Dòng sự kiện
    +Aa-
    Zalo

    Xử vụ Ngân hàng Xây dựng: Lộ dần "mánh" rút ruột ngân hàng của Phạm Công Danh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Phạm Việt Thép khai: cuối năm 2012, Phạm Công Danh nhờ Thép làm giám đốc Công ty An Phát. Thép cho rằng, mình không biết việc thành lập công ty để làm gì.

    Phạm Việt Thép khai: cuối năm 2012, Phạm Công Danh nhờ Thép làm giám đốc Công ty An Phát. Thép cho rằng, mình không biết việc thành lập công ty để làm gì.

    Sáng nay (26/7), phiên tòa xét xử bị cáo Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam -VNCB) và đồng phạm tiếp tục với phần thẩm vấn.

    Liên quan đến phiên tòa, ngày hôm qua, HĐXX đã cho các bên liên quan trả lời thẩm vấn liên quan đến hành vi rút khoảng 5.200 tỷ đồng ra khỏi tài khoản của bà Trần Ngọc Bích – giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát không có chữ ký, chứng từ của chủ tài khoản và hành vi rút 300 tỷ đồng không có hồ sơ vay của nhóm Trần Ngọc Bích. Bà Trần Ngọc Bích đã trả lời thẩm vấn liên quan đến hành vi trên của Phạm Công Danh và đồng phạm.

    Cũng tại phiên tòa ngày hôm qua, lần đầu tiên VKS tham gia thẩm vấn các bị cáo liên quan đến tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

    Cũng ngày hôm qua, lần đầu tiên Phạm Công Danh bị thẩm vấn việc chi trả số tiền 3,2 tỷ đồng cho Phan Thành Mai – cựu TGĐ VNCB. Số tiền mà Phan Thành Mai khai là để trả ơn việc xây dựng đề án tái cơ cấu VNCB.

    Cuối ngày hôm qua, Phạm Công Danh cũng đã xin được trả lời thẩm vấn nhưng bị chủ tọa từ chối vì cho biết, bị cáo sẽ được HĐXX xét hỏi sau.


    Phiên tòa sáng nay tiếp tục phần thẩm vấn với sự tham gia của đại diện VKS. Mai Hữu Khương – cựu GĐ VNCB Chi nhánh Sài Gòn bị thẩm vấn liên quan đến hành vi ủy thác đầu tư trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh thông qua Quỹ Lộc Việt rút của VNCB 900 tỷ đồng.

    Trình bày về ủy thác đầu tư trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh qua Quỹ Lộc Việt, Mai Hữu Khương cho hay, trong hành vi này ngoài Khương còn có các bị cáo Phạm Công Danh, Phan Thành Mai.

    Khương có nhiệm vụ cung cấp hồ sơ liên quan đến Tập đoàn Thiên Thanh cho Quỹ Lộc Việt. Khương liên hệ với chị Phạm Hoài Thanh, nhân viên phân tích đầu tư chứng khoán của Quỹ Lộc Việt. Khương thừa nhận truy tố của cơ quan tố tụng liên quan đến hành vi ủy thác đầu tư trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh rút của VNCB hơn 900 tỷ đồng.

    Về số tiền 3 tỷ đồng trong tổng số 903 tỷ ủy thác đầu tư, Khương khai là để chi cho Quỹ Lộc Việt. Khương cho rằng không nắm được thỏa thuận này giữa lãnh đạo và Quỹ Lộc Việt.

    Cựu trưởng ban kiểm soát VNCB Nguyễn Quốc Viễn trả lời thẩm vấn VKS và cho biết, trong hành vi làm hồ sơ khống thực hiện đề án nâng cấp hệ thống Corebanking, Viễn thừa nhận hành vi và cho rằng, mình chỉ làm theo chỉ đạo.

    Về hành vi cho lập hợp đồng khống để thuê mặt bằng 268 Tô Hiến Thành rút hơn 201 tỷ đồng, Viễn bác cáo buộc và cho rằng không tham gia. Đồng thời đề nghị xem xét lại hành vi này của mình.

    Đối chất với lời khai của Phan Thành Mai – cựu TGĐ VNCB, bị cáo này cho rằng mình không còn nhớ chính xác.

    Thấm vấn bị cáo Hoàng Đình Quyết – cựu PGĐ VNCB Chi nhánh Sài Gòn về hành vi liên quan đến số tiền của nhóm Trần Ngọc Bích, VKS muốn làm rõ hai mối quan hệ cho vay ở đây.

    Đó là quan hệ cho vay giữa nhóm Trần Ngọc Bích và Phạm Công Danh. Ở đây, Quyết cho rằng đây là quan hệ cá nhân. Ở mối quan hệ gửi tiền thì đó là quan hệ giữa Nhóm Trần Ngọc Bích và VNCB.

    Việc chuyển tiền, Quyết vẫn khăng khăng có sự đồng thuận của chủ tài khoản. Trong khi đó ở phiên tòa ngày hôm qua, bà Bích hoàn toàn bác bỏ lời khai này của cựu PGĐ chi nhánh Sài Gòn.

    Theo Quyết sai lầm lớn nhất là cho chủ tài khoản nợ chứng từ khi tất toán khoản vay 300 tỷ đồng với việc cầm cố 6 sổ tiết kiệm.

