Nhiều ngày nay mạng xã hội đang tranh luận dữ dội trước sự việc ca sỹ Thủy Tiên bị một nữ doanh nhân tố không minh bạch trong hoạt động từ thiện. Theo đó, có thông tin cho rằng số tiền từ thiện thực chất gửi vào tài khoản của Thủy Tiên lên tới 320 tỷ đồng, chênh lệch rất nhiều so với con số 178 tỷ đồng mà cô công khai trước đó. Ngoài ra, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng trong tình cảnh tương tự khi bị người dùng mạng xã hội liên tục yêu cầu sao kê tài khoản nhận tiền từ thiện.
Những ồn ào trên khiến nhiều người nổ ra tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội. Đồng thời, dư luận cũng đang mong chờ nữ ca sỹ sẽ sao kê chi tiết toàn bộ số tiền sau khi TP.HCM kết thúc giãn cách xã hội như lời của Công Vinh - Thủy Tiên tuyên bố.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV ĐS&PL, luật sư Phạm Hồng Kiên – Giám đốc Công ty Luật Cán Cân Việt cho biết, từ thiện là việc làm có tâm có đức, cần được lan tỏa trong cộng đồng. Rõ ràng, khi nghệ sĩ Việt làm từ thiện tức là đang làm 1 việc tốt, giàu ý nghĩa nhân văn. Tuy nhiên, công chúng thời gian qua phản ứng là không phải vô lý. Bởi họ có quyền hoài nghi về tính minh bạch trong công tác từ thiện của nghệ sĩ. Nhất là khi số tiền người dân ủng hộ không phải nhỏ.
Mặc dù, đến thời điểm hiện tại, những thông tin đồn đoán trên mạng xã hội chưa được xác thực, chưa có kết luận của cơ quan chức năng nhưng đã tạo ra sự tranh luận dữ dội trong dư luận. Nếu kéo dài những vấn đề này, người dân không còn tin vào công việc từ thiện và sự tử tế trong xã hội.
“Muốn làm rõ đúng sai những thông tin trên mạng xã hội, thì chỉ có cơ quan điều tra vào cuộc mới điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ mới có thể sáng tỏ. Về phía Thủy Tiên, nếu đã có lòng từ thiện thật tâm thì nên công khai tất cả các thông tin sao kê tài khoản từ thiện cũng như các khoản chi phí một cách chi tiết, có văn bản, có tính hệ thống, giải trình đầy đủ những câu hỏi thắc mắc của dư luận cho những người đã đóng góp tiền cho nữ ca sỹ từ thiện.
Đồng thời, nên đưa sự việc ra pháp luật đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc xác minh làm rõ và có kết luận đúng sai. Nếu thực sự hoàn toàn trong sạch, chỉ có cách làm như vậy mới củng cố thêm lòng tin từ người dân, nâng cao được uy tín và xử lý những người đã vu khống mình”, luật sư Kiên nhận định.
Cũng theo luật sư Kiên, theo quy định của pháp luật, nếu một trong hai bên có đơn tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu hình sự như: vu khống, xâm phạm bí mật đời tư cá nhân hoặc tố cáo về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh tin báo và có kết luận là sự việc có dấu hiệu cấu thành tội phạm hay không để xử lý.
Trường hợp hai bên đều không có đơn tố cáo nhưng vụ việc được đưa lên báo chí, dư luận, mạng xã hội gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, cơ quan điều tra cũng có thể sẽ vào cuộc xác minh.
“Quá trình điều tra, nếu cơ quan chức năng phát hiện nghệ sĩ đã có hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền từ thiện của các nhà hảo tâm thì sẽ bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4, Điều 174 hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo khoản 4, Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 và mức hình phạt sẽ rất nghiêm khắc. Chính vì vậy, muốn làm rõ được việc Thủy Tiên bị tố ăn chặn tiền từ thiện là đúng hay sai thì cần phải có sự vào cuộc của cơ quan điều tra.”, luật sư Kiên nhấn mạnh.
Khánh Ngân