Để động viên, khuyến khích các em học sinh vươn lên trong học tập, giáo viên trường tiểu học Châu Phong 1 đã chung tay quyên góp những đồng lương ít ỏi để nấu bữa trưa, giúp các học sinh không phải vượt hàng km trở về nhà.
Bữa trưa đầy đủ chất dinh dưỡng được nhà trường tổ chức 3 năm nay. |
Ấm lòng bữa ăn tình nghĩa
Tiểu học Châu Phong 1, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An là một trong những trường đóng trên địa bàn xa xôi, khó khăn bậc nhất của xứ Nghệ. Hiện toàn trường có 403 học sinh của 5 khối lớp. Điều đặc biệt, 100% là con em dân tộc người Thái, trong đó có nhiều học sinh thuộc diện hộ nghèo, đặc biệt khó khăn của xã. Cô Trịnh Thị Hà, Chủ tịch công đoàn trường tiểu học Châu Phong 1 cho biết: “Do đặc thù vùng núi nên việc đến trường của các học sinh gặp rất nhiều khó khăn. Có nhiều học sinh ở những bản xa trung tâm xã như bản Bua, bản Chiềng, bản Khe Chan, bản Tóng 1... Sau khi các em học buổi sáng thì lại phải đi bộ hàng cây số để về nhà, chiều lại trở lại trường nên rất vất vả”.
Những năm trước đây tỉ lệ học sinh bỏ học lớn, số học sinh đến trường cũng không đều, bữa đi bữa nghỉ, có em chỉ học buổi sáng còn buổi chiều về phụ giúp gia đình. Có em bữa trưa ở lại để học buổi chiều chỉ kiếm mấy củ sắn nướng ăn qua bữa, em nào sang lắm thì được gói cơm trộn muối vừng hoặc măng rừng, quần áo mặc thì không đủ che ấm.
Thấu hiểu hoàn cảnh của học trò, ban Giám hiệu, Công đoàn trường Tiểu học Châu Phong 1 đã phát động chương trình “bữa cơm tình thương” cho học trò nghèo. Theo kế hoạch, vào các thứ 2, thứ 3, thứ 5 và thứ 6 hàng tuần, sau giờ lên lớp buổi sáng, các thầy cô giáo xếp cặp sách và bắt đầu công việc chuẩn bị bữa ăn trưa cho hơn 30 học sinh các khối có hoàn cảnh khó khăn. “Hàng tháng cán bộ quản lý của trường người đóng 100.000 đồng, còn giáo viên và nhân viên mỗi người đóng góp 50.000 đồng để lấy tiền mua thực phẩm nấu bữa trưa cho học trò nghèo. Mặc dù các thầy cô cũng còn rất khó khăn, cũng phải lo cho cuộc sống gia đình mình nữa, nhưng thấy việc làm ý nghĩa nên ai cũng vui vẻ tham gia”, cô Hà nói.
Ngoài ra, để tăng thêm thức ăn cho các em, các thầy cô trong trường đã dọn một mảnh vườn nhỏ và trồng thêm rau củ quả theo các mùa. Với sự chăm sóc cẩn thận của thầy cô và các em trong trường, tất cả bữa ăn hàng ngày luôn có thêm rau sạch, đủ chất dinh dưỡng. Được biết, do tính chất công việc nên việc đi chợ, nấu cơm cho hơn 30 em học sinh hiện đang do cô Lữ Thị Hồng Lan, nhân viên y tế trường đảm nhiệm chính. Tranh thủ giờ ra chơi, các thầy cô khác tranh thủ nhặt rau, chế biến thức ăn. Sau khi các em ăn trưa xong, sẽ về ngủ trưa ở các phòng trong nhà công vụ của trường. Nhà trường phân công 4 thầy cô/ngày, phụ trách quản lý, đảm bảo an toàn cho các em khi ngủ trưa.
Nói về khó khăn khi thực hiện chương trình, cô Hà cho biết, thời gian đầu, nhà trường không đủ các trang thiết bị như dụng cụ nấu nướng, khay ăn, chỗ ngủ trưa cho các học trò... Để khắc phục, mỗi thầy cô lại trích đồng lương ít ỏi của mình để mua sắm những đồ dùng thiết yếu nói trên. “May sao, khi biết trường phát động chương trình này, chi bộ phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Qùy Châu đã đến tặng cho trường bộ bếp ga, một doanh nghiệp hỗ trợ 30 chăn ấm giúp các thầy cô triển khai bữa cơm tình thương cho học trò nghèo đỡ vất vả”, Chủ tịch công đoàn trường tiểu học Châu Phong 1 cho biết thêm.
