Liên quan phiên tòa xử tài xế Mercedes tông nữ tiếp viên hàng không, tòa đã có văn bản yêu cầu VKS bổ sung một số chứng cứ liên quan vụ án về trình tự thủ tục mua bán, chuyển nhượng căn nhà của bị cáo trong thời gian bị tạm giam.
Bị hại Nguyễn Thị Bích Hường - Ảnh: VNN |
Sáng 9/4, TAND TP.HCM xử phúc thẩm vụ tài xế Mercedes Nguyễn Trần Hoàng Phong gây tai nạn khiến chị Nguyễn Thị Bích Hường bị thương tật 79% và tài xế xe ôm công nghệ tử vong.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, chị Nguyễn Thị Bích Hường (tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines) có 5 luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi, còn bị hại Lê Mạnh Thường (tài xế xe ôm công nghệ đã tử vong) có 7 luật sư.
Tuy nhiên phiên tòa phải tạm hoãn vì vắng luật sư bào chữa cho bị cáo, tòa thông báo sẽ mở lại vào sáng 22/4.
Chủ tọa cũng thông báo trước phiên xét xử, tòa đã có văn bản yêu cầu VKS bổ sung một số chứng cứ liên quan vụ án về trình tự thủ tục mua bán, chuyển nhượng căn nhà của bị cáo trong thời gian bị tạm giam. Theo HĐXX, các tài liệu này đã được các vị luật sư tiếp cận.
Cụ thể, trong quá trình thụ lý hồ sơ phúc thẩm, VKSND TP.HCM có văn bản yêu cầu VKSND quận Phú Nhuận xác minh, bổ sung các tài liệu chứng cứ về việc mẹ bị cáo Phong cùng công chứng viên đến trại tạm giam để làm thủ tục sang tên căn hộ của bị cáo, nhằm tẩu tán tài sản.
Theo VKSND TP.HCM, đơn kháng cáo của bị hại Nguyễn Thị Bích Hường có tình tiết trên; tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, VKS nhận thấy vấn đề này chưa được xác minh làm rõ.
Qua đó, VKS TP.HCM yêu cầu làm rõ việc trong quá trình tạm giam, bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong có được mẹ cùng công chứng viên đến nơi tạm giam để làm thủ tục sang tên căn hộ của bị cáo hay không? Nếu có, VKS đề nghị xác định thời điểm sang tên, công chứng.
Cơ quan công tố cũng nêu rõ bị cáo Phong bị khởi tố, truy tố về tội Vi phạm quy định giao thông đường bộ, gây hậu quả về thiệt hại tài sản, sức khỏe, tính mạng người khác. Căn cứ Điều 128 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì trường hợp của bị cáo phải kê biên tài sản để đảm bảo bồi thường thiệt hại.
VKS đặt câu hỏi tại sao các cơ quan tiến hành tố tụng quận Phú Nhuận lại cho gia đình và công chứng viên đến nơi tạm giam bị cáo để làm thủ tục sang tên căn hộ?
Trước đó, tháng 12/2020, TAND quận Phú Nhuận đã tuyên phạt Phong 7 năm 6 tháng tù, buộc bồi thường 1,4 tỷ đồng cho chị Nguyễn Thị Bích Hường và 477 triệu đồng cho gia đình ông Lê Mạnh Thường (tài xế xe ôm công nghệ đã tử vong).
Theo cáo trạng, khoảng 5h27 ngày 30/1/2020, Nguyễn Trần Hoàng Phong lái ô tô hiệu Mercedes BKS: 51G-902.57, đi từ tầng hầm toà nhà số 108 Hồng Hà (Phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM) về ngã tư Hoàng Minh Giám (quận Phú Nhuận).
Đến số 123 Hồng Hà, Phong không làm chủ được tốc độ, lao sang làn đường ngược chiều, tông trực diện vào xe máy mang BKS: 62P1- 401.23 do ông Lê Mạnh Thường (chạy xe ôm công nghệ) cầm lái chở chị Nguyễn Thị Bích Hường đang chạy theo chiều ngược lại.
Cú tông mạnh khiến người và xe máy văng vào lề đường trái, ô tô tiếp tục va chạm vào cây phượng trên vỉa hè. Vụ tai nạn khiến ông Thường bị đa chấn thương và chết tại bệnh viện, còn chị Hường bị đa chấn thương với tỷ lệ thương tật 79%.
Sau tai nạn xảy ra, Phong tự rời khỏi hiện trường. Hôm sau, Phong đến công an đầu thú và khai nhận sự việc.
Tại cơ quan điều tra, Phong khai hai ngày trước khi xảy ra tai nạn, Phong đi chơi tại quán bar ở tỉnh Bình Thuận và sử dụng ma tuý. Kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm dấu vết phương tiện và dấu vết trên người nạn nhân đều phù hợp với diễn biến vụ tai nạn.
Qua kết quả điều tra xác định nguyên nhân tai nạn lỗi hoàn toàn do Phong lái ô tô trong khi không có giấy phép lái xe, chạy với tốc độ là 84km/h (tốc độ cho phép 50km/h), không làm chủ tay lái lấn trái đường tông vào xe máy đi hướng ngược lại.
Cự Giải(T/h)