+Aa-
    Zalo

    Xung đột Nga - Ukraine khiến giá đạn dược ở châu Âu tăng gấp 10 lần

    (ĐS&PL) - Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Thụy Điển cho biết giá đạn dược ở châu Âu đã tăng gấp 10 lần so với trước khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra.

    Trong bài phát biểu mới nhất với đài truyền hình quốc gia Sveriges Radio, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Thụy Điển Michael Claesson cho biết, cuộc xung đột Nga – Ukraine đã khiến nhu cầu về đạn dược tăng đột biến trong một khoảng thời gian “rất ngắn”, kéo theo hệ quả là giá mặt hàng này tăng lên gấp 10 lần so với trước đó.

    “Tôi sẽ không đưa ra con số chính xác, nhưng chúng tôi đang nói về mức tăng từ 5 đến 10 lần so với thời điểm trước khi cuộc xung đột bắt đầu”, ông Claesson nói đồng thời lưu ý rằng điều này không chỉ ảnh hưởng đến đạn dược mà còn cả các trang thiết bị quân sự khác.

    xung dot nga ukraine khien gia dan duoc o chau au tang gap 10 lan
    Xung đột Nga - Ukraine khiến giá đạn dược ở châu Âu tăng gấp 10 lần. Ảnh: Getty Images

    Theo đó, đạn pháo cho pháo tự hành Archer 155mm do Thụy Điển thiết kế hiện đắt gấp 8 lần so với năm 2021. Ông Claesson giải thích, điều này diễn ra không chỉ do xung đột Nga - Ukraine mà còn do chiến dịch tái vũ trang đáng kể đang diễn ra ở cả Thụy Điển và các nước châu Âu khác. “Tất cả tạo ra nhu cầu và sự cạnh tranh rất lớn, về cơ bản giống như thể mọi người đang xếp hàng vậy”, ông cho hay.

    Bình luận về việc mua sắm vũ khí vào cuối tháng 12/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson thừa nhận rằng đất nước của ông đang rơi vào “tình thế khó khăn” vì không chỉ hỗ trợ Ukraine mà còn phải lo liệu an ninh của chính mình. Tính đến tháng 12, Stockholm đã cung cấp cho Kiev 2,2 tỷ USD viện trợ quân sự.

    Trong khi đó, cuộc xung đột Nga – Ukraine đã kéo dài gần 2 năm và đang dần trở thành một cuộc chiến tiêu hao. Phát biểu trực tuyến tại một hội nghị quốc phòng tổ chức ở Thụy Điển cuối tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi các đối tác châu Âu “tạo ra một kho vũ khí để bảo vệ tự do” bằng cách đẩy mạnh sản xuất vũ khí chung.

    Lực lượng Ukraine được nhận định là đã phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp đạn dược từ các đồng minh phương Tây. Tuy nhiên, đến tháng 10/2023, các nước này bắt đầu thừa nhận rằng các kho dự trữ đã cạn kiệt. Đầu tiên là Anh, sau đó là Pháp ngừng gửi viện trợ từ kho dự trữ cho Ukraine. Liên minh châu Âu (EU) mới chỉ có thể cung cấp cho Ukraine khoảng 300.000 quả đạn pháo 155mm trong khi cam kết của họ là 1 triệu quả đạn pháo.

    Tháng 10/2023, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov từng tuyên bố rằng “tiềm năng sản xuất đạn dược của tập thể phương Tây là có hạn”, đồng thời cho biết họ sẽ phải mất nhiều thời gian để huy động các nguồn lực của mình – một nỗ lực mà ông cho rằng có thể gây ra “một số điểm xung đột nhất định”.

    Để giải quyết tình trạng thiếu hụt đạn pháo, Ukraine đặt mục tiêu tăng cường sản xuất trong nước. Trung tướng Ivan Havryliuk - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine tháng trước từng đề cập đến kế hoạch sản xuất đạn pháo 155 mm với “số lượng có thể bù đắp phần lớn khoảng cách giữa nhu cầu và lượng hỗ trợ do các đối tác cung cấp”. Song, tỷ lệ sản xuất và chi tiết cụ thể không được tiết lộ vì lý do an ninh.

    Phương Uyên (Theo RT)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xung-dot-nga-ukraine-khien-gia-dan-duoc-o-chau-au-tang-gap-10-lan-a606836.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan