(ĐSPL) - Người khởi kiện được xác định là ông Phi ở Thái Bình trong vụ án oan từ năm 1998. Đến nay, ông cự giám đốc vẫn ròng rã theo đuổi vụ kiện đòi tòa và công an bồi thường 64 tỷ đồng.
Theo báo Một Thế Giới, chiều nay (10/8), TAND TP. Thái Bình sẽ tuyên án sơ thẩm lần 2 vụ án ông Lương Ngọc Phi (67 tuổi, sinh sống tại TP Thái Bình) kiện Công an tỉnh Thái Bình và TAND tỉnh Thái Bình, đòi bồi thường oan sai 64 tỷ đồng. Ông Lương Ngọc Phi là nguyên Giám đốc Công ty khai thác chế biến nông hải sản xuất khẩu Hòa Bình,
Đây là vụ việc đã kéo dài nhiều năm nay. Năm 1999, TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt ông Phi 17 năm tù về hai tội trốn thuế và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa. Xét xử phúc thẩm năm 2000, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội tuyên ông Phi không phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa và hủy phần tội trốn thuế để điều tra lại.
Năm 2010, TAND tỉnh Thái Bình đã bồi thường cho ông Phi 600 triệu đồng, đây là tiền bồi thường cho 3 năm ông Phi ngồi tù và thu nhập thực tế bị mất. Tháng 8/2013, TAND TP Thái Bình tiếp tục tuyên buộc Tòa sơ thẩm TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông Lương Ngọc Phi hơn 21,4 tỉ đồng về tài sản bị kê biên, phát mãi và một số chi phí khác sau khi ông Phi bị bắt.
Ông Lương Ngọc Phi đòi bồi thường oan sai 64 tỷ đông - Ảnh: Một Thế Giới |
Khi bản án có hiệu lực, ông Phi liên tục làm đơn gửi các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu được chi trả tiền bồi thường nhưng chỉ được trả lời là đang xem xét. Sau đó, bản án này bị TAND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm.
Tại phiên tòa, ở phần xét hỏi, HĐXX đã yêu cầu ông Phi làm rõ các nội dung yêu cầu bồi thường của mình, các căn cứ, cơ sở pháp lý để hình thành số tiền 64 tỷ đồng mà ông Phi đưa ra.
Còn theo VOV, hồ sơ vụ việc thể hiện, tháng 4/1998, Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Lương Ngọc Phi về tội danh “trốn thuế” và “lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”.
Ngày 29/9/1999, TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt ông Phi 17 năm tù giam cho hai tội danh. Tài sản thu giữ trong vụ án bao gồm 280.770 kg hạt ý dĩ (hay còn gọi là bobo chưa bóc vỏ); 31.830 kg hạt kê giống; 307 kg hạt vừng giống Nhật Bản; 1 xe ô tô con loại bốn chỗ nhãn hiệu Daewoo. CQĐT Công an tỉnh Thái Bình sau đó đã phát mại số tài sản nói trên.
Năm 2001, VKSND tỉnh Thái Bình xác định vụ án oan sai và trả tự do cho ông Lương Ngọc Phi. Tính tới thời điểm đó, ông Phi đã ngồi tù oan sai tổng cộng 1.066 ngày.
Vụ kiện được cơ quan chức năng tách thành hai vụ việc, trong đó, vụ án bồi thường về tổn thất tinh thần và giảm sút về sức khỏe được TAND TP.Thái Bình tuyên TAND tỉnh Thái Bình buộc phải bồi thường 666 triệu đồng. Sau 10 tháng bản án có hiệu lực, ông Phi nhận được số tiền này.
Vụ kiện thứ 2 đòi bồi thường thiệt hại về tài sản, sau 12 năm được công nhận oan sai, TAND TP.Thái Bình mở phiên xét xử và tuyên TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông Phi số tiền 21 tỷ đồng. Tuy nhiên, phía bị đơn không thi hành bản án khiến vụ việc kéo dài cho đến tận bây giờ.
Tại tòa, ông Lương Ngọc Phi đã trình bày và lấy dẫn chứng cụ thể bị tổn thất toàn bộ tài sản thu giữ trong vụ án; việc làm ăn của doanh nghiệp bị ngừng hoạt động hoàn toàn kể từ khi bị bắt; toàn bộ tiền đầu tư các vùng trồng nông sản tại các địa phương trong tỉnh bị đình trệ, sau đó là ngừng hoạt động; bị các đối tác làm ăn phạt do vi phạm hợp đồng, tiền lãi ngân hàng do không hoạt động…, ông Phi đưa ra con số yêu cầu bị đơn bồi thường tổng số tiền là hơn 64 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 16/5/2015, TAND TP. Thái Bình đã ban hành Biên bản định giá đối với khối tài sản bị phát mại trong vụ án oan của ông Lương Ngọc Phi. Theo đó, Biên bản định giá đối với các loại tài sản: hạt ý dĩ miền Nam; hạt kê giống Nhật Bản; hạt vừng giống Nhật Bản; 1 chiếc xe ô tô du lịch bốn chỗ nhãn hiệu Daewoo nhập khẩu Hàn Quốc. Tổng số tiền định giá là hơn 27 tỉ đồng – lớn hơn số tiền đền bù mà TAND TP.Thái Bình đã tuyên trước đó.
Đưa ra xét xử từ 4/8, HĐXX đã quyết định kéo dài thời gian nghị án, đến chiều nay 10/8 mới tuyên án.
HỒNG VÂN (Tổng hợp)
[mecloud] EHNMv5fvkF[/mecloud]