(ĐSPL) - Trong phiên xét xử chiều ngày 19/7, trong tổng số hơn 150 cá nhân, tổ chức được triệu tập thì chỉ có 2/3 có mặt, danh sách vắng mặt có nhiều ngân hàng.
Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Việt Nam Phạm Công Danh và 35 đồng phạm gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng, chiều nay kết thúc với nhiều kiến nghị từ Viện Kiểm sát và phía luật sư về phần thủ tục.
Theo VTV, trong phiên tòa hôm nay (19/7), các bị can bị xét xử vì tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng.
Riêng hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” của nguyên là thành viên Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước tại Ngân hàng xây dựng được tách ra để tiếp tục điều tra mở rộng.
Diễn biến tòa chiều nay, theo một số luật sư, trong số hơn 150 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, có đến 1/3 trong số này vắng mặt, trong đó có những người liên quan đến một số các hợp đồng tín dụng trái quy định trong cáo trạng. Do đó, theo luật sư, việc này ảnh hưởng đến tính khách quan của quá trình xét xử.
Các bị cáo trong phiên xử - Ảnh: Công an Nhân dân |
Theo báo Tiền Phong, đáng lưu ý trong buổi sáng xét xử đầu tiên là… sức khỏe của bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, Chủ tịch HĐTV Cty Tập đoàn Thiên Thanh), mặc dù được chủ tọa phiên tòa cho ngồi khi tất cả mọi người trong phòng xử án phải đứng lên. Tuy nhiên, khác với lúc đầu giờ dẫn giải vào tòa, Danh cười tươi thì nay lại tỏ ra khá mệt mỏi.
Phạm Công Danh nói rằng trí nhớ mình giảm sút và bị cáo không thể nhớ được con bị cáo sinh năm nào!
Chủ tọa phiên tòa nói rằng đã có bệnh án của bị cáo và có bác sĩ túc trực chăm sóc cho tất cả bị cáo. Cùng lúc này, quan sát của phóng viên, trước sân tòa án đã có sẵn 1 xe cấp cứu 115 cùng các nhân viên y, bác sĩ.
Tiếp tục xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm, chiều 19/7, phiên tòa tiếp tục phần thủ tục.
Theo VOV, tại phần thủ tục, khi được nêu ý kiến, luật sư Phan Trung Hoài – bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh đưa ra hai kiến nghị.
Đầu tiên vị luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh đề nghị HĐXX triệu tập các đương sự tham gia phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Theo luật sư Hoài, những người dự phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan còn có rất nhiều ngân hàng. Việc vắng mặt của những đương sự này có thể làm ảnh hưởng đến vụ án. “Các đương sự cũng cần phải có mặt để đảm bảo công bằng trong xét xử”, ông Hoài nêu ý kiến.
Kiến nghị thứ hai của vị luật sư đang giữ chức danh Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam là về thông báo định giá tài sản.
Điều ông Hoài băn khoăn là cần giải mật đối với tài liệu định giá tài sản. “Đây là tài liệu công khai, thu thập theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự thì nên không thể đánh dấu mật”, ông Hoài đặt vấn đề.
Luật sư Hà Hải – bào chữa cho Phạm Công Danh: Cần phải dùng biện pháp để đủ người, công khai minh bạch.
Sau ý kiến của ông Phan Trung Hoài thì nhiều ý kiến của luật sư cũng đề nghị cần phải triệu tập những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan để không ảnh hưởng đến quá trình xét xử vụ án. “Cần phải dùng biện pháp để triệu tập đủ người, như vậy mới có thẻ xét xét công khai minh bạch”, luật sư Hà Hải – bào chữa cho Phạm Công Danh đề nghị.
Luật sư Phạm Công Út – Đoàn luật sư TP.HCM – người bào chữa cho 4 bị cáo trong vụ đại án kinh tế Phạm Công Danh cũng nêu kiến nghị việc triệu tập đủ các thành phần liên quan đến vụ án. Theo luật sư Út, do bị cáo của ông đang kêu oan, không phạm tội nên cần phải triệu tập đủ để làm rõ vấn đề.
Bên cạnh đó, ông Út cho rằng, việc cơ quan tố tụng tách một số vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng của Phạm Công Danh và đồng phạm liên quan đến việc rút hơn 6.600 tỷ đồng của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) đem gửi cho 3 ngân hàng; tách vụ án Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phạm Thế Tuân và Ngô Văn Giang là thành viên Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước đặt tại VNCB là không đủ cơ sở. Do vậy, ông Út đề nghị HĐXX tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung để nhập lại vụ án.
Trả lời các kiến nghị của luật sư, đại diện cơ quan tiến hành tố tụng cho biết, việc tách hồ sơ liên quan đến hai vụ án mà luật sư nêu không ảnh hưởng đến vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Theo cơ quan tiến hành tố tụng, hành vi của Phạm Công Danh đưa ra xét xử ngày hôm nay không liên quan đến các ngân hàng.
Về ý kiến của ông Phan Trung Hoài giải mật đối với kết quả giám định, ông chủ tọa cho biết, yêu cầu này trước đây, tòa cũng đã tống đạt đến luật sư. “Đó là giải mật đầu tiên”, thẩm phán Phạm Lương Toản cho biết.
Chủ tọa tiếp tục cho hay, tòa cũng đã triệu tập các thành phần liên quan đến giám định tài sản và những người này đều có mặt tại phiên tòa, đó là giải mật thứ hai. Theo chủ tọa, trong quá trình đưa văn bản vào hồ sơ vụ án, đã quên việc còn đóng dấu mật. Tuy nhiên, vấn đề liên quan đến giám định tài sản sẽ được làm rõ tại phần xét hỏi.
Tiếp tục đưa ra thắc mắc của mình sau trả lời của HĐXX, ông Phan Trung Hoài nêu kiến nghị: “Các luật sư khi tham gia tố tụng có trách nhiệm bảo vệ bí mật điều tra, danh mục đóng dấu mật. Bởi vậy đề nghị HĐXX chính thức cho các luật sư công bố tất cả tài liệu liên quan”.
Đáp lại, chủ tọa cho biết: “Ý kiến của luật sư Phan Trung Hoài là chính đáng và trong quá trình tác nghiệp của mình, đề nghị các luật sư thực hiện theo quy định của pháp luật”.
Về vấn đề triệu tập các đương sự liên quan, HĐXX cho hay, đã tiến hành đúng thủ tục, và những người vắng mặt ngày hôm nay sẽ tiếp tục triệu tập.
Cũng tại phần làm thủ tục chiều nay, bị cáo Phan Tuấn Anh (SN 1981, quê Vĩnh Long, cựu quyền trưởng phòng tín dụng VNCB Hội sở chính) cũng đề nghị không cần sự tham gia bào chữa của luật sư Nông Minh Đức. Hiện bị cáo Phan Tuấn Anh có hai luật sư bào chữa cho mình là Vũ Mạnh Cường và Chu Quốc Hòe.