    Thừa nhận hành vi của mình là sai trái, Quyết cho rằng tiền vẫn ở ngân hàng và đề nghị thu hồi gần 5200 tỷ đồng về cho VNCB.

    Trong phần trả lời thẩm vấn của VKS, Bạch Quốc Hào – cựu PGĐ Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản VNCB cho biết, liên quan đến hành vi lập hồ sơ khống để thuê đất ở 268 Tô Hiến Thành, anh ta cho rằng, mình được ủy quyền.

    Cắt lời bị cáo, VKS khẳng định ủy quyền nhưng phải đúng quy định của pháp luật.

    Hào nhận trách nhiệm của mình khi đặt bút ký, nhưng mục đích đằng sau bị cáo không được biết.

    Cáo buộc của cơ quan tiến hành tố tụng cho biết, Hào được ủy quyền của giám đốc ký các hợp đồng kinh tế và điều hành các hoạt động của công ty. Hào là người ký và tổ chức thực hiện hợp đồng cho thuê trụ sở 268 Tô Hiến Thành với Công ty Trung Dung gây thiệt hại số tiền gần 200 tỷ.

    Trong hành vi này, VKS cũng thẩm vấn Trần Văn Bình – Giám đốc Công ty Trung Dung. Bị cáo vốn là nhân viên rửa xe của Tập đoàn Thiên Thanh. Bình thừa nhận không có nghiệp vụ quản lý doanh nghiệp, chỉ đứng vị trí giám đốc Công ty mang tính hình thức.

    Với chữ ký của “giám đốc” Bình - Công ty Trung Dung trong việc cho VNCB thuê đất ở 268 Tô Hiến Thành, đã giúp sức cho Phạm Công Danh và đồng phạm rút gần 200 tỷ đồng của VNCB. Công ty Trung Dung thực chất do Phạm Công Danh dựng lên.

    Trong phần trả lời thẩm vấn của VKS, ban đầu cố trấn tĩnh nhưng “giám đốc” Nguyễn Thị Kim Vân – Giám đốc Công ty Hương Việt, vốn là nhân viên bán xe của Tập đoàn Thiên Thanh lại khóc sụt sùi. Vân cho rằng, do mình tin tưởng nên ký khống. Với vai trò giám đốc trên giấy, chị ta không giữ con dấu của công ty. Tất cả hành vi của Vân đều làm theo sự hướng dẫn của nhân viên kế toán thuộc Tập đoàn Thiên Thanh.

    Tiếp tục thẩm vấn, VKS đặt vấn đề với Phan Thành Mai về việc thành lập ban chỉ đạo đầu tư hiện đại hóa công nghệ ngân hàng VNCB. Đây là hành vi liên quan đến lập hồ sơ khống nâng cấp hệ thống Corebanking để rút ra 63 tỷ đồng.

    Theo Mai, trong ban chỉ đạo này, ngoài những đang là bị cáo tại tòa thì nhiều người không biết mình có mặt trong thành phần ban chỉ đạo.

    Mai không biết về Phạm Việt Thép – Giám đốc Công ty An Phát. Việc lựa chọn Công ty An Phát là đối tác tư vấn cựu TGĐ VNCB cũng không hay. Nhân vật Phạm Thị Trang – tức Trang Phố núi, theo cựu TGĐ VNCB đã làm việc trước khi anh ta về nắm giữ chức danh TGĐ tại ngân hàng.

    Làm rõ vấn đề này, VKS thẩm vấn Mai Hữu Khương – cựu GĐ VNCB Chi nhánh Sài Gòn.

    Khương trình bày, tiền chăm sóc khách hàng ngoài hợp đồng tín dụng, do Trang chi. Việc lựa chọn Công ty An Phát để làm hợp đồng tư vấn (là cái cớ để rút 63 tỷ đồng của VNCB) cũng do Trang lựa chọn.

    Cũng hành vi này, Phạm Việt Thép khai: cuối năm 2012, Phạm Công Danh nhờ bị cáo làm giám đốc Công ty An Phát.

    Các thủ tục để lập và làm giám đốc công ty, Thép tự đi làm. Con dấu thì được giao cho Nguyễn Thị Quỳnh Trang – nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh.

    Thép cho rằng, mình không biết việc thành lập công ty để làm gì. Bị cáo cũng không nhận lương thành lập công ty.

    Đối với hợp đồng cung cấp gói dịch vụ tư vấn nâng cấp hệ thống Corebanking giá trị 63 tỷ đồng, Thép cho hay mình không được hưởng lợi.

    Thép tiếp tục trình bày, cuối năm 2013, anh ta không còn làm giám đốc Công ty An Phát và cũng nghỉ không còn làm việc tại VNCB Chi nhánh Lam Giang. Lý do cựu giám đốc Công ty An Phát đưa ra là “ký nhiều giấy tờ quá” nên sợ vi phạm pháp luật. Công ty An Phát sau đó được Thép trả lại cho Tập đoàn Thiên Thanh.

    Nhóm PV
    Nguồn: VOV.VN

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xu-vu-ngan-hang-xay-dung-lo-dan-manh-rut-ruot-ngan-hang-cua-pham-cong-danh-a141138.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan