Với tình trạng các kho dự trữ cho quân đội Ukraine đang giảm đi nhanh chóng, các nước đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nhiều lần cung cấp viện trợ liên tục cho Kiev trong cuộc chiến chống lại Moscow.
Hồi giữa tháng 2, một quan chức giấu tên của NATO tiết lộ với Reuters rằng các kho dự trữ vũ khí hiện tại không đáp ứng được tốc độ sản xuất hiện tại. Trong khi đó, một nhà ngoại giao châu Âu nói rằng nếu cả khu vực này tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine, "một số quốc gia sẽ hết đạn dược trong vài ngày tới".
Người đứng đầu chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell chia sẻ hồi tháng 2 tại Brussels (Bỉ), các thành viên trong khối cần phải nhanh chóng sản xuất và cung cấp đạn dược, đó được cho là "vấn đề cấp bách nhất". "Nếu chúng ta thất bại trong vấn đề đó, hậu quả của cuộc chiến sẽ rất nguy hiểm", ông Josep nói.
Chia sẻ với tờ Ukrinform, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết quốc gia này đã thiết lập một đường dây kỹ thuật và quân sự với NATO để đảm bảo hỗ trợ trong tương lai gần. Tuy nhiên, ông cũng đặt nghi vấn về việc liệu đường dây có đủ cho một chặng đường dài hay không.
"Trong một cuộc xung đột, chúng ra sẽ luôn thiếu một thứ gì đó. Nhưng không thể nói rằng tình hình đang rất nguy cấp và chúng ta sẽ không có đủ đạn được để đẩy lùi cuộc tấn công của Nga. Chúng tôi sẵn sàng đẩy lùi cuộc tấn công nhưng sẽ tốt hơn nếu chúng tôi có nhiều đạn dược", ông Oleksii cho hay.
Tờ Financial Times đưa tin, quân đội Ukraine đang bắn hơn 5.000 quả đạn pháo mỗi ngày, trong khi số lượng đạn pháo của Nga nhiều hơn gấp 4 lần.
Gói viện trợ an ninh gần đây nhất của Mỹ cho Ukraine bao gồm 232 khẩu lựu pháo và hơn 2 triệu viên đạn pháo, cũng như 38 HIMARS (Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao) với các viên đạn 155 mm bổ sung.
Bích Thảo(Theo Newsweek)