bao bì mọc lên, chính quyền không hề hay biết?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Một cơ sở tái chế bao bì mọc lên từ lâu ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Tuy nhiên, công trình đi vào hoạt động, người dân địa phương phản ánh thì chính quyền mới hay biết.

    (ĐSPL) - Trên địa bàn xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) bỗng nhiên mọc lên một xưởng tái chế bao bì ngay dòng sông Mai Giang. Tuy nhiên, công trình đi vào hoạt động, người dân địa phương phản ánh thì chính quyền mới hay biết.

    Thời gian gần đây, người dân trên địa bàn các xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Minh..., đặc biệt là xã Quỳnh Yên rất bức xúc trước việc xuất hiện một xưởng tái chế bao bì mọc ngay sát dòng sông Mai Giang, thuộc xóm 16 xã Quỳnh Yên khiến môi trường bị ô nhiễm.

    Trước những phản ánh của người dân, vào đầu tháng 6/2015, đoàn liên ngành huyện Quỳnh Lưu và UBND xã Quỳnh Yên, đã tiến hành kiểm tra và yêu cầu đình chỉ hoạt động cơ sở để hoàn tất các thủ tục pháp lý, cũng như đánh giá tác động môi trường.

    Tuy nhiên, bẵng đi một thời gian thì mới đây, ngày 3/10, xưởng tái chế bao bì lại đưa máy móc về lắp đặt và vận hành hoạt động. Ngay sau đó, nhiều người dân tỏ ra rất bất ngờ và bức xúc đồng thời gửi đơn phản ánh lên các cơ quan chức năng.

    Xưởng tái chế bao bì mọc lên gây ô nhiễm môi trường.

    Theo phản ánh của người dân, hiện tại trên sông Mai Giang, địa giới phía Đông Bắc xã Quỳnh Yên việc nhà máy xay cá bột và công ty bao bì xả thải, rửa bao bì bẩn trên sông đang khiến môi trường nơi đây bị ô nhiễm nghiêm trọng.

    "Chúng tôi có hàng trăm hộ dân đều dùng nước sông Mai Giang để nuôi tôm nhưng từ năm 2014 đến nay, do nguồn nước bị 2 đơn vị trên làm ô nhiễm dẫn đến nuôi tôm bị bệnh liên tục, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn phải hứng chịu mùi hôi nồng nặc từ các nhà máy và xưởng nói trên…", một người dân xã Quỳnh Yên bức xúc cho biết.

    Để tìm hiểu thực hư vấn đề, PV báo Đời sống và Pháp luật đã về xã Quỳnh Yên để “mục sở thị”. Tại đây, chúng tôi ghi nhận, trên trục đường liên xã nối liền từ QL1A với vùng bãi Ngang của huyện Quỳnh Lưu, không khó để nhận ra xưởng tập kết, tái chế bao bì ngay dưới chân cầu Quỳnh Yên – Quỳnh Minh. Cơ sở này nằm ngay cạnh sông Mai Giang, phía hạ nguồn là hàng trăm hộ nuôi tôm.


    Bãi rác phế thải mọc lên không được che đậy cẩn thận.

    Quan sát bằng mắt thường, phía ngoài kho xưởng rộng hơn 200m2 là những “núi rác” án ngữ xung quanh. Điều đáng nói, những bãi tập kết bao bì này lại được che đậy một cách sơ sài, ruồi nhặng, mùi xú uế bốc lên hôi nồng nặc. Tuy vậy, xung quanh kho xưởng lại không được kè chắn bờ bao. Ngày mưa lũ, dòng nước bẩn thẩm thấu, rò rỉ chảy xuống dòng sông Mai Giang.

    Phía bên trong kho xưởng là hàng chục tấn bao bì, túi ni lông các loại với đủ màu xanh, đỏ chưa được tái chế.

    Hàng chục tấn bao bì chưa được tái chế.

    Bà Hoàng Thị M. (SN 1952), trú tại xóm 16, xã Quỳnh Minh bức xúc cho biết: “Kể từ ngày xưởng này mọc lên, môi trường sống của người dân chúng tôi bị đảo lộn. Bây giờ nguồn nước từ sông Mai Giang để dẫn vào các ao đầm nuôi tôm lại phải đứng trước nguy cơ không sử dụng được vì nhiễm bẩn. Nếu cứ để tình trạng này tồn tại thì hàng nghìn ao nuôi tôm ở đây phải để hoang hóa, người dân ở đây không biết làm nghề gì mà sống nữa”.

