Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình cho biết, ngày 23/10, trên địa bàn xã Lê Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình đã ghi nhận 14 trường hợp mắc thủy đậu là 14 em học sinh trường TH&THCS Lê Hóa, ca bệnh được phân bố chủ yếu tại các thôn Quảng Hóa (10 ca), Tiền Phong (2 ca), Yên Xuân (1 ca) và Đồng Lê (1 ca) thuộc xã Lê Hóa, Huyện Tuyên Hóa.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Tuyên Hóa, 2 ca bệnh đầu tiên là học sinh lớp 7A trường TH&THCS xã Lê Hóa, có triệu chứng điển hình của bệnh Thủy đậu (sốt, đau đầu, trên da xuất hiện vết ban đỏ, bọng nước có đường kính khoảng 5mm…) sau đó đến ngày 21/10 tại lớp học trên phát hiện tiếp 12 trường hợp, tổng toàn trường đã có 14 học sinh mắc bệnh thủy đậu và đã được cách ly, điều trị tại nhà.
Ngay sau đó, Trung tâm Y tế huyện Tuyên Hóa đã tiến hành xử lý môi trường, vệ sinh khử khuẩn khuôn viên nhà trường, lớp học và tại từng hộ gia đình có trường hợp mắc bệnh, tính đến hôm nay (ngày 24/10) đã có 4 trường hợp điều trị khỏi và đi học trở lại.
Ngay sau khi nhận được thông tin phát hiện ổ dịch thủy đậu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã khẩn trương tổ chức đi điều tra, giám sát tại trường TH&THCS Lê Hóa. Qua quá trình giám sát, bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật yêu cầu Trung tâm Y tế Tuyên Hóa tăng cường công tác giám sát, điều tra dịch tễ. Khoanh vùng từng hộ gia đình, các thôn có các trường hợp mắc bệnh, phát hiện sớm xử lý kịp thời không để dịch bùng phát và lây lan trrong cộng đồng. Theo dõi sát diễn biến dịch bệnh, có báo cáo hằng ngày và tình huống khẩn cấp đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để có phương án xử lý kịp thời.
Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật đề nghị Trạm Y tế cần tiến hành thu dung điều trị các trường hợp thủy đậu nhẹ, theo dõi chuyển tuyến kịp thời đối với các trường hợp nặng có biến chứng. Đối với nhà trường, trước hết cần phối hợp với y tế địa phương tổ chức các buổi ngoại khóa tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh thủy đậu nói riêng và các dịch bệnh theo mùa nói chung để nâng cao kiến thức phòng chống dịch bệnh cho học sinh và giáo viên. Khi phát hiện ca bệnh mới nên báo ngay cho Trạm Y tế để khẩn trương cách ly, điều trị, nhằm đảm bảo sức khỏe cho giáo viên, học sinh tránh làm gián đoạn công tác dạy và học. Đặc biệt, cần chú trọng công tác vệ sinh môi trường, sát khuẩn lớp học hằng ngày bằng hóa chất cho đến khi hết ca bệnh.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã hỗ trợ 50 lọ thuốc hồ Neo pred 30g để điều trị bệnh thủy đậu và 25kg Cloramin B để khử khuẩn môi trường cho trường TH&THCS Lê Hóa hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh.
Tính đến ngày 24/10 trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 174 trường hợp mắc thủy đậu, giảm 54,9 % so với cùng kỳ năm 2023, địa phương được ghi nhận nhiều nhất là Tuyên Hóa (56 ca), Quảng trạch (41 ca), Đồng Hới (21 ca), Quảng Ninh (20 ca)…
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình khuyến cáo, bệnh thủy đậu hiện nay chưa có thuốc đặc trị, chỉ có các loại thuốc và phương pháp hỗ trợ điều trị. Đây là bệnh lành tính tuy nhiên vẫn có biến chứng nặng. Do đó, người dân cần phòng bệnh cho những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao như: trẻ sơ sinh, người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch... bằng biện pháp tốt nhất là tiêm Vắc xin phòng dịch.