Sáng nay (26/6) phiên xử Trương Hồ Phương Nga và đồng phạm Nguyễn Đức Thùy Dung được tiếp tục diễn ra. Theo đó, Lữ Minh Nghĩa (bạn trai của bị cáo Dung) lần đầu xuất hiện tại tòa.
Sau 2 ngày tạm nghỉ, sáng nay (26/6), TAND TP.HCM tiếp tục đưa vụ án hoa hậu Trương Hồ Phương Nga (30 tuổi, ngụ TP Hà Nội) bị cáo buộc lừa đảo 16,5 tỷ đồng ra xét xử.
Theo thông tin trên báo Vnexpress, tại phiên tòa sáng 26/6, nhân chứng Lữ Minh Nghĩa (bạn trai của Nguyễn Đức Thùy Dung) lần đầu xuất hiện tại tòa. Trước đó, dù được HĐXX triệu tập nhiều lần, anh này vẫn không đến.
Trả lời tòa, Nghĩa cho biết sống như vợ chồng với bị cáo Dung trong 4 năm, biết Hoa hậu Phương Nga. Anh được Nga nhờ sao chép bản di chúc liên quan đến căn nhà trên đường Nguyễn Trãi và giấy xác nhận di chúc này là thật (căn cứ cơ quan điều tra buộc tội Phương Nga). Tuy nhiên, Nghĩa nói "không biết Nga nhờ làm giấy tờ này để làm gì", không nhớ rõ thời điểm giúp Nga.
Nhân chứng Lữ Minh Nghĩa tại tòa - Ảnh: Thanh Tùng/ Tri thức trực tuyến |
"Tôi từng gặp ông Mỹ vài lần tại nhà Nga", Nghĩa nói và xác nhận "giữa Nga và ông Mỹ có quan hệ tình cảm".
Trả lời VKS về những lời khai trước đó tại cơ quan điều tra, Nghĩa cho biết khoảng tháng 3/2015, sau khi Nga và Dung bị bắt ông đi cùng lên cơ quan điều tra lấy lời khai. Nội dung buổi làm việc giữa cảnh sát với Nga, Dung thế nào không rõ.
VKS công bố lời khai của anh này trước đó rằng "không rõ mối quan hệ của Nga và Mỹ", đồng thời từng biết luật sư Duy người tư vấn giúp Nga và Dung tạo lập chứng cứ giả. Được cho xác minh Nghĩa thừa nhận chứ ký trong bản khai đó là của mình, song nhiều nội dung không chính xác.
"Những lời khai đó không đúng sự thật do ông Mỹ tác động tôi. Ông ấy nói làm cho Nga và Dung trả tiền, sẽ lo cho hai người được tại ngoại" Nghĩa trả lời thẩm vấn.
Hoa hậu Phương Nga xuất hiện tại tòa sáng nay (26/6) - Ảnh: Vietnamnet |
Theo báo Tuổi Trẻ, trong những ngày xét xử trước, Thùy Dung đã có sự thay đổi lời khai về mục đích đưa số tiền của ông Mỹ cho Phương Nga. Tại phiên tòa sơ thẩm lần 1, cả Nga và Dung đều khai đó là tiền hợp đồng tình cảm của Cao Toàn Mỹ trả cho bị cáo Nga.
Tuy nhiên, trong lần xét xử này, bị cáo Dung lại cho rằng đó là tiền của Cao Toàn Mỹ cho Nga để Nga làm ăn và thực chất 2 người có quan hệ tình cảm với nhau. Việc Mỹ cho Nga tiền là để Nga mở spa và tập trung chăm sóc cho Mỹ.
Riêng bị cáo Nga thì xin được giữ quyền im lặng và giữ nguyên lời khai đã khai tại phiên tòa trước.
Trong quá trình xét xử, tòa đã cho xét hỏi người bị hại Cao Toàn Mỹ. Trả lời thẩm vấn, ông Mỹ cho rằng chỉ có mối quan hệ công việc với Phương Nga và không có tình cảm riêng.
Tuy nhiên, về việc cơ quan điều tra cho trích xuất thông tin về 17 chuyến nhập cảnh và xuất cảnh chung với Nga, ông Mỹ khẳng định một vài lần đi công việc, một vài lần tình cờ và một vài lần thì ông đi công tác nên Nga đi theo để mua sắm. Thực sự giữa 2 người không có quan hệ tình cảm riêng tư gì.
Tại phiên tòa, các luật sư bào chữa cho Trương Hồ Phương Nga đã đưa ra các bản khai giống nhau của bị cáo Nga và người bị hại Cao Toàn Mỹ.
Hiện phiên tòa vẫn đang diễn ra và tiếp tục cập nhật!
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009): 1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)