    Cùng chung quan điểm, anh Lê Thanh N. (SN 1971), trú tại xã Quỳnh Bảng có đầm nuôi tôm gần xưởng tái chế bao bì cho hay: “Trước đây đã có nhà máy chế biến hải sản, nay lại mọc lên một cơ sở tái chế bao bì thì môi trường ở đây lại bị ô nhiễm nặng nề. Chúng tôi khẩn thiết yêu cầu các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, tránh để nguồn nước sông Mai Giang bị ô nhiễm thêm nữa”.

    Chia sẻ về việc này, ông Nguyễn Kim Thường, trú tại xóm 5, xã Quỳnh Yên, chủ cơ sở tái chế bao bì cho hay: “Vào cuối năm 2014, chúng tôi đã thuê lại mặt bằng của một người khác để kinh doanh. Theo đó khi triển khai xưởng tái chế bao bì đã gặp phải sự phán ánh của nhân dân nên chúng tôi đang tạm đình chỉ hoạt động. Sự việc ngày 3/10 là chúng tôi chỉ đang mới vận hành thử máy móc chứ chưa đi vào hoạt động thực sự. Hiện chúng tôi đang làm các thủ tục theo quy định để có thể hoạt động nhà máy”.

    Ông Thường, chủ cơ sở tái chế bao bì chia sẻ với báo chí.

    "Chúng tôi đầu tư gần 3 tỷ đồng vào xây dựng nhà máy, đến nay lại gặp sự cố này thực sự rất vất vả. Nếu mà biết tình hình thế này thì chúng tôi đã không đầu tư vào lĩnh vực này rồi", ông Thường buồn rầu chia sẻ.

    Để khách quan vấn đề, chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông Hồ Đức Luyện, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Yên, ông Luyện cho biết: “Trước hôm 3/10, ông Thường có cơ sở chế biến bột cá Minh Thường, nay đang thuê lại đất của người khác để xây dựng xưởng tập kết, tái chế bao bì đã bị UBND huyện Quỳnh Lưu tiến hành đình chỉ các hoạt động liên quan từ tháng 6/2015. Đến thời điểm hiện nay, việc tập kết, tái chế bao bì tại khu vực xóm 11, ngay cạnh sông Mai Giang, khu vực phía Đông Bắc của xã Quỳnh Yên vẫn chưa có giấy phép hoạt động cũng như các thủ tục liên quan. Ngày 3/10 vừa qua, khi cơ sở này vận hành máy móc, huyện Quỳnh Lưu đã yêu cầu dừng và tạm đình chỉ hoạt động cơ sở này”.


    Máy móc đã được đầu tư nhưng cơ sở tái chế bao bì buộc phải dừng hoạt động.

    Trước việc một xưởng tái chế bao bì sừng sững mọc lên không có giấy phép cũng không đúng quy hoạch trong một thời gian dài nhưng chính quyền địa phương không hề hay biết, chỉ đến khi nhà máy đầu tư gần 3 tỷ đồng đi vào hoạt động thì chính quyền địa phương mới vào cuộc đã gây ra nhiều trở ngại cho doanh nghiệp. Về vấn đề này, ông Hồ Đức Luyện cho rằng: "Do xã “lầm tưởng” đơn vị này đang xây dựng cơ sở chế biến hàng đông lạnh thủy sản theo quy hoạch được phê duyệt ban đầu" (?!)

    “Với việc tập kết, tái chế bao bì gây ô nhiễm môi trường, đoàn kiểm tra huyện Quỳnh Lưu đã tiến hành kiểm tra đơn vị này, đồng thời dừng mọi hoạt động liên quan. Thực tế công ty hoạt động không theo quy định pháp luật và hoạt động trái phép.

    Tuy nhiên, quan điểm của chính quyền địa phương là ủng hộ tất cả các doanh nghiệp, ít ra họ cũng tạo điều kiện phát triển kinh tế địa phương cũng như tạo công ăn việc làm cho người dân. Tất nhiên cũng phải tuân theo quy định pháp luật.",  ông Hồ Đức Luyện cho biết thêm.  

    NGỌC TUẤN

    [mecloud]eAQuXiHUa9[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xuong-tai-che-bao-bi-moc-len-chinh-quyen-khong-he-hay-biet-a115066.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.