Các thầy cô chăm vườn rau để các học sinh cải thiện bữa ăn. |
Mỗi người mỗi tay, góp công góp sức
Không chỉ nấu bữa cơm tình thương buổi trưa, tập thể giáo viên trường tiểu học Châu Phong 1 còn tổ chức sinh nhật cho các học trò nghèo ở xa. Mỗi quý một lần, những em học sinh có sinh nhật trong thời gian này sẽ được thổi nến, cắt bánh sinh nhật và nhận những món quà nhỏ ngay tại lớp học. Số tiền tổ chức sinh nhật cho học trò cũng do thầy cô và phụ huynh đóng góp.
Cô giáo Trần Bích Thảo, một giáo viên trẻ của trường tiểu học Châu Phong 1 chia sẻ: “Từ khi về nhận công tác ở trường này biết được chương trình bữa cơm tình thương do công đoàn trường phát động, em rất hào hứng tham gia vì đã góp được phần nhỏ để động viên, khích lệ các em học sinh nghèo cố gắng vượt khó vươn lên trong học tập”.
Vượt qua nhiều khó khăn, hiện nay chương trình “bữa cơm tình thương” của trường đã bước sang năm thứ 3. Đồng thời, duy trì được chương trình học hai buổi/ngày và đặc biệt là giữ các em ở lại trường, tránh trường hợp các em bỏ học giữa chừng. Những bữa ăn được thực hiện đã cải thiện sức khỏe cho các em học sinh, động viên các em vượt qua khó khăn tiếp tục học tập, nhiều học sinh đã có kết qủa tốt dù gia đình còn nghèo khó. Từ khi triển khai đến nay, hoạt động này đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của cấp trên, chính quyền địa phương và phụ huynh học sinh.
Cô Trịnh Thị Hà chia sẻ: “Từ khi phát động chương trình nấu bữa ăn trưa cho các học trò nghèo đến nay, các cán bộ, giáo viên trong trường đều rất ủng hộ. Tuy nhiên, việc duy trì bữa ăn trưa cho các học trò nghèo rất khó khăn. Công đoàn trường muốn vận động các nhà tài trợ hỗ trợ cho trường nồi cơm điện mới thay nồi cơm cũ đã hỏng để người nấu bếp đỡ vất vả”.
Nói về việc làm này, cô Trần Thị Ái Liên, Hiệu trưởng trường tiểu học Châu Phong 1 cho biết, trường có hơn 30 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà ở xa trường. Hơn nữa do bố mẹ các em thường xuyên đi làm ăn xa, nhiều em trong số này còn thuộc diện mồ côi nên các em phải ở với ông bà. Do vậy, trường đã vận động thầy cô trong trường trích tiền lương tổ chức nấu bữa cơm trưa để động viên, giúp các em vượt khó, vươn lên trong học tập, đồng thời duy trì được hai buổi học trên ngày cho các em. Từ khi hoạt động này được triển khai đã nhận được sự đồng tình của cấp trên và chính quyền, phụ huynh trong xã.
“Trong từng bữa ăn, chúng tôi luôn cố gắng cân bằng, đổi món, đảm bảo dinh dưỡng, đủ chất cho các em. Ở đây, thực phẩm được mua, chế biến và sử dụng hết trong ngày. Tuy hoàn cảnh các thầy cô trong trường đa số đều đang khó khăn, song các thầy cô luôn đồng lòng, hết sức ủng hộ quỹ trong việc duy trì bữa ăn trưa cho các em học sinh nghèo. Từ đó, góp phần động viên, khích lệ các em cố gắng vượt khó vươn lên trong học tập”, cô Trần Thị Ái Liên cho hay.
Mong ước một chiếc nồi cơm điện to cho học sinh Bà Nguyễn Thị Châu, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quỳ Châu cho hay, hiện nay trên địa bàn có tất cả 5 trường tiểu học đang thực hiện chương trình “bữa cơm tình thương” dành cho học sinh nghèo. Trong đó trường tiểu học Châu Phong 1 và Châu Phong 2 là những nơi đầu tiên thực hiện. Riêng tại trường tiểu học Châu Phong 2 có 100% học sinh là người dân tộc Thái đến từ các bản Tằm, Lầu, Lìm, thuộc xã Châu Phong. Năm học này trường có 201 học sinh, nhưng có tới 128 em gia đình thuộc diện hộ nghèo. Từ năm 2016, các thầy cô giáo trường tiểu học Châu Phong 2 quyết định trích lương, góp gạo nuôi ăn buổi trưa cho những em nhà cách xa trường hơn 3km đi học. Hiện các cô đang nuôi bán trú 28 cháu. Mong ước của các thầy cô tiểu học Châu Phong 2 là có một nồi cơm điện to để nấu cơm cho học sinh, vì trường mới chỉ sắm được nồi nhỏ. Có hôm nấu nhiều gạo, cơm không chín, phải đổ ra nồi khác để nấu bếp củi. |
ANH NGỌC
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời Sống & Pháp Luật số 10