Ngày 20/8, vụ việc một người phụ nữ giả làm nhân viên y tế vào Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ (Hà Nội) bắt cóc trẻ sơ sinh khiến dư luận không khỏi xôn xao.
Cụ thể, sản phụ N.T.H (sinh năm 1983, Hòa Chính, Chương Mỹ) sinh con vào ngày 18/8. Tối ngày 19/8, một người phụ nữ đã lẻn vào khoa Sản, giả làm nhân viên của bệnh viện bế trẻ sơ sinh đi. Do đây là khoảng thời gian thăm nom trẻ nên đối tượng đã lợi dụng để đột nhập vào bệnh viện.
Khi chị này di chuyển được một tầng, bác sĩ Phó khoa Sản phát hiện thấy có người mặc trang phục của nhân viên y tế nhưng lạ mặt nên đã giữ lại. Sau khi chuyển Tuyến xuống phòng hành chính để làm rõ thì người phụ nữ này bỏ chạy, nhân viên của bệnh viện phải tri hô và sau đó bắt giữ đối tượng, đồng thời báo công an huyện để xử lý theo quy định.
Cũng theo lãnh đạo bệnh viện, đối tượng này mặc đồ y tá nhưng không có lô gô của bệnh viện. Hiện, sức khỏe của bé sơ sinh và bà mẹ hoàn toàn ổn định. Ban giám đốc bệnh viện đã có mặt thăm hỏi và động viên gia đình sản phụ.
Danh tính đối tượng được xác định là Nguyễn Thị Tuyến (SN 1989; trú tại xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ). Hiện Công an huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã tạm giữ hình sự Nguyễn Thị Tuyến để xử lý theo quy định pháp luật.
Về hướng xử lý đối tượng, Luật sư Đỗ Ngọc Anh – Giám đốc Công ty Luật Đỗ Gia Việt (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật trẻ em 2016, thì các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: “2. Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em”.
Theo đó, hành vi bắt cóc trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật. Và người thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 153 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):
“Để có căn cứ xử lý các đối tượng, cơ quan điều tra sẽ làm rõ động cơ, mục đích bắt cháu bé để xử lý tương ứng về hành vi phạm tội theo quy định của pháp luật”, Luật sư Ngọc Anh nói.
Dưới góc độ pháp lý, hành vi đưa cháu bé rời khỏi sự quản lý của bố mẹ mà không được sự đồng ý đã cấu thành tội “Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 153 Bộ luật Hình sự.
Theo Luật sư, hành vi phạm tội của đối tượng là nghiêm trọng không những đã xâm phạm đến quyền được chăm sóc, nuôi và sống chung với cha mẹ, quyền được bảo vệ của trẻ em mà còn gây tâm lý hoang mang lo lắng trong quần chúng Nhân dân bởi vấn nạn bắt cóc trẻ em đã và đang diễn ra trong xã hội nên cần thiết phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để làm gương cho những kẻ đã và đang có ý định phạm tội.
Mở rộng thêm, Luật sư Ngọc Anh cho biết: Nếu hành vi bắt cóc trẻ em nhằm mục đích mua bán thì sẽ bị xử lý về Tội mua bán người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 151 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Nếu hành vi bắt cóc trẻ em nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xử lý về Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Từ vụ việc trên, Luật sư Ngọc Anh khuyến cáo tới các tổ chức y tế cần quán triệt hơn nữa trong công tác quản lý nhân sự, kiểm soát chặt chẽ, nghiêm túc việc mọi người ra vào bệnh viện; không để các đối tượng xấu có cơ hội ra tay phạm pháp. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần để tâm, bao quát hơn nữa trong việc bảo vệ con em của mình cũng như tài sản ở nơi công cộng. Trong trường hợp xảy ra tội phạm cần báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền, đồng thời phối hợp giải quyết, góp phần ngăn chặn kịp thời tội phạm xảy ra.
T.V