+Aa-
    Zalo

    Xuất khẩu nông sản sang EU cần gắn với tiêu chí "xanh"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: "Nông nghiệp sạch chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường, đối với xã hội...".

    Mới đây, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), Bộ Công Thương, Đại sứ quán - Phái đoàn ngoại giao Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) đã tổ chức buổi tọa đàm chuyên đề trực tuyến về xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu.

    xuat khau nong san sang eu can gan voi tieu chi xanh 01
    Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan.

    Xúc tiến thành lập văn phòng đại diện quản lý chất lượng nông sản của EU

    Phát biểu tham luận tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, mới đây Bộ NN-PTNT đã đạt được một số thỏa thuận sơ bộ với Đại sứ EU tại Việt Nam.

    Thời gian tới, EU cam kết sẽ hỗ trợ xây dựng hệ thống logistics đạt chuẩn châu Âu cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, các kho tạm trữ sản phẩm của hệ thống là thiết thực nhất, có thể giúp cho chuỗi cung ứng của Việt Nam không bị đứt gãy.

    Nhằm tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, hạn chế tình trạng hàng hóa xuất khẩu bị trả lại do không đủ tiêu chuẩn, Đại sứ EU cũng cam kết mở một văn phòng đại diện quản lý chất lượng của tổ chức này tại Việt Nam, tham gia trực tiếp vào quá trình kiểm định chất lượng, đảm bảo mọi lô hàng đều phù hợp theo quy định trước khi xuất khẩu.

    Để sớm hiện thực hóa những thỏa thuận vừa nêu, Bộ trưởng đề nghị Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, ông Nguyễn Văn Thảo, xúc tiến đàm phán, đẩy nhanh công tác thực hiện. Bộ trưởng đánh giá, EU là một thị trường rộng lớn nhưng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường này còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng thương mại của hai bên.

    Các sản phẩm nông sản Việt Nam chủ yếu phân phối qua các cửa hàng nhỏ của người châu Á, chưa xâm nhập được vào các hệ thống phân phối, bán lẻ lớn của châu Âu. Việt Nam có bất lợi là một nước đi sau nhưng chính vì vậy lại có cơ hội học hỏi, rút được nhiều kinh nghiệm. Để thành công xuất khẩu sang thị trường châu Âu, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành Trung ương, chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

    xuat khau nong san sang eu can gan voi tieu chi xanh 02
    Sản xuất nông sản Việt Nam còn mang tính chất tự phát, quy mô nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong hoạt động xuất khẩu... dẫn đến chi phí tăng cao.

    3 trở ngại ngăn nông sản Việt vào EU

    Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ ra 3 trở ngại lớn đối với nông sản xuất khẩu Việt Nam hiện nay đó là biến đổi khí hậu; biến động thị trường và sự chuyển biến xu thế tiêu dùng thế giới.

    Trước đây, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu quảng bá sản phẩm theo hướng nông nghiệp sạch nhưng hiện nay, phong trào tiêu dùng xanh là xu thế của thị trường quốc tế. Nông nghiệp sạch chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường, đối với xã hội.

    Bên cạnh yêu cầu về chất lượng kỹ thuật, an toàn thực phẩm, nhiều nước đã đưa ra các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, chế biến. Coi đó như một loại trách nhiệm, đạo đức xã hội của doanh nghiệp với sự phát triển bền vững trên toàn thế giới. Rất có thể, trong thời gian sắp tới, nhiều nước sẽ yêu cầu ghi rõ ràng các tiêu chuẩn này trên bao bì sản phẩm.

    “Hoạt động giao thương không chỉ dừng lại là trao đổi hàng hóa, cần phải nâng lên đó là hoạt động trao đổi cảm xúc. Khi hai thị trường cùng chung một hệ quy chiếu, chung một ý thức về trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường... sẽ trở nên gần gũi. Từ đó, những khó khăn dễ dàng được tháo gỡ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

    Bộ trưởng NN-PTNT cũng chỉ ra những tồn tại của các doanh nghiệp Việt Nam như sản xuất còn mang tính chất tự phát, quy mô nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong hoạt động xuất khẩu... dẫn đến chi phí tăng cao.

    “Nông dân mang tư duy mùa vụ, doanh nhân mang tư duy thương vụ, một số cán bộ chính quyền thì tư duy nhiệm kỳ. Cần phải thay đổi ngay các tư tưởng này, mở rộng suy nghĩ và tầm nhìn. Đề ra các chiến lược dài hơi, 5 năm, 10 năm, thậm chí là 20 năm để đạt được các mục tiêu cụ thể”, Bộ trưởng nói.

    Để tiết giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, Bộ trưởng NN-PTNT đề nghị các doanh nghiệp hiện nay đang có hoạt động vào thị trường EU thành lập lên một liên minh, hiệp hội, dựa trên thông tin do 27 Tham tán ngoại giao ở nước ngoài cung cấp để thống nhất phương thức hoạt động, định hướng được thị trường sản phẩm và xây dựng lên các vùng nguyên liệu.

    Bộ trưởng ví dụ, các doanh nghiệp có thể phối ghép với nhau trong khâu vận chuyển hàng hóa, từ đó tiết kiệm được chi phí, giảm giá thành sản phẩm, qua đó nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa.

    Bộ trưởng mong muốn các cơ quan ngoại giao tại nước ngoài tham mưu sâu hơn về thông tin, đặc trưng thị trường nước sở tại để từ đó nông sản Việt Nam định hướng được mục tiêu, đưa ra phương pháp tiếp cận phù hợp.

    Cụ thể hơn, Bộ trưởng đề nghị Tham tán Việt Nam tại Thái Lan tìm hiểu về mô hình, chiến lược xuất khẩu của nước này, từ đó sẽ học hỏi, rút kinh nghiệm, đề ra các chiến lược hành động phù hợp với Việt Nam.

    Lê Tuấn

    Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ Bảy (37)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xuat-khau-nong-san-sang-eu-can-gan-voi-tieu-chi-xanh-a517699.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan