(ĐSPL) - Người tiêu dùng cũng có thể khởi kiện các nhà mạng trong việc để xảy ra những giao dịch "mờ ám" trên điện thoại di động.
Mới đây, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) đã đưa ra cảnh báo về vấn đề vi phạm quyền lợi người tiêu dùng liên quan đến dịch vụ giá trị gia tăng (GTGT) trên điện thoại di động.
Theo Cục Quản lý Cạnh tranh, trong thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin liên quan đến việc mốt số nhà mạng đang 'ăn chặn' tiền của người tiêu dùng thông qua việc tự động cài đặt, đăng ký và gia hạn dịch vụ giá trị gia tăng - VAS (dịch vụ GTGT) mà người tiêu dùng không biết hoặc khó có thể kiểm soát. Điều này đã gây ra nhiều lo ngại cho những người tiêu dùng đang sử dụng điện thoại di động.
Cục Quản lý Cạnh tranh đã khuyến cáo người tiêu dùng Việt Nam cần phải chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin để khai thác sử dụng các dịch này phục vụ hiệu quả cho cuộc sống, đồng thời tránh được những hành vi xâm phạm quyền lợi của mình.
Liên quan đến vấn đề này chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Cao - Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng.
Người tiêu dùng bị nhà mạng "bẫy" có thể khởi kiện bồi thường cho mình. (Ảnh minh họa) |
- Việc nhà mạng “bẫy” người tiêu dùng như vậy thông thường phải xử lý như thế nào thưa ông?
Hành vi gây nhầm lẫn cho khách hàng là bị cấm, về nguyên tắc nếu từ việc nhầm lẫn mà gây ra các giao dịch với khách hàng thì các giao dịch này bị vô hiệu. Do đó, không xác lập các quyền nghĩa vụ và người tiêu dùng có không có nghĩa vụ thanh toán tiền cho giao dịch bị vô hiệu do nhầm lẫn, người tiêu dùng cũng có thể khởi kiện bên có lỗi trong việc để xảy ra các giao dịch này phải bồi thường các thiệt hại.
- Tại sao Cục quản lý Cạnh tranh không đề cập đến trách nhiệm nhà mạng trong những trường hợp này hay vì đây không phải là trách nhiệm của bộ công thương?
Hiện nay các giao dịch hợp đồng bằng phương thức điện tử hiện đại càng trở nên phổ biến, trong đó các nhà mạng viễn thông như là chủ thể “cầm cái” trong các giao dịch liên quan đến việc sử dụng dịch vụ mạng viễn thông, có những biểu hiện rõ ràng cho thấy các hành vi của các nhà mạng cố tình gây nhầm lẫn khiến khách hàng bị “bẫy”, do đó không chỉ cứ đẩy trách nhiệm cẩn trọng cho người tiêu dùng. Theo quy định tại Điều 48 Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, thì Bộ Công thương có trách nhiệm lớn để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chứ không chỉ cảnh báo. Trong đó có việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền của Bộ. Do đó Bộ cũng cần xem xét các hành vi gây nhầm lẫn về dịch vụ của các nhà mạng, đây là hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 10 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.
- Theo ông tại Việt Nam ai là người phải chịu trách nhiệm quản lý các nhà mạng trong việc để xảy ra tình trạng này?
Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ và các cơ quan ngang bộ liên quan, UBND các cấp … là những cơ quan được liệt kê trong luật có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Nhưng chúng tôi thấy rằng thực tế người tiêu dùng thường phải tự bảo vệ lấy mình. Những hành vi cố tình gây nhầm lẫn về dịch vụ để thu lợi rõ ràng là phạm pháp nhưng các nhà mạng thường lại là con đẻ của bộ ngành này, cơ quan nhà nước kia nên mọi thứ rất nhập nhằng về quyền lợi các bên. Các nhà mạng hiện nay mang doanh doanh nghiệp nhưng cũng kiểu các doanh nghiệp được cưng chiều, họ không những khó thấy bị xử lý mà như các khuyến cáo một phía vừa qua thì tội lỗi do người tiêu dùng phải gánh đỡ. Để đối phó với bất công, tôi nghĩ người dân phải đưa ra tòa kiện các hành vi gây nhầm lẫn để buộc các giao dịch nhầm lẫn vô hiệu, buộc bên có lỗi gây nhầm lẫn phải bồi thường. Quyền khởi kiện của người dân cũng là công cụ hữu hiệu để bảo vệ chính mình, quyền này được dùng nhiều ở các quốc gia có văn hóa pháp quyền cao, chúng ta cũng cần làm quen dần để tự mỗi người dân bảo vệ chính mình.
Có ý kiến cho rằng, những chiêu trò hiện nay của các nhà mạng chỉ qua mặt được những người kém hiểu biết về công nghệ. Thành ra đối tượng khách hành bị móc túi nhiều nhất rơi vào những người nghèo, có mức thu nhập thấp. Ông có đồng tình ở một mức độ nào đó với nhận định trên hay không và vì sao?
Đó cũng là những nhận định đúng. Thông thường người cẩn trọng và có am hiểu họ xem xét các thông tin kỹ và không dễ xác lập, kích hoạt các dịch vụ gài bẫy. Nhưng với nhiều người tiêu dùng thì họ không phải khi nào cũng hiểu rõ, do vậy bị nhầm lẫn khi giao dịch dẫn đến các thiệt